Hiện xuất khẩu đang bằng ½ so với kế hoạch đề ra, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% của năm 2016. Trao đổi với Đại Đoàn Kết, PGS TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, trước mắt việc đầu tiên là phải tìm mọi cách tháo gỡ và khắc phục khó khăn cho sản xuất, kể cả trong nông nghiệp và công nghiệp, để từ đó Việt Nam có được cơ cấu hàng hóa có giá trị xuất khẩu trên phạm vi toàn cầu.
PGS TS Đinh Trọng Thịnh.
Theo PGS TS Đinh Trọng Thịnh, cần đẩy mạnh việc liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để tạo ra những mặt hàng trong chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Phải tích cực phát triển các doanh nghiệp, và các sản phẩm hàng hóa Việt Nam về mặt công nghiệp, đặc biệt những cái mà ta có thế mạnh, đi tắt đón đầu như các sản phẩm trong công nghệ thông tin hoặc các sản phẩm công nghệ mới. Đối với nông nghiệp phải quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp, có quy hoạch cụ thể và căn cơ cho từng mặt hàng, từng vùng, miền.
PV:Thưa ông, trong 7 tháng năm 2016, tăng trưởng xuất khẩu của cả nước mới chỉ bằng 1/2 so với kế hoạch đề ra từ đầu năm. Vậy nguyên nhân là do đâu và liệu có ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng trong năm nay mà chúng ta đã đề ra?
PGS TS Đinh Trọng Thịnh: Tăng trưởng của nền kinh tế phụ thuộc vào rất nhiều nhân tố, trong đó có nhân tố tăng trưởng của xuất khẩu. Bởi vì nếu theo công thức chung, rõ ràng xuất khẩu là bộ phận quan trọng tác động đến tổng thu nhập của nền kinh tế quốc dân. Đặc biệt đối với nước ta, xuất khẩu lại liên quan đến khu vực kinh tế quan trọng là động lực phát triển của Việt Nam trong thời gian qua đó là khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Sụt giảm của tăng trưởng xuất khẩu, theo tôi rõ ràng cần một sự phân tích đầy đủ, có hệ thống để xem sự tăng, giảm của xuất khẩu tăng ở khu vực kinh tế nào? Giảm ở khu vực nào? Hay giảm đều? Ở đây chúng ta thấy rõ ràng trong nửa đầu năm, nông nghiệp và sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn.
Chính vì vậy sản lượng xuất khẩu nông, sản phẩm nói chung so với trước đã sụt giảm một cách đáng kể. Đây là điều đáng lo ngại. Trong xuất khẩu, sản phẩm nông nghiệp vẫn đang phụ thuộc vào một số thị trường trong đó có những thị trường tương đối lớn và cận kề với ta như Trung Quốc.
Do nửa năm vừa rồi có những vấn đề về kinh tế - xã hội của Trung Quốc, cũng một phần nữa do cách thức của các thương gia Trung Quốc họ trực tiếp sang ta thu mua cũng như xuất nhập khẩu nên thương mại giữa ta với Trung Quốc trong nửa đầu năm giảm đi. Các sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường khác để thay thế gần như lại không phát triển được mấy. Vì lẽ đó sản phẩm trong nông nghiệp giảm một cách rõ rệt. Còn các sản phẩm công nghiệp, mức độ giảm không phải là nhiều so với các năm trước.
Tuy nhiên những năm trước do tốc độ xuất khẩu của khu vực công nghiệp rất cao, đặc biệt khu vực FDI rất lớn vì thế, nó góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của chúng ta một cách mạnh mẽ. Trong nửa năm vừa rồi khu vực này mức độ tăng trưởng xuất khẩu không mạnh mẽ lắm nên cũng làm ảnh hưởng chung tới xuất khẩu của Việt Nam.
Vậy, phải tái cơ cấu lại sản xuất, thưa ông?
-Trước mắt việc đầu tiên là phải tìm mọi cách tháo gỡ những khó khăn, và khắc phục những khó khăn cho sản xuất kể cả trong nông nghiệp và công nghiệp.
Hiện các doanh nghiệp đang kêu rất nhiều về chính sách thuế cũng như tiếp cận vốn. Vì thế các cơ quan tài chính và cơ quan chính sách trong nước cần phải xem xét lại và khẩn trương ban hành các luật thuế theo hướng giảm thấp thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như các loại thuế mà hiện doanh nghiệp đang phải gánh chịu.
Từ đó các doanh nghiệp có nguồn thu, dễ thở hơn cũng như có vốn đề xoay chuyển tình thế trong điều kiện khó khăn như hiện nay. Đặc biệt, các cơ quan thương mại đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng phải trở thành những bộ phận tích cực hơn. Trong 10 năm gần đây các đại sứ quán đã chuyển mạnh từ ngoại giao mang tính chính trị sang ngoại giao về kinh tế.
Nhưng rõ ràng vai trò của các cơ quan thương vụ của sứ quán đối với tìm hiểu thị trường cũng như tìm hiểu nguồn cung cấp hàng hóa của thị trường nước sở tại cho Việt Nam hay xuất khẩu của Việt Nam cho nước sở tại như thế nào là chưa tương xứng với mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp cũng như của nền kinh tế.
Nông nghiệp hiện đang là khu vực bị sụt giảm trong xuất khẩu nhiều nhất. Theo ông, chúng ta cần tháo gỡ những khó khăn cho nông nghiệp như thế nào, bởi tuy giá trị xuất khẩu do nông nghiệp đem lại không lớn nhưng lại ảnh hưởng lớn tới đông đảo bộ phận người dân?
-Về sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua ta bị nhiều thiên tai, hạn mặn. Trước mắt chính quyền địa phương phải có những biện pháp cương quyết đối với việc giữ vững sản xuất nông nghiệp. Làm thế nào để tạo mọi điều kiện cho các hộ nông dân, vùng miền khác nhau có thể đảm bảo được điều kiện sản xuất kinh doanh.
Vì trong nông nghiệp, giống và áp dụng khoa học - kỹ thuật còn rất thấp cho nên năng suất thấp. Thực ra tiềm năng tăng trưởng năng suất lao động của ta là rất lớn, chỉ có điều chúng ta không áp dụng khoa học - kỹ thuật và giống mới cho nên năng suất thấp. Ngoài ra cần giải quyết những ách tắc trong khâu thu mua, chế biến sau thu hoạch, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm để có thế xuất khẩu các nông sản ra thị trường bền vững. Thời gian qua có rất nhiều hoa quả và nông nghiệp không xuất khẩu được vì khâu chế biến và bảo quản kém quá là vậy.
Theo ông, cần giải pháp nào để thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới?
-Những biện pháp cơ bản nhất đối với sản xuất là các ngành công nghiệp hỗ trợ phải phát triển mạnh mẽ, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để tạo ra những mặt hàng, mắt xích trong chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu mà các công ty đa quốc gia đang có mặt tại Việt Nam.
Thứ hai phải tích cực phát triển các doanh nghiệp, và các sản phẩm hàng hóa Việt Nam về mặt công nghiệp, Đặc biệt những cái mà ta có thế mạnh, đi tắt đón đầu như các sản phẩm trong công nghệ thông tin hoặc các sản phẩm công nghệ mới.
Đối với nông nghiệp phải quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp, có quy hoạch cụ thể và căn cơ cho từng mặt hàng, từng vùng, miền. Để từ đó chúng ta có được cơ cấu hàng hóa có giá trị để xuất khẩu trên phạm vi toàn cầu.
Ngoài ra cần tiến hành mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa, đa phương hóa xuất khẩu. Không nên để phụ thuộc quá vào một thị trường nào, từng mặt hàng cũng như trong tất cả các mặt hàng từ đó gây khó dễ khi ta gặp phải khó khăn hay vướng mắc nào đó ở một thị trường thì kéo theo sự giảm sút của xuất khẩu.
Trân trọng cảm ơn ông!