Đề xuất giảm năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong những giải pháp nhằm đảm bảo tăng số lượng người ở lại trong hệ thống BHXH để được hưởng lương hưu. Song theo các chuyên gia cần có những giải pháp để mở rộng diện bao phủ tham gia BHXH.
Hiện nay, theo quy định, thời gian người lao động tham gia BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu phải đủ 20 năm, dẫn tới nhiều người có thời gian tham gia BHXH ngắn nên khi hết tuổi lao động, không tích lũy đủ số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu.
Xuất phát từ thực tế này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm, nhằm tạo điều kiện cho người lao động tham gia muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn, được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng điều kiện đủ 20 năm tham gia BHXH để hưởng lương hưu là thời gian quá dài. Như vậy, sẽ hạn chế quyền lợi đối với một số người lao động khi tham gia vào quan hệ lao động muộn, có số năm đóng thấp rất khó để đủ thời gian hưởng chế độ hưu trí. Chính vì vậy, Nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH đã xác định, sửa đổi điều kiện về hưu theo hướng giảm dần điều kiện tối thiểu để tham gia BHXH, để được hưởng chế độ lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới có thể giảm thấp hơn nữa.
Theo ông Quảng, trong lần sửa đổi Luật BHXH sắp tới, việc giảm thời gian đóng bảo BHXH là một trong những giải pháp đảm bảo tăng số lượng người ở lại trong hệ thống BHXH để họ được hưởng chế độ hưu trí. Bởi trong các chính sách về BHXH, có thể nói chính sách hưu trí là chính sách đảm bảo an sinh tốt nhất cho người lao động.
Trước những lo ngại về việc giảm năm đóng có thể khiến mức hưởng lương hưu cũng thấp, ông Quảng cho rằng đây cũng là băn khoăn lớn khi đề xuất chính sách. Hiện nay, chính sách BHXH vẫn theo nguyên tắc đóng - hưởng, đặc biệt ở chế độ hưu trí, vì vậy nhiều lao động, nhất là lao động trực tiếp có thời gian tham gia BHXH và thường về hưu trước tuổi, nên tỷ lệ hưởng chế độ hưu trí rất thấp. Theo ông Quảng, ở lần sửa đổi này cần tính toán lại theo nguyên tắc tăng cường tính chia sẻ khi hưởng chế độ bảo hiểm hưu trí, để người lao động có điều kiện tham gia đủ 20 năm hoặc nếu hạ xuống còn 15 năm, khi hưởng chế độ hưu trí vẫn có một khoản tiền nhất định để đảm bảo cuộc sống tối thiểu.
Tuy nhiên, cùng với những sửa đổi với cơ chế, chính sách thì cần có những giải pháp “kích cầu” đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Trong những năm qua, mặc dù chịu tác động không nhỏ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng diện bao phủ BHXH tự nguyện vẫn được mở rộng. Nhiều chính sách hỗ trợ, mô hình vận động, tuyên truyền linh hoạt được triển khai ở các địa phương đã giúp số lượng người tham gia BHXH tự nguyện tăng đều theo từng năm. Có thể lấy ví dụ mô hình “nuôi heo đất tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện” đang được triển khai tại tỉnh Trà Vinh: Ra đời từ năm 2020, đến nay đã hình thành 40 tổ tiết kiệm gồm 688 thành viên tại 9/9 địa phương trong toàn tỉnh. Với mô hình này, chỉ trong năm 2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã vận động, phát triển được 1.583 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2020.
Thống kê của BHXH Việt Nam, đến hết năm 2022 số người tham gia BHXH đạt 17,5 triệu người, đạt 38,07% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt trên 14,3 triệu người, đạt 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 91,1 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 92,03% dân số.