Đây là một trong điểm mới đáng chú ý của Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) được Văn phòng Chủ tịch nước công bố chiều ngày 12/7 tại buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật.
Toàn cảnh buổi công bố.
Luật TGPL được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/6/2017 đã khắc phục được những hạn chế, bất cập trong hoạt động TGPL, tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất với Hiến pháp 2013.
Luật TGPL gồm 8 chương, 48 điều với nhiều điểm mới hơn so với Luật hiện hành. Trong đó đã mở rộng diện người được TGPL ( từ 6 diện người lên 14 diện người).
Theo đó, 2 đối tượng được kế thừa hoàn toàn từ Luật TGPL năm 2006 là người thuộc hộ nghèo và người có công với cách mạng; 2 đối tượng được kế thừa và mở rộng là trẻ em không nơi nương tựa thành tất cả trẻ em, người dân tộc thiểu số “ thường trú” thành “cư trú” tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (cư trú sẽ rộng hơn thường trú vì cư trú bao gồm thường trú và tạm trú).
Bên cạnh đó, Luật này đã bổ sung 2 nhóm là người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (hiện nay đang thuộc trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự) và người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo để bảo đảm chính sách hình sự đối với các nhóm đối tượng này.
Ngoài ra, Luật có quy định mới trong việc áp dụng điều kiện có khó khăn về tài chính đối với 8 nhóm người như tại Khoản 7 Điều 7 Luật để cung cấp cho những người thực sự có nhu cầu nhưng không có khả năng tài chính để thuê dịch vụ pháp lý. Chính phủ sẽ có quy định chi tiết về điều kiện có khó khăn về tài chính áp dụng với các nhóm người này phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ phát triển của đất nước.
Có thể nói với việc triển khai hiệu quả Luật TGPL, đáp ứng được đầy đủ chất lượng nhu cầu TGPL của các diện người được quy định trong Luật cũng sẽ góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Tuy nhiên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu cho biết, có không ít thách thức đặt ra khi triển khai Luật TGPL bởi khi mở rộng diện người được TGPL đặt ra về nguồn lực và tài chính cần thiết để bảo đảm tính khả thi khi triển khai Luật trên thực tế.
“Các cơ quan Trung ương cần phải khẩn trương xây dựng để trình và ban hành theo thẩm quyền các quy định hướng dẫn triển khai chi tiết, thi hành Luật (có 7 vấn đề Luật giao Chính phủ và Bộ Tư pháp quy định hướng dẫn chi tiết” - Thứ trưởng Lê Tiến Châu đề xuất.
Cùng với Luật TGPL, Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước, Luật Cảnh vệ, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Hình sự cũng được Văn phòng Chủ tịch nước công bố.