Bên cạnh dịch Covid-19, năm 2021 còn là một năm chứng kiến nhiều thảm họa thiên nhiên thảm khốc từ lũ lụt, cháy rừng rồi nắng nóng bất thường trên khắp các châu lục.
Cảnh báo “đỏ”
Báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) công bố tuần trước, đã cho thấy rõ nhất cảnh báo “đỏ” đối với trái đất. Các bằng chứng cho thấy, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang đưa chúng ta tới một tương lai “nóng” đầy tai họa do biến đổi khí hậu gây ra. Chỉ có giảm phát thải nhiên liệu hóa thạch một cách khẩn cấp mới có thể hy vọng cứu được trái đất.
Giáo sư Tim Palmer (Đại học Oxford) cho biết: “Khí hậu trong tương lai của trái đất có thể giống như “địa ngục”. Còn Giáo sư Dave Reay, Giám đốc điều hành của Viện Biến đổi Khí hậu của Đại học Edinburgh cho rằng: “Đây không chỉ là một báo cáo khoa học, đây là thực tế phũ phàng”.
Các đợt nắng nóng và những trận mưa lớn gây ra lũ lụt trở nên dữ dội hơn và thường xuyên hơn kể từ những năm 1950 ở hầu hết các nơi trên thế giới, biến đổi khí hậu hiện đang ảnh hưởng đến tất cả các khu vực có người sinh sống trên hành tinh. Hạn hán đang gia tăng ở nhiều nơi và có khả năng hơn 66% là số lượng các trận lũ lụt và bão lớn đã tăng lên kể từ nhưng năm 1970.
Theo các nhà khoa học, cuối thế kỷ này, biến đổi khí hậu có thể trở thành mối đe dọa đối với nền văn minh nhân loại nếu lượng khí thải tiếp tục được cho phép ở mức hiện tại. Giáo sư Jonathan Bamber của Đại hoc Bristol lo lắng: “Điều này có vẻ còn lâu mới xảy ra, nhưng chúng ta vẫn đang có hàng triệu trẻ em được sinh ra, những người đáng lẽ sẽ sống khỏe mạnh vào thế kỷ 22”.
Theo Giáo sư Rowan Sutton, Trung tâm Khoa học khí quyển quốc gia của Đại học Reading, đối phó với cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu có nghĩa là phải thực hiện các hành động khẩn cấp.
Tuy nhiên, đó sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, như ông Nick Starkey - Giám đốc Chính sách của Học viện Kỹ thuật Hoàng gia Anh, đã chỉ ra rằng, Vương quốc Anh không đạt được các mục tiêu carbon hiện có và mục tiêu giảm 78% lượng khí thải vào năm 2035 của Anh cũng khó đạt được nếu không có các biện pháp năng lượng hiệu quả sâu rộng.
Điều cần thiết là “một tầm nhìn toàn xã hội”, một kế hoạch quốc gia được đưa ra sẽ đảm bảo thực hiện tất cả các chính sách khác nhau từ giao thông đến sản xuất điện, từ sưởi ấm trong nhà đến hoạt động nông nghiệp. Theo ông Joeri Rogelj - Giám đốc nghiên cứu tại Viện Grantham, Đại học Hoàng gia London, chúng ta cần đưa ra các chính sách trong toàn xã hội nếu không, các mục tiêu sẽ chỉ là những lời hứa suông.
Cần sớm hành động
Từ những cảnh báo của giới khoa học và dưới những tác động thảm khốc của các trận cháy rừng chưa từng có trong mùa hè năm nay, các nhà lãnh đạo từ khắp Địa Trung Hải- khu vực châu Âu có nguy cơ cao nhất của biến đổi khí hậu đã tuyên bố sẽ tăng cường nỗ lực để giải quyết những thách thức do thời tiết khắc nghiệt gây ra.
Một tuyên bố chung mang tên “Tuyên bố Athens” vừa được ký bởi nguyên thủ các nước Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha, Síp, Malta, Slovenia và Croatia chứa đựng những cam kết trong các lĩnh vực chính của khủng hoảng khí hậu, đã khởi đầu cho hy vọng sẽ mang lại sự thay đổi đột phá trong khả năng đối phó trước các thảm họa thiên nhiên.
Các nhà lãnh đạo của 9 quốc gia tham gia tuyên bố chung đồng ý rằng, hành động toàn cầu khẩn cấp là cần thiết để tạo ra “một tương lai an toàn, an ninh, thịnh vượng, công bằng và bền vững”. Họ cho biết, cần phải có sự hợp tác ở tất cả các cấp - quốc gia, khu vực và địa phương, được thúc đẩy bởi cả chính phủ và tư nhân.
“Các trận cháy rừng kinh hoàng vào mùa hè đã gây ra hậu quả bi thảm cho các nước Địa Trung Hải… khủng hoảng khí hậu không còn là mối đe dọa xa vời nữa”, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis nói. Cách đây 1 tháng, Hy Lạp chứng kiến đợt nắng nóng lịch sử với nhiệt độ lên tới 44 độ C, kéo theo đó là các đám cháy rừng xung quanh thành phố. Thời tiết khắc nghiệt khiến người dân Athens chật vật với cuộc sống.
“Vào ban đêm, thành phố trở nên rất nóng, Carene Kengne, (25 tuổi, sống tại Athens, Hy Lạp) nói khi cô đứng tránh nắng dưới một mái hiên nhỏ. Kengne cho biết, việc nhà cô không có máy lạnh, cộng với nhiệt độ phát ra từ những đám cháy xung quanh thành phố khiến cho thời tiết ở Athens cao hơn nhiều so với quê hương Cameroon của cô. Thậm chí, trường học nơi cô học tiếng Hy Lạp đã hủy buổi học tiếng của cô vì quá nóng.
“Rất khó để làm việc”, ông Panagiotis Nasos (48 tuổi) cho biết, lúc đang tạm nghỉ sau khi dựng các biển báo và giàn giáo ở Quảng trường Syntagma, ở trung tâm Thủ đô Athens. Nasos ngồi trong bóng râm với chiếc áo sơ mi xanh lấm tấm mồ hôi và nói: “Nhiệt độ ngày càng nóng hơn mỗi năm. Các ca làm việc của tôi đã phải bắt đầu ngày càng sớm hơn để tránh nắng nóng”.
“Bóng ma” của thảm họa khí hậu dường như có thật trên khắp Địa Trung Hải trong những tháng gần đây với các đám cháy rừng từ vùng Andalucía của Tây Ban Nha đến vùng phía Nam của Thổ Nhĩ Kỳ.
Gần nhất, ngày 20/9, vụ phun trào núi lửa đầu tiên ở Quần đảo Canary của Tây Ban Nha trong 50 năm qua đã buộc 5.500 người ở thị trấn El Paso phải sơ tán và phá hủy khoảng 100 ngôi nhà.
Lãnh đạo khu vực Angel Victor Torres cho biết, thiệt hại sẽ là đáng kể. “Núi lửa vẫn đang hoạt động và chưa thể dừng lại ngay trong vài ngày tới”, ông Torres nói thêm.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Ursula von der Leyen cho biết, “Tuyên bố Athens” là bước đi đúng vào thời điểm thích hợp, bởi tất cả chúng ta đều thấy rằng, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nặng nề đến khu vực Địa Trung Hải. Chúng ta cần tìm giải pháp ngay lập tức.