Kinh tế

Mở rộng “sân chơi” cho sản phẩm OCOP

Khanh Lê 23/07/2024 08:28

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã và đang tạo không gian cho các doanh nghiệp, hợp tác xã có được nền tảng, động lực để triển khai những sản phẩm mang tính chất đặc thù của địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo giá trị, thương hiệu riêng cho đặc sản địa phương.

anhtren(1).jpg
Sản phẩm OCOP được các địa phương chú trọng tổ chức trưng bày. Ảnh: M.H.

Gia tăng sản phẩm OCOP

Theo số liệu từ Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến tháng 6/2024, cả nước có 13.368 sản phẩm OCOP. Số lượng sản phẩm hàng tháng đều tăng, cơ cấu sản phẩm có sự thay đổi, trong đó có hơn 70% được đánh giá 3 sao, khoảng 26% được đánh giá 4 sao, còn lại là sản phẩm 5 sao.

Ông Đào Đức Huấn - Trưởng phòng OCOP Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, sau 6 năm triển khai Chương trình OCOP, tính đến tháng 6/2024, cả nước có 13.368 sản phẩm. Đáng ghi nhận số sản phẩm hàng tháng đều tăng, cơ cấu sản phẩm cũng có sự thay đổi, trong đó có hơn 70% là được đánh giá 3 sao, khoảng 26% được đánh giá 4 sao, còn lại là sản phẩm 5 sao. Về ngành hàng, hiện có khoảng hơn 7.000, đây là con số rất lớn so với một chương trình đặc thù cho chủ thể quy mô nhỏ. Chương trình cũng có sự tham gia rất chặt chẽ của các hợp tác xã.

“Tại nhiều địa phương, Chương trình OCOP tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh. Đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng, miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch; trở thành tiêu chí bắt buộc đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu…” - ông Huấn cho biết.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhưng việc phát triển sản phẩm OCOP vẫn còn nhiều điểm hạn chế, chưa bảo đảm tính bền vững. Năng lực sản xuất, phân phối thương mại của các cơ sở sản xuất OCOP còn yếu, mẫu mã bao bì chưa tạo sự hấp dẫn đối với người tiêu dùng. Các sản phẩm cũng chưa thuyết phục được lượng lớn đối tác, người tiêu dùng vì chưa minh bạch trong truy xuất nguồn gốc.

Nguyên nhân theo các chuyên gia, hộ kinh doanh sản xuất sản phẩm OCOP thường có quy mô nhỏ, việc áp dụng kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến còn hạn chế. Bên cạnh đó, hợp tác xã là đối tượng được cấp chứng nhận OCOP nhưng trong quá trình vay vốn có phát sinh một số vướng mắc như giấy chứng nhận OCOP được cấp cho các hợp tác xã, do đó các thành viên của hợp tác xã không được cấp giấy chứng nhận OCOP riêng, dẫn tới khó khăn trong việc vay vốn để sản xuất của từng thành viên.

Gỡ nút thắt vốn để OCOP vươn xa

Phân tích về những mặt chưa được của Chương trình OCOP, PGS.TS Mai Quang Vinh - Viện trưởng Viện Công nghệ xanh cho rằng, các sản phẩm OCOP hiện nay chưa thuyết phục được lượng lớn đối tác, người tiêu dùng vì chưa minh bạch trong truy xuất nguồn gốc. Chính vì vậy trong thời gian tới, cần phải khắc phục những hạn chế này khi nhà cung cấp đã có, công nghệ đã sẵn sàng, cơ chế chính sách đã hỗ trợ. Bên cạnh đó, đến năm 2027, Việt Nam sẽ hoàn thành những cam kết về chống biến đổi khí hậu tại COP26, trong đó tiêu chí NetZero đến năm 2050 có lượng phát thải carbon thấp. Vì vậy, tất cả sản phẩm của chúng ta phải có chứng chỉ carbon thấp, có dán nhãn xanh.

“Chúng ta đang bước vào giai đoạn thời kỳ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số thì càng cần những giải pháp để nâng cao giá trị của sản phẩm OCOP. Nếu đơn giản trong việc công nhận sản phẩm OCOP, chỉ quan tâm đến mẫu mã, bao bì đẹp mà không quan tâm đến chất lượng, minh bạch, các vấn đề môi trường - xã hội... thì sẽ không đạt hiệu quả, khó chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu đến những thị trường khó tính” - ông Vinh nhấn mạnh.

Nói về những khó khăn trong tiếp cận vốn, ông Đào Đức Huấn cho rằng, xét về mặt tín dụng, sản phẩm OCOP là đối tượng được ưu tiên trong xây dựng chính sách tín dụng. Bản thân các hợp tác xã và doanh nghiệp hiện nay rất cần dòng vốn, đặc biệt là dòng vốn ưu đãi để hỗ trợ phát triển sản xuất. Tuy nhiên, chủ thể OCOP thường nhỏ nên không thông thạo các quy định, hoàn thiện hồ sơ vay vốn hay nhu cầu về vốn trong thời gian ngắn. “Chúng tôi mong muốn trong các quy định về mặt thẩm định hồ sơ, hỗ trợ hướng dẫn có được sự ưu tiên hơn để các chủ thể OCOP có được thuận lợi tiếp cận vốn" - ông Huấn kiến nghị.

Về cấp vốn cho các chủ thể OCOP, đại diện nhiều tổ chức tín dụng, ngân hàng cũng thừa nhận, hiện nay chưa có gói tín dụng "đặc thù" cho các khách hàng triển khai các sản phẩm OCOP. Dịch vụ tín dụng chưa đa dạng, chưa gắn với từng sản phẩm đặc thù, vùng miền địa phương. Cùng với đó, công tác tư vấn, hướng dẫn giữa ngân hàng và khách hàng về phương án kinh doanh, quản lý dòng tiền, bảo đảm tiền vay còn có vấn đề. Ngoài ra, phương thức cho vay như theo hạn mức hiện nay chưa phù hợp bởi đặc thù OCOP liên quan đến tính mùa vụ, vùng miền, nơi tiêu thụ.

Để xử lý những bất cập nêu trên nhằm khơi thông dòng vốn cho OCOP, nhiều ý kiến cho rằng, ngân hàng cần đẩy mạnh triển khai các chương trình cho vay của Chính phủ, các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất trong lĩnh vực kinh doanh cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh các sản phẩm OCOP có thể thể dễ dàng tiếp cận. Đồng thời tăng cường, đẩy mạnh truyền thông để triển khai có hiệu quả các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất đã ban hành đến các đối tượng khách hàng đang sản xuất sản phẩm OCOP để phát triển khách hàng vay vốn trên địa bàn, tăng trưởng dư nợ, tăng dần tỷ trọng cho vay trung, dài hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở rộng “sân chơi” cho sản phẩm OCOP