Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang chứng kiến những bước tiến mạnh mẽ cả về quy mô lẫn chiều sâu, mở ra cơ hội vàng cho các doanh nghiệp (DN) trong nước.
Cơ hội mở rộng thị trường
Theo Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương), thị trường TMĐT Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng từ 18 - 25% mỗi năm. Năm 2024, quy mô thị trường đã đạt trên 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm trước, chiếm khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Những con số này cho thấy người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng hình thức mua sắm trực tuyến, tạo đà cho các DN khai thác thị trường trên nền tảng số. Trong báo cáo mới đây của Metric (nền tảng Khai thác Dữ liệu ứng dụng Big Data và AI), tổng doanh số TMĐT quý 1/2025 đạt hơn 101.000 tỷ đồng, tăng hơn 42% so với cùng kỳ năm 2024. Dự báo quý 2/2025, TMĐT tiếp tục tăng trưởng khoảng 21% so với quý trước. Từ nay đến năm 2026, ngành này được kỳ vọng sẽ giữ vững tốc độ tăng trưởng hai con số, một tín hiệu tích cực cho toàn thị trường.
Trước tiềm năng đó, nhiều DN trong nước đã chủ động chuyển hướng kinh doanh, tận dụng các nền tảng TMĐT để mở rộng thị trường, khách hàng. Ông Trần Quốc Mạnh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho biết: “Khi thị trường thế giới có nhiều bất ổn, TMĐT là phương án thay thế kịp thời, giúp DN ngành gỗ mỹ nghệ giảm phụ thuộc vào các kênh phân phối truyền thống, đồng thời gia tăng tiếp cận với người tiêu dùng toàn cầu. Bằng chứng có nhiều DN trong ngành xuất khẩu hàng ra nước ngoài thông qua sàn thương mại Amazon”. Không chỉ các DN sản xuất, các nhà bán lẻ lớn cũng tích cực tận dụng xu hướng TMĐT. Ông Nguyễn Ngọc Thắng – Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op – nhìn nhận: “Đưa sản phẩm lên sàn TMĐT là cơ hội để chúng tôi giới thiệu hàng nhãn riêng đến người tiêu dùng trong nước. Đồng thời, Saigon Co.op cũng tiếp cận được nhiều sản phẩm chất lượng tốt hơn, xanh hơn”.
Với các DN lớn như Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA), việc gia nhập sàn TMĐT cũng mang theo kỳ vọng lớn. “Chúng tôi kỳ vọng sàn TMĐT sẽ giúp lan tỏa thương hiệu ra quốc tế, khẳng định vai trò kết nối giữa hệ thống bán lẻ với DN sản xuất trong nước” - ông Lâm Quốc Thanh – Tổng giám đốc SATRA chia sẻ.
Để hỗ trợ DN Việt mở rộng hoạt động kinh doanh, sàn EcoHub – nền tảng giao thương B2B “xanh” đầu tiên vừa ra đời tại Việt Nam. Sàn này chia thành 7 nhóm ngành trụ cột như: năng lượng tái tạo, giao thông xanh, vật liệu bền vững, tiêu dùng xanh… hoàn toàn phù hợp với định hướng tăng trưởng xanh quốc gia và tiêu chuẩn của các thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản…
Cùng doanh nghiệp chuyển đổi số
Nền tảng EcoHub tích hợp các công cụ đo lường phát thải theo tiêu chuẩn quốc tế như CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) hay EUDR (quy định chống phá rừng của EU), cho phép DN giám sát và tối ưu chiến lược Net Zero ngay từ bước đầu.
Nhằm hỗ trợ DN tận dụng cơ hội từ TMĐT, nhiều chính sách và kế hoạch hành động đã được đưa ra. Tại TPHCM, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND thành phố vừa ban hành “Kế hoạch phát triển TMĐT năm 2025”. Đây là kim chỉ nam giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế số và xây dựng môi trường TMĐT minh bạch, an toàn và hiệu quả. Theo kế hoạch, TPHCM đặt mục tiêu hoàn thiện hệ sinh thái TMĐT toàn diện thông qua bốn trụ cột: nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về TMĐT; phát triển TMĐT trong DN; mở rộng giao dịch TMĐT trong cộng đồng và đào tạo nguồn nhân lực. Đối với việc phát triển thương mại điện tử ở doanh nghiệp, Sở Công thương sẽ triển khai chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada, TikTok Shop, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu xây dựng chiến lược kinh doanh trên Amazon, Alibaba, Tridge...
Bộ Công thương cũng khẳng định vai trò dẫn dắt trong xu thế chuyển đổi số và phát triển TMĐT bền vững. Theo bà Nguyễn Thị Thắng – Thứ trưởng Bộ Công thương, sự hình thành các sàn giao dịch B2B xanh như EcoHub là nền tảng quan trọng giúp DN xanh hóa chuỗi cung ứng, tiếp cận thị trường toàn cầu dễ dàng hơn. Đây cũng là công cụ hỗ trợ DN đáp ứng yêu cầu phát thải carbon thấp – xu hướng bắt buộc trong thương mại hiện đại.
Bộ Công thương cũng vừa ban hành kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2026 - 2030. Kế hoạch được xây dựng trên tinh thần TMĐT là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển bền vững. Mục tiêu, 70% dân số trưởng thành tham gia mua sắm trực tuyến; doanh số bán lẻ thương mại điện tử tăng trưởng 20 - 30%/năm, chiếm 20% tổng mức bán lẻ hàng hóa quốc gia, phấn đấu 70% DN ứng dụng TMĐT, 100% giao dịch có hóa đơn điện tử, 80% giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt.