Mở rộng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) được đánh giá là điểm đột phá của dự thảo Luật BHYT (sửa đổi). Tuy nhiên vấn đề đang được đặt ra là quyền lợi mở rộng cần đi đôi với việc đảm bảo nguồn lực cho các chính sách này.
Hiện nay một số dịch vụ y tế thuộc phạm vi khám chữa bệnh chưa được quy định trong phạm vi hưởng BHYT như: quản lý sức khỏe, khám, chẩn đoán đánh giá nguy cơ, tình trạng sức khỏe và điều trị sớm một số bệnh, khám sức khỏe định kỳ, điều trị tật khúc xạ, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, vật tư y tế hỗ trợ trong phục hồi chức năng, dinh dưỡng điều trị.
Do đó, dự thảo Luật BHYT đã đề xuất mở rộng một số quyền lợi và phạm vi chi trả cho người tham gia BHYT. Ví như: bổ sung và điều chỉnh tăng mức hưởng BHYT của đối tượng cựu sĩ quan công an nhân dân nghỉ hưu (từ 95% lên 100%); mở rộng phạm vi chi trả BHYT đối với chế phẩm dinh dưỡng đặc biệt, tế bào gốc; chi phí điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt đối với trường hợp từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi; chi phí chi trả cho chân, tay giả; máy trợ thính từ Quỹ BHYT lên 100% theo mức hưởng tại Khoản 14 dự thảo Luật BHYT (sửa đổi)...
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, đến tháng 12/2023, toàn quốc có trên 93 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ là 93,35%. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 là 95% dân số, đến năm 2030 đạt trên 95% dân số tham gia BHYT. Việc tham gia BHYT góp phần giảm chi tiêu tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc sức khỏe. Thực tế, người Việt đang phải tự trả hơn 40% chi phí khám chữa bệnh. Trong khi đó, theo khuyến cáo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ tiền túi người dân bỏ ra cho chăm sóc y tế đạt 30% thì đó mới là hệ thống y tế bền vững. Đây là mục tiêu Việt Nam đặt ra vào năm 2030.
Phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT ảnh hưởng đến mức chi trả tiền túi từ hộ gia đình. Do đó, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, tới đây sẽ tập trung nghiên cứu từng bước mở rộng phạm vi quyền lợi cho người tham gia BHYT đặc biệt là các quyền lợi để giúp ngăn ngừa, điều trị bệnh từ sớm, từ xa để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ của nhân dân, tính toán đề xuất mức đóng phù hợp để bảo đảm khả năng cân đối của quỹ BHYT.
Theo ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, việc mở rộng một số chính sách trong dự án luật là phù hợp với thực tiễn, đảm bảo quyền của người tham gia BHYT. Tuy nhiên cần lưu ý khi mở rộng cần làm rõ lộ trình tính đúng tính đủ giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh. Đồng thời, cần xác định rõ lộ trình tăng mức đóng BHYT.
Từ thực tế vừa đi giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về BHYT, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho hay, hiện đã đạt được mục tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT trên toàn quốc. So với mục tiêu mà nghị quyết của Quốc hội đặt ra thì đã vượt một chút. Tuy nhiên để tiến tới BHYT đạt 95% tưởng là nhỏ nhưng lại cực kỳ khó khăn. Vì tất cả các trường hợp được hỗ trợ tiền BHYT bằng tiền ngân sách nhà nước thì đã hỗ trợ hết rồi. Số còn lại rất khó có thể vận động vì đó là số người dân tham gia tự nguyện.
“Không phải họ không nhận thức được về quyền lợi của mình khi tham gia BHYT nhưng họ là người có thu nhập và cho rằng chưa cần thiết tham gia BHYT. Có người đã tham gia các gói bảo hiểm nhân thọ, trong đó có BHYT với mức tiền và mức hưởng cao hơn rất nhiều. Nghĩa là họ không có nhu cầu tham gia BHYT. Chính vì một bộ phận người dân không có nhu cầu tham gia BHYT nên để đạt mục tiêu BHYT toàn dân là rất khó khăn” - bà Nga bày tỏ.
Về nguyên nhân, theo bà Nga, hiện mức đóng BHYT của chúng ta hiện nay chưa cao nên dẫn đến hưởng chưa cao. Với những người có điều kiện chăm sóc sức khoẻ, có thu nhập thì không mặn mà với BHYT do mức hưởng của BHYT vẫn còn rất thấp. Nhưng ngược lại thì có 1 bộ phận khó khăn, muốn tham gia nhưng không có tiền. Do đó đây là vấn đề cần phải suy nghĩ, tính toán.
Bà Nga nêu vấn đề, BHYT được thực hiện theo nguyên tắc đóng - hưởng, đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Do đó tăng quyền lợi thì phải tăng mức đóng. Tăng quyền lợi là giải pháp hữu ích để tăng tính hấp dẫn của BHYT. Tuy nhiên nếu như tăng mức đóng là một vấn đề. Vì đối tượng đóng bằng ngân sách nhà nước thì ngân sách sẽ phải chi ra một khoản không nhỏ. Còn đối tượng đóng tự nguyện, nếu tăng mức đóng sẽ ảnh hưởng đến phát triển BHYT toàn dân. Bởi với số tiền đóng như hiện nay đã có 1 bộ phận chưa theo được. Nếu tăng lên thì càng ảnh hưởng đến người chưa tham gia.
Từ đó, bà Nga kiến nghị cần đánh giá tác động vô cùng kỹ. Phải đánh tác động là tăng bao nhiêu, ở những bộ phận nào, khu vực nào? Nếu tăng thì ngân sách nhà nước bỏ ra bao nhiêu? tác động đến người dân đóng tự nguyện thế nào? “Trong gần 10% chưa tham gia BHYT thì bảo hiểm cần đánh giá chi tiết trong đó có bao nhiêu % không tham gia vì không thích tham gia, bao nhiêu % có nguyện vọng nhưng chưa tham gia được do chưa đủ tiền, bao nhiêu % đang tham gia thì ngừng đóng vì BHYT đóng theo năm. Có người năm nay đóng nhưng cho rằng chả được hưởng gì nên năm sau dừng. Có người đang tham gia nhưng mất việc do không có việc làm nên phải lo cho “dạ dày của gia đình” trước nên ốm đau thì tính sau. Chúng ta cần phân loại để đánh giá, sau đó đánh giá tác động rất kỹ trước khi quyết định chính sách” - bà Nguyễn Thị Việt Nga nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 49 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) theo quy trình tại một kỳ họp dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.