Chiều 12/10, Bộ Công thương tổ chức họp báo thường kỳ quý III, các vấn đề nóng liên quan đến đảm bảo nguồn cung cầu xăng dầu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) kinh doanh được mổ xẻ khá kỹ lưỡng. Sáng cùng ngày, Bộ Công thương cũng đã có cuộc gặp với các DN kinh doanh xăng dầu.
Nhập khẩu 20-25%
Theo ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), từ quý II giá xăng dầu tăng mạnh nhưng vẫn phải nhập khẩu, trong khi quý III giá giảm mạnh khiến cho DN bị lỗ nặng nên không có nguồn lực để nhập hàng. Do thua lỗ, nhiều DN giảm chiết khấu bán hàng, cắt giảm sản lượng kinh doanh. Tín dụng bị thắt chặt, giá xăng dầu tăng, tỷ giá đồng USD tăng, khó tiếp cận ngoại tệ, nên hầu hết các DN đầu mối không có đủ nguồn tiền để nhập khẩu hàng, và chỉ duy trì lượng nhập khẩu phục vụ cho hệ thống.
Ông Đông cũng cho biết, sẽ rà soát quy định liên quan tới công thức điều hành giá, thời điểm, thời gian điều hành, thời gian điều chỉnh premium, quyền của các công ty con, công ty phân phối… để phù hợp hơn với diễn biến tình hình thị trường.
Trao đổi về vấn đề này tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, tình hình kinh doanh xăng dầu nóng thời gian qua, nguyên nhân chính xuất phát từ việc các DN đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng. Họ chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.
Trong cuộc làm việc với DN kinh doanh xăng dầu sáng 12/10, nhiều DN kinh doanh xăng dầu cho biết, có thời điểm DN nhập khẩu xăng dầu với giá cao nhưng sau đó giá thế giới giảm, dẫn đến thua lỗ. Và khi lỗ thì họ cắt giảm chi phí, trong đó có chiết khấu, mà chiết khấu thì theo hợp đồng thoả thuận của DN. Do đó, Nhà nước cần tháo gỡ bằng cách tăng chi phí, như chi phí vận chuyển. Ví dụ chi phí đi từ các nhà máy Bình Sơn, Nghi Sơn về cảng. Chi phí này vừa mới có. DN nói chỉ cần làm sao được thanh toán chi phí thật.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, trên cả nước hiện có 17.000 cửa hàng xăng dầu, vừa rồi xảy ra tình trạng các cửa hàng đóng cửa, tạm ngưng bán hàng, số lượng chính xác là bao nhiêu cần phải thống kê lại, nhưng ở đây có vai trò, trách nhiệm của Bộ Công thương (là đầu mối) và các bộ, ngành khác có liên quan. “Chúng tôi sẽ nhìn thẳng vào những trách nhiệm đó và có biện pháp xử lý, giải quyết” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Ông Hải cũng thông tin, trong bối cảnh nguồn cung thế giới đang rất khó khăn, nên dù lượng xăng dầu cho thị trường nội địa có nguồn gốc nhập khẩu chỉ chiếm 20-25%, song cũng ảnh hưởng rất lớn đến nguồn hàng.
Tìm giải pháp
Liên quan đến số liệu của Tổng cục Hải quan trong quý III/2022, chỉ có 19 trong số 33 DN đầu mối xăng dầu nhập khẩu, câu hỏi đặt ra là: 14 DN đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu còn lại, hạn mức nhập khẩu trong quý III như thế nào? Việc kiểm tra, kiểm soát nhập khẩu theo hạn ngạch được Bộ Công thương kiểm tra, rà soát đối với các DN này ra sao? Trả lời băn khoăn này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, theo Nghị định 95 (sửa đổi Nghị định 83) về kinh doanh xăng dầu, khái niệm DN xuất nhập khẩu xăng dầu đã đổi thành doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Có nghĩa hiện tại chỉ tính tổng nguồn và DN có thể mua ngay từ 2 nhà máy lọc dầu trong nước là Nghi Sơn và Bình Sơn. Một năm, Bộ Công thương giao hạn mức nhập khẩu cho doanh nghiệp đầu mối, nhưng không nhất thiết tháng nào hạn mức nhập khẩu cũng giống nhau, có tháng nhiều, tháng ít, quan trọng là cuối năm đảm bảo đủ tổng lượng nhập khẩu.
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, hiện tại, DN đầu mối có thể mua ngay từ nguồn trong nước, không nhất thiết DN nào cũng phải xuất khẩu hoặc nhập khẩu. Trong quý II vừa qua, do việc nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn gặp trục trặc, giảm công suất xuống còn 50%, thậm chí có thời gian gián đoạn, chính vì vậy, Bộ Công thương đã phải đưa ra quyết định yêu cầu các DN đầu mối tăng lượng nhập khẩu và sản xuất trong nước. “Tuy nhiên, có thời điểm lúc mua giá rất cao, nhưng sau đó liên tục giảm đã dẫn tới các DN bị thua lỗ. Khi lỗ thì phải cắt giảm bớt chi phí; trong đó có phần chiết khấu xăng dầu cho thương nhân phân phối, đại lý” - người phát ngôn Bộ Công thương cho hay.
Về biện pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong thời gian tới, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông cho biết, đã kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến xăng dầu cũng như sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước (chi phí tổng hợp đối với DN đầu mối để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước trong công thức giá cơ sở) ở mức phù hợp với thực tế. Bộ Công thương cho biết, đã chỉ đạo các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu tiếp tục thực hiện nghiêm kế hoạch phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu tối thiểu đã được Bộ phê duyệt năm 2022 nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước, phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân và DN.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các DN duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận. Bên cạnh đó, chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường trên toàn quốc tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, đặc biệt kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách chặt chẽ ở khâu bán lẻ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Đồng thời, Bộ kiến nghị Bộ Tài chính sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành để bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường.