Mờ nhạt hội đồng HLV quốc gia

An Chi 22/10/2015 12:05

Tiếng là một tổ chức tập hợp của những nhà chuyên môn hàng đầu, nhưng vai trò của Hội đồng HLV quốc gia lại rất mờ nhạt. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến Hội đồng HLV quốc gia chưa có tiếng nói trong khâu tuyển chọn HLV trưởng và những vấn đề chuyên môn khác, là do họ không được coi trọng ở VFF.

VFF có thực sự lắng nghe hội đồng HLV quốc gia trong vụ mời HLV trưởng Miura.

Tư vấn một đằng, làm một nẻo

Hội đồng HLV quốc gia được lập ra nhằm tư vấn chọn lựa HLV cho các đội tuyển quốc gia, bên cạnh đó là các công tác chuyên môn liên. Với vai trò này, đương nhiên trình độ của các HLV ngoại hoặc nội, sẽ được thẩm định rất kỹ để tránh việc VFF dùng phải “hàng hớ”.

Theo cựu Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia Nguyễn Sỹ Hiển, Hội đồng HLV quốc gia thường bị chỉ trích vì có những đánh giá không chính xác về các HLV trưởng thời gian qua, dẫn đến những thất bại của ĐTVN, U23 Việt Nam. Chẳng hạn như việc thuê HLV Falko Getz, HLV nội có Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc, mới nhất là HLV Miura. Tuy nhiên, thật oan uổng cho Hội đồng HLV quốc gia bởi họ không được thể hiện nhiều vai trò của mình trong các quyết định của VFF.

Một thành viên của Hội đồng HLV quốc gia khi được hỏi về quan điểm tuyển chọn HLV trưởng, đã ngao ngán: “Chúng tôi có bao giờ được hỏi ý kiến đâu. VFF là người có quyền quyết định, phản đối cũng chẳng được”.

Vị thành viên Hội đồng HLV quốc gia này kể lại về trường hợp của HLV Hoàng Văn Phúc năm 2014: “Trong bản hợp đồng giữa VFF và HLV Hoàng Văn Phúc, không có bất cứ một dấu ấn nào của Hội đồng HLV Quốc gia. Trước đó, một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại của ĐTVN tại AFF Cup 2012, chính là bởi Hội đồng HLV Quốc gia không hề có tiếng nói gì trong việc VFF chọn HLV Phan Thanh Hùng, nhưng mọi mọi việc vẫn lại tiếp diễn”.

“VFF có cả một Phòng các ĐTQG, một Hội đồng HLV quốc gia chuyên tư vấn các vấn đề chuyên môn, thế nhưng vai trò của 2 tổ chức này trong cuộc tuyển chọn lại quá mờ nhạt. Quyết định chọn HLV Hoàng Văn Phúc mang nặng cảm tính cá nhân của lãnh đạo VFF, ở đây là của cựu Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ”, thành viên Hội đồng HLV quốc gia này nói.

Còn về trường hợp của HLV Miura, Hội đồng HLV quốc gia tiếng là đã được thông qua, nhưng thực chất đều là quyết định từ Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn (ông Tuấn cũng là Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia).

Ông Nguyễn Sỹ Hiển kể rằng, Hội đồng HLV quốc gia từng không đồng ý mời Toshiya Miura vì ông ấy không phải cầu thủ bóng đá, không phải HLV có tiếng tại Nhật Bản, đang thất nghiệp và chỉ làm công tác bình luận viên. Nhưng thường trực VFF vẫn quyết định lựa chọn ông ấy.

Theo ông Hiển, đáng lẽ vai trò của Hội đồng HLV QG cần được VFF quan tâm hơn, tránh tình trạng tư vấn một kiểu, nhưng thực hiện lại một kiểu.

Từ những vụ việc đã xảy ra, nếu trách Hội đồng HLV quốc gia cũng oan uổng, bởi họ không được VFF coi trọng từ lâu. Khi Hội đồng HLV quốc gia không có tiếng nói, đồng nghĩa với việc vấn đề chuyên môn đã bị xem nhẹ. Điều đó cũng lý giải vì sao ĐTVN nhiều năm qua, không cho thấy sự đột phá nào trong lối chơi và có những HLV thực sự giỏi.

Đi tìm tiếng nói chuyên môn

“Vai trò của chúng tôi là tư vấn tất cả những vấn đề về chuyên môn. Chúng tôi tham gia từ đầu tất cả các kế hoạch, còn thực hiện như nào BHL ĐTQG làm. Chỉ xin nói là, Hội đồng HLV cùng ngồi tham gia rút kinh nghiệm, thấy trách nhiệm của chúng tôi là chưa thẳng thắng, chưa mạnh dạn đóng góp những đuờng đi nước bước, nhưng nói thật có góp ý cũng không được chú ý”, một thành viên Hội đồng HLV quốc gia tự thừa nhận sự thiếu sót nhưng lại rất bất lực của mình và các đồng nghiệp.

Vụ việc của HLV Miura đang nhận nhiều chỉ trích của giới truyền thông và người hâm mộ khiến vai trò của Hội đồng HLV quốc gia một lần nữa bị liên luỵ.

Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh cho biết: “Hội đồng HLV quốc gia cũng là hội đồng tư vấn cho Ban chấp hành và thường trực VFF. Hội đồng cũng cử người đi tuyển chọn cầu thủ trên khắp cả nước cho các đội tuyển quốc gia. Tới đây, Hội đồng HLV quốc gia sẽ đổi mới, tập hợp những chuyên gia bóng đá có kinh nghiệm để có thể có những định hướng về mặt chiến lược trong tương lai.

VFF đã có những HLV theo học bằng chuyên nghiệp do AFC tổ chức. Với các học phần được tổ chức ở nhiều quốc gia khác nhau. Điều này giúp cho họ tiếp cận với các kiến thức huấn luyện bóng đá tiên tiến. Ví dụ như HLV Hoàng Anh Tuấn (Thụy Sỹ), Nguyễn Hữu Thắng (Đức), Mai Đức Chung (Czech)...”.

Nói như vậy nhưng việc đề cao tầm quan trọng của Hội đồng HLV quốc gia nhưng thực chất vai trò của tổ chức này vẫn không có nhiều thay đổi.

“Vụ thuê HLV Miura, VFF đã không tôn trọng những thành viên còn lại của hội đồng. Việc mời HLV Miura hay Takashi (ĐT nữ) chúng tôi cũng không được hỏi han, tham khảo. Liệu sắp tới, nếu có những thay đổi, vai trò của Hội đồng HLV quốc gia có còn cảnh hữu danh vô thực?”, ông Hiển bày tỏ.

Nhiều người đã thắc mắc rằng VFF có một bộ phận gọi là phòng các đội tuyển, có chức năng quản lý tất cả đội tuyển quốc gia. Nhân sự phòng này gồm hai người là ông Mai Đức Chung cùng Phạm Như Thuần. Nhưng cả hai đều được lãnh đạo VFF bật đèn xanh cho đi làm “kinh tế”. Phải đến mới gần đây Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn bị báo chí chỉ trích vì quá ôm đồm nhiều ghế, đã từ chức Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia, đồng thời cũng đề cử người thay thế là ông Mai Đức Chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mờ nhạt hội đồng HLV quốc gia

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO