Những năm gần đây, hoạt động du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng đã mang đến 'luồng gió mới', 'sức sống mới', biến huyện vùng cao Bá Thước (Thanh Hóa) trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ với du khách trong nước mà còn thu hút được rất đông du khách quốc tế.
Là địa phương nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hoá, huyện miền núi Bá Thước được thiên nhiên ban tặng nguồn tài nguyên kỳ vĩ, phong phú... với Khu bảo tồn thiên thiên (KBTTN) Pù Luông cao hơn 1.700m so với mặt nước biển.
Đây là khu rừng nguyên sinh có hệ động thực vật phong phú, với 1597 loài thực vật, trong đó có 58 loài quý hiếm; 908 loài động vật, trong đó có 47 loài quý hiếm; một vùng khí hậu mát mẻ, với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp làm đắm say lòng người thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước như: Bản Đôn (Thành Lâm); bản Kho Mường, bản Báng (Thành Sơn); bản Son, Bá, Mười (Lũng Cao); Thác Hiêu (Cổ Lũng); thác Muốn (Điền Quang), Hang cá thần (Văn Nho); hồ Duồng Cốc (Điền Hạ)... cùng với đó là nền văn hóa rất đa dạng, đậm đà bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc Thái, Mường...
Từ đầu năm 2010, trên địa bàn huyện mới chỉ có khoảng 10 hộ gia đình cải tạo lại nhà sàn truyền thống để làm chỗ lưu trú cho khách tham quan, du lịch. Thời điểm đó, du khách đến đây thường đi tour từ Mai Châu - Hòa Bình, Cúc Phương - Ninh Bình rồi qua Pù Luông tham quan và nghỉ tại đây. Với lượng khách chỉ đạt chưa tới 1.000 người/năm nên đời sống bà con các xã thuộc KBTTN rất khó khăn, thu nhập chưa đến 9 triệu đồng/người/năm, chủ yếu phải sống bằng nghề nông và nghề rừng. Lúc này, tỷ lệ hộ nghèo tại đây lên tới 60%, cao hơn nhiều so với bình quân chung toàn huyện (46,1%).
Trong hành trình 10 năm phát triển du lịch, bằng nhiều giải pháp cụ thể như: Nâng cao nhận thức về du lịch cho cán bộ, người dân để họ hiểu được tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; đẩy mạnh đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất - hạ tầng phục vụ du lịch như đường giao thông, bãi đậu xe, khu vệ sinh công cộng.
Cùng với đó, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển sản phẩm mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai đồng bộ các giải pháp xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Pù Luông; xây dựng nếp sống văn hóa, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sạch để phục vụ khách du lịch. Đồng thời, tiếp tục tăng cường hợp tác, liên kết giữa các điểm du lịch trên địa bàn huyện với các địa bàn du lịch khác để hình thành hệ thống các tuyến du lịch; tuyên truyền, vận động người dân và du khách nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống xử lý chất thải tại các địa bàn du lịch cộng đồng...
Từ việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên, cùng với việc trong giai đoạn 2021 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bá Thước đã ban hành Nghị quyết 04 với mục tiêu đầu tư, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện nên đến hiện tại, hoạt động du lịch tại huyện Bá Thước đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.
Báo chí, các trang mạng xã hội, diễn đàn, blog… viết về du lịch hiện nay, một địa điểm rất được quan tâm, nổi lên như một gương mặt mới đầy triển vọng trên bản đồ du sinh thái - du lịch cộng đồng tại Việt Nam, đó là Pù Luông. Không phải biển Sầm Sơn hay di sản UNESCO thành nhà Hồ, Pù Luông mới chính là địa điểm thu hút được nhiều du khách quốc tế nhất đến với Thanh Hóa.
Theo thống kê, năm 2022, lượng khách du lịch đến huyện Bá Thước đạt 82.647 lượt (vượt 148% kế hoạch), trong đó, khách quốc tế chiếm tới 5.447 lượt, cao nhất Thanh Hóa. Về tổng thu từ các hoạt động du lịch, con số này ước đạt 120 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, lượng khách đến với huyện ước đạt 99.338 lượt, trong đó, lượt khách quốc tế tăng gấp 2,5 lần năm 2022, đạt 13.359 lượt; khách trong nước đến 85.979 lượt, doanh thu từ du lịch đạt 99 tỷ đồng. Hiện tại, tổng số số cơ sở lưu trú dạng homestay, khu nghỉ dưỡng ở Pù Luông là 82 cơ sở với 119 nhà sàn, 168 bungalow, 258 buồng, phòng, 936 giường; công suất đón trên 2.800 lượt khách/ngày/đêm, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 420 lao động địa phương, tạo công ăn việc làm cho hơn 300 lao động bán thời gian trong mùa du lịch.
Anh Đỗ Đức Mạnh, Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Pù Luông Eco Garden cho biết: “Khi bước vào mùa lúa chín, các khu nghỉ dưỡng, homestay tại đây thu hút rất đông khách du lịch. Đặc biệt, trong năm nay, khách nội tỉnh và một số tỉnh, thành phía Nam tăng mạnh. Ngoài các hoạt động như chèo bè tre suối Chàm, đi bộ, khám phá bản làng... thì thời tiết se lạnh như hiện nay cũng có thể tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, giao lưu ngoài trời thu hút du khách”.
Ông Ngọ Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết: Xuyên suốt lộ trình xây dựng và phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, huyện luôn xác định vị trí, vai trò động lực của ngành du lịch để thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Từ đó, huyện chủ động xây dựng, phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan thực hiện các nội dung, chương trình nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; nhân rộng các mô hình, tổ chức, cá nhân tiêu biểu về phát triển du lịch ở địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và kiến thức về phát triển du lịch trong xã hội; quảng bá hình ảnh đất nước, con người Bá Thước...
“Hàng trăm tỷ đồng đã được huy động để tập trung đầu tư, phát triển du lịch tại Bá Thước. Ở địa phương, Pù Luông vẫn là điểm du lịch hút khách nhất với nhiều cơ sở lưu trú cao cấp, “gắn sao”. Mô hình homestay do một số hộ gia đình bản địa đầu tư cũng đã mang lại hiệu quả rõ rệt, một số homestay thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, điển hình như gia đình ông Hà Văn Sĩ, ông Hà Văn Dũng (bản Hiêu, xã Cổ Lũng), ông Hà Văn Giáp, Hà Văn Lịch, Hà Văn Thược (bản Đôn, xã Thành Lâm); ông Lò Văn Nam (bản Kho Mường, xã Thành Sơn)...”, ông Hải chia sẻ.
Hiện nay, trên địa bàn Bá Thước đã hình thành một số mô hình trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn: trải nghiệm chăn nuôi vịt Cổ Lũng; trải nghiệm trồng, chăm sóc, thu hoạch Quýt Hoi; trải nghiệm dệt thổ cẩm tại làng nghề Lặn Ngoài...
Theo Chủ tịch UBND huyện Bá Thước Ngọ Đình Hải, khi về với địa phương, du khách được trải nghiệm thực tế đời sống cộng đồng như tìm phong tục tập quán; leo núi đào măng hái rau rừng; thưởng thức các món ăn đặc sản vịt Cổ Lũng, cá Dốc, lợn Mán, măng đắng, rau rừng...; tham quan, trải nghiệm mua sắm sản phẩm dệt thổ cẩm thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm; tham gia chợ phiên phố Đoàn; tìm hiểu nghề nấu rượu siêu men lá; sản phẩm dược liệu khu Son - Bá - Mười...
Ông Phạm Đình Minh, Bí thư Huyện ủy Bá Thước cho biết: Với mục tiêu phát triển du lịch bền vững, thời gian qua, huyện đã cố gắng làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch về phát triển du lịch; đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển du lịch, đưa quy mô và chất lượng trong hoạt động du lịch không ngừng được tăng lên.
Bên cạnh đó, huyện còn chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch, đẩy mạnh truyền thông, quảng bá trên mạng xã hội, các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch đều có trang fanpage riêng, có ứng dụng đặt phòng trên trang Booking.com và Agoda.com và các trang du lịch có uy tín trong Hiệp hội Du lịch Việt Nam; tham gia các hội thảo trực tuyến; các doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch và quản lý, điều hành hoạt động ở cơ sở như: Các phần mền quản lý nhân sự, kế toán, khai báo lưu trú,... giúp cho hoạt động của các cơ sở thuận tiện và hiệu quả.
Ông Phạm Đình Minh, Bí thư Huyện uỷ Bá Thước nói: “Huyện đã giao cho các xã thành lập, quản lý phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng quy chế hoạt động của các khu, điểm du lịch, khuyến khích người dân tham gia làm du lịch. Cùng với đó, huyện cũng giao thành thành lập các đội văn nghệ, đội xe chở khách theo quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch. Ngoài ra, huyện còn có cơ chế, chính sách hỗ trợ các trang thiết bị như bộ tăng âm loa, đàn, sáo, nhạc cụ, trang phục cho đội văn nghệ; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị liên quan mở nhiều lớp tập huấn cho các hạt nhân văn nghệ quần chúng...”.