Mở rộng metro liên vùng để tăng cường kết nối

Đoàn Xá 12/07/2023 07:00

Trong khi tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dự định hoàn thành vào cuối năm nay và tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương mới được khởi công xây dựng những hạng mục đầu tiên, TPHCM đang tìm cách mở rộng thêm một số đoạn, tuyến metro số với kỳ vọng tạo thành mạng lưới đường sắt đô thị rộng khắp. Trong đó ưu tiên 2 đoạn metro từ khu vực ga Suối Tiên (Thủ Đức) đi Bình Dương và Đồng Nai.

Giao thông TPHCM cần được phát triển mạnh mẽ.

Quy mô của 2 đoạn metro được đề xuất đi Bình Dương và Đồng Nai có tổng chiều dài khoảng 50km. Việc kéo dài thêm tuyến metro số 1 đi Bình Dương, Đồng Nai nằm trong kế hoạch liên kết các vùng kinh tế lớn, giúp hoàn thiện mạng lưới giao thông đường sắt đô thị quan trọng. Theo đó, từ ga Suối Tiên sẽ xây dựng đường sắt kết nối với ga Bình Thắng (Tân Vạn, Bình Dương), dài khoảng 2km chạy dọc theo quốc lộ 1A. Sau đó, từ ga Bình Thắng sẽ tiếp tục xây dựng 2 nhánh trên cao đi qua ngã ba Vũng Tàu, Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) dài hơn 18km và nhánh còn lại dài 30km đi qua Bình Chuẩn, TP Thủ Dầu Một, Tân Uyên (tỉnh Bình Dương).

Dù hầu hết 2 đoạn đường metro trên đi qua địa phận tỉnh Bình Dương và Đồng Nai nhưng sẽ do TPHCM làm đầu mối nghiên cứu đầu tư xây dựng.

Trong khi đó, tuyến đường sắt từ khu vực Dĩ An (tỉnh Bình Dương) đi Cái Răng (TP Cần Thơ) được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá cho hàng chục tỉnh thành khu vực phía Nam. Với chiều dài hơn 170km và đi qua Bình Dương, TPHCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ, đồng thời kết nối với các nhánh đường sắt đô thị trên sẽ giúp cho mạng lưới vận tải trở lên hoàn thiện. Mặc dù được quy hoạch từ gần 10 năm trước nhưng vì nhiều nguyên nhân, trục đường sắt này vẫn chưa thể triển khai. Việc tái khởi động dự án được cho là sẽ phát triển được hệ thống đô thị dọc hai bên đường. Với vận tốc khoảng 190km/h, tuyến đường sắt này cùng với các đường sắt đô thị sẽ tạo thành mạng lưới giao thông phủ khắp, tiện lợi.

Theo TS Nguyễn Văn Trình - thành viên nhóm nghiên cứu dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ, dự án có thể sẽ có thay đổi về hướng đi (so với đề án cũ), đặc biệt là khu vực qua TPHCM với chiều dài 33km. Nếu dự án được điều chỉnh song song với đường Vành đai 3 vừa khởi công (cũng đi qua TPHCM, Bình Dương và Long An) sẽ giúp tiết kiệm đáng kể chi phí (giải phóng mặt bằng) đồng thời tăng tối đa hiệu quả khai thác (các nhà ga gần với đầu mối đường cao tốc). Tiếp đó, khi đi qua địa bàn Long An, Tiền Giang… thì vẫn giữ nguyên theo hướng cũ.

Mặc dù mạng lưới đường sắt đô thị và tốc độ cao là cần thiết và rất quan trọng, có thể tạo ra những đột phá lớn về hạ tầng giao thông nhưng các dự án này vẫn gặp thách thức. Trong đó quan trọng là nguồn vốn và thời gian thực hiện. So với đường bộ cao tốc hay các dự án hạ tầng khác, đường sắt đô thị và tốc độ cao có nguồn vốn thực hiện rất lớn. Như dự án đường sắt số 1 Bến Thành - Suối Tiên dù chỉ dài gần 20km nhưng nguồn vốn lên đến 43.700 tỷ đồng (gần 2 tỷ USD). Hay dự án xây dựng tuyến đường sắt số 2 Bến Thành - Tham Lương dài khoảng 11km dự kiến hơn 47.890 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD). Tương tự, tuyến đường sắt tốc độ cao TPHCM - Cần Thơ cũng cần nguồn vốn ước tính khoảng 9 tỷ USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở rộng metro liên vùng để tăng cường kết nối

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO