'Mở' visa đón khách quốc tế

H.Nhân – H.Dương 23/07/2023 07:05

Từ ngày 15/8 tới, chính sách nhập cảnh mới được thực thi. Trong đó, “nút thắt” visa được gỡ với điều kiện thông thoáng hơn. Cụ thể, thời hạn thị thực điện tử (e-visa) sẽ được nâng từ 30 lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần. Việc thay đổi chính sách này sẽ là đòn bẩy giúp ngành du lịch phát triển, tăng số lượng khách quốc tế đến 14 Việt Nam, phát triển kinh tế du lịch.

Chính sách visa mới sẽ làm đòn bẩy giúp ngành du lịch bứt phá. ẢNH: HẢI NGUYỄN.

Thời cơ mới cho du lịch

Nhiều năm qua, “nút thắt” visa là một trong những nguyên nhân khiến du lịch Việt Nam chưa đón được nhiều khách quốc tế, TS Lương Hoài Nam - thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch, dẫn chứng: Trước đại dịch, Việt Nam đón khách du lịch quốc tế chỉ bằng 1/2 của Thái Lan. Đó là một sự so sánh đáng buồn khi chúng ta có nhiều tiềm năng, lợi thế du lịch. Đặc biệt là nguồn di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử phong phú. Sau đại dịch, khách quốc tế vào Việt Nam lại tiếp tục tụt xuống chỉ còn bằng 1/3 so với Thái Lan. Nếu không cẩn thận, có nguy cơ còn tụt sâu hơn nữa.Thực tế trên buộc chúng ta phải lo lắng chứ không còn chỉ là thất vọng. Hàng ngàn doanh nghiệp du lịch, khách sạn, điểm tham quan, vui chơi giải trí vắng khách du lịch quốc tế, lâm vào thua lỗ nặng nề, nợ nần chồng chất, cắt giảm lao động.

Du khách quốc tế mua sắm tại chợ đêm Đồng Xuân (Hà Nội).

Bởi vậy, ngành du lịch đã bày tỏ niềm vui trước thời cơ mới cho du lịch Việt Nam hút khách quốc tế. Ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho rằng, việc nới lỏng chính sách visa thông thoáng cũng như tăng thời hạn lưu trú đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam là một trong những tín hiệu rất vui đối với du lịch Việt. “Đây là mong mỏi từ rất lâu của những người làm du lịch. Trong nhiều năm, ngành du lịch Việt Nam cũng như các cơ quan hữu quan đã có những kiến nghị, đề xuất với các cấp có thẩm quyền để có sự điều chỉnh kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam và thông qua đó tạo điều kiện để thu hút khách du lịch quốc tế cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam”, ông Khánh khẳng định.

Từ phía người làm du lịch, theo ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam, chính sách visa điện tử được kéo dài từ 30 ngày lên 90 ngày, cùng với thời hạn tạm trú tại cửa khẩu được nâng từ 15 đến 45 ngày là điều kiện tốt để khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn và lâu hơn. Đây là cơ hội để du lịch Việt tăng tính cạnh tranh với các nước trong khu vực như Thái Lan.

Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Công ty CP Truyền thông Du lịch Việt Phạm Phương Anh cho rằng, chính sách thị thực nhập cảnh mới sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp tăng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam từ 5 - 25% mỗi năm.

Đại diện cho du lịch Hà Nội, bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhận định, việc kéo dài thời gian lưu trú của khách quốc tế cũng giúp du lịch Việt Nam thu hút khách có mức chi tiêu cao, từ đó du lịch Việt Nam thay đổi cả về lượng và chất. Chính sách visa mới được xem là cánh cửa mở rộng để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn.

Ở phía Nam, Tổng Giám đốc Lữ hành Saigontourist Nguyễn Hữu Y Yên thông tin, đơn vị đang tập trung thu hút dòng khách doanh nhân tới tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh kết hợp du lịch thông qua việc tổ chức tour liên tuyến Việt Nam - Campuchia - Thái Lan.

Chuẩn bị cho kế hoạch đón khách, ông Nguyễn Minh Mẫn - Giám đốc Truyền thông - marketing Công ty TST Tourist cho biết, TST đã nhanh chóng thông báo cho các khách hàng quy định mới. Hiện nay những chương trình tour tại TPHCM và các vùng phụ cận, chương trình kết nối Việt Nam với các nước Đông Dương đã có sẵn, chỉ cần bổ sung áp dụng thêm các chính sách mới về xuất nhập cảnh. "Đây là quyết định rất có ý nghĩa đối với hoạt động thu hút khách quốc tế đến Việt Nam giai đoạn này. Với quy định mới, không những lượng khách du lịch sẽ tăng mà đối tượng khách đến Việt Nam xúc tiến đầu tư, làm việc tìm kiếm cơ hội kinh doanh cũng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Khi được áp dụng và có hiệu lực từ tháng 8, luật mới sửa đổi cũng tạo thuận lợi về các chính sách sẽ phát huy hiệu quả tức thì đối với hoạt động du lịch lữ hành trong năm 2024", ông Mẫn nói.

Ở góc khác, ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam nhìn nhận, với các hãng hàng không, đây là cơ hội để nghiên cứu, đẩy mạnh phát triển đường bay mới từ các thị trường trên thế giới. Chính sách visa mới sẽ kích thích phân khúc khách lưu trú, du lịch dài ngày. Riêng với nhóm khách chuộng đi du lịch xuyên 3 nước Đông Dương, Việt Nam có lợi thế nhiều điểm đến, đường bay quốc tế nên có thể thu hút khách ở lâu hơn.

Ngành hàng không cũng vui mừng khi du lịch tháo được nút thắt visa. Đại diện Hãng hàng không Vietravel Airlines bày tỏ: Việt Nam đang đứng trước thời cơ vàng để mở rộng thị trường khách với đối tượng đa dạng. Việc nới gia hạn visa, tăng thời gian lưu trú của du khách là bước chuyển đổi rất lớn thể hiện quyết tâm thực hiện chủ trương đột phá du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết của Bộ Chính trị. Trên đà này, nếu danh sách các nước được miễn visa nhanh chóng mở rộng thì sẽ tạo thêm cơ hội rất lớn thúc đẩy khách quốc tế đến Việt Nam ngay từ quý III năm nay. Càng nhiều khách quốc tế tới Việt Nam, du lịch càng sớm phục hồi toàn diện thì hàng không càng phát triển", đại diện Vietravel Airlines tin tưởng.

Du khách quốc tế tham quan, trải nghiệm hoạt động se lanh, dệt vải của đồng bào Mông ở xã Ngũ Chỉ Sơn, Sa Pa (Lào Cai).

Đồng bộ các giải pháp

Dù vậy, để du lịch bật dậy nhanh chóng, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023, giới chuyên gia cho rằng cần tiếp tục tăng cường liên kết, xây dựng các chương trình quảng bá, hình thành thêm nhiều sản phẩm độc đáo, hấp dẫn nhằm nâng cao vị thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam cũng như tạo nên sức hút lớn trong thời gian tới.

Đón đầu chính sách ở thị trường du lịch lớn nhất nước, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết, để có những chuẩn bị tốt nhất với chính sách visa mới, ngành du lịch Thành phố cũng đang khẩn trương xây dựng sản phẩm mới như: Du lịch cộng đồng giai đoạn 2 tại Thiềng Liềng (Cần Giờ), nâng chất lượng sản phẩm mới đã có và tổ chức những lễ hội, sự kiện đặc sắc như: Lễ hội Sông nước, Tuần lễ Du lịch, Giải Marathon quốc tế, Lễ hội Âm nhạc Hò dô, Lễ hội Khinh khí cầu… Sở sẽ phối hợp với doanh nghiệp để hình thành các sản phẩm liên vùng hấp dẫn và xây dựng kế hoạch quảng bá, xúc tiến tại một số thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Mỹ, Australia… Mặt khác, ngành du lịch cũng tăng cường giới thiệu chính sách visa mới của Việt Nam thông qua các kênh ngoại giao, kênh của doanh nghiệp và đặc biệt là tại Hội chợ Du lịch quốc tế TPHCM (ITE HCMC) năm 2023 tới đây.

Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái cho biết, để đáp ứng được nhu cầu của du khách khi lưu trú dài ngày, doanh nghiệp cần xây dựng được những sản phẩm mới có tính trải nghiệm cao, trong đó chú trọng các tour du lịch xanh, du lịch bền vững, du thuyền hạng sang. Hiện Hanoitourist đã lên kế hoạch xây dựng các gói tour dài ngày cho du khách. Cụ thể, nếu như trước đây khách ở thị trường xa như châu Âu, Australia, Mỹ, thời gian tour khoảng 9 - 10 ngày, nhưng bây giờ kéo dài lên đến gần 20 ngày.

Nói như Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, nới lỏng visa chỉ là điều kiện cần, còn "điều kiện đủ" để du lịch Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh hơn, cũng như tạo sức hút mạnh mẽ hơn là phải có một loạt các giải pháp đồng bộ.

Trong đó, phải tạo được những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Triển khai công tác xúc tiến quảng bá một cách mạnh mẽ, bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn. Công tác quản lý điểm đến, đặc biệt là an ninh an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khi đi du lịch tại Việt Nam phải được chú trọng hơn nữa.

Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam:

Phải có chuyển biến để thích ứng

Việc sửa các luật về xuất nhập cảnh theo hướng nới lỏng chính sách visa đã mở ra cơ hội cho du lịch Việt Nam, tuy nhiên vấn đề đặt ra là phải làm gì để tận dụng được cơ hội đó. Chúng ta cho phép khách du lịch nước ngoài có thể lưu trú đến 45 ngày nhưng khi họ ở lại 45 ngày đó thì phải lo lắng họ trải nghiệm gì, thưởng thức gì để họ thực sự thích thú ở lại? Phải có sự chuyển biến để thích ứng.

Để có sự chuyển biến thì không thể chỉ phụ thuộc vào một bên nào mà phải có sự chung tay, nỗ lực của các cơ quan quản lý du lịch từ Trung ương đến địa phương, của chính quyền các cấp và của các doanh nghiệp du lịch. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, phải liên kết nhiều ngành, nhiều vùng. Nếu không có một hệ thống thống nhất trên cả nước thì một ngành không thể làm được.

Tuy vậy, bản thân những người làm du lịch phải đi trước, làm trước để tạo động lực, lôi cuốn tất cả các lĩnh vực khác theo chứ không thể bị động ngồi chờ sự chuyển biến từ nơi khác. Những người làm tích cực nhất, lăn lộn nhất thì bao giờ cũng thu được kết quả xứng đáng.

Theo đó, phải làm mới thương hiệu du lịch Việt Nam. Thương hiệu du lịch phải luôn thay đổi, phù hợp với những giai đoạn nhất định trong khi thương hiệu du lịch của Việt Nam đến thời điểm này đã quá cũ, quá lạc hậu.

Đối với vấn đề mở thị trường mới, nhà nước phải đi trước một bước. Trong đó, Nhà nước xúc tiến, quảng bá điểm đến, doanh nghiệp sẽ đi cùng để xúc tiến, quảng bá sản phẩm. Sau đại dịch Covid-19, chúng ta sẽ phải định hình lại cho rõ ràng hơn, có sự phân chia trách nhiệm giữa cơ quan nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp cụ thể để theo kịp xu thế chung của thế giới.

PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội):

Đòn bẩy du lịch hiệu quả

Việc khách quốc tế nhìn nhận Việt Nam là điểm đến hấp dẫn hay không phụ thuộc vào chính sách visa. Độ mở về chính sách visa theo Nghị quyết 82/NQ-CP là tiêu chí để so sánh năng lực phát triển du lịch Việt Nam và lữ hành của điểm đến. Chính sách visa mới hứa hẹn thu hút nhiều du khách quốc tế hơn tới Việt Nam, và kéo dài thời gian lưu trú của du khách lâu hơn, chi tiêu cũng lớn hơn. Khi thủ tục đơn giản sẽ hấp dẫn người nước ngoài đến Việt Nam hơn khi không phải thực hiện những khâu làm thủ tục, đề nghị cấp thị thực khá rườm rà. Chính sách visa thân thiện đồng nghĩa du khách cảm thấy được chào đón và muốn đến quốc gia đó. Việc khơi thông điểm nghẽn visa sẽ giúp Việt Nam hiện thực hóa được mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023.

Tôi cho rằng, việc cấp visa điện tử nên được mở rộng hơn nữa. Thủ tục visa tại chỗ cũng cần thuận tiện, dễ dàng hơn cho du khách. Các thị trường khách có mức chi tiêu cao như: Đức, Italy, Thụy Sĩ, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển cần được tăng số ngày lưu trú lên tối đa 3 tháng.

Nhiều quốc gia đã và đang tạo đòn bẩy du lịch hiệu quả từ chính sách visa. Singapore miễn visa cho công dân 162 nước; du khách nước ngoài có thể lưu trú tới 90 ngày và có thể tiếp tục gia hạn thêm từ 30 đến 89 ngày. Gần đây, Singapore còn công bố chính sách "visa tinh hoa" với thị thực có thời hạn 5 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Mở' visa đón khách quốc tế