Công nghệ

Mối đe dọa từ La Nina đang lớn dần

Thanh Đức 20/02/2024 07:58

Ngày 19/2, dự báo của Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) cho biết, sau El Nino, hiện tượng La Nina sẽ hình thành trong nửa cuối năm nay, kéo theo nhiệt độ lạnh bất thường ở Thái Bình Dương.

anhbaitren.jpeg
Mưa lớn do La Nina gây ra vào tháng 2/2022, khiến khu vực Lismore (Australia) bị chia cắt nhiều ngày. Nguồn: The West Australian.

Theo NWS, hiện tượng El Nino kéo theo thời tiết nóng, khô ở châu Á và mưa lớn bất thường ở nhiều vùng của châu Mỹ sẽ chấm dứt trong nửa đầu năm 2024. Khoảng từ tháng 4 đến tháng 6, thời tiết trở nên trung tính hơn. Sau đó, có khoảng 65% khả năng La Nina sẽ xuất hiện từ tháng 6 đến tháng 8.

Thông thường, khi La Nina xuất hiện, các nước ở Đông Nam Á, Australia và Ấn Độ sẽ chứng kiến nhiều mưa tuyết hơn vào cuối năm, trong khi thời tiết tại các vùng trồng ngũ cốc và hạt có dầu ở châu Mỹ sẽ khô hơn.

Vẫn theo NWS, El Nino sẽ yếu đi trong vài tháng tới, nhường chỗ cho hiện tượng La Nina khiến nhiệt độ toàn cầu có thể dịu đi. Tuy nhiên, giới khoa học dự đoán mô hình này có thể “biến mất” trong vòng vài tháng.

Sự phát triển của La Nina có nhiều tác động lớn tới thời tiết ở châu Mỹ nói riêng và trên khắp thế giới nói chung. La Nina thúc đẩy mùa bão mạnh với sức tàn phá lớn ở Đại Tây dương, đồng thời làm tăng sự khô hạn một cách rõ rệt ở Nam California và vùng Trung Tây nước Mỹ.

Trong khi đó, theo cơ quan phụ trách vấn đề biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus Climate Change Service, tháng 1/2024 là tháng ấm nhất trong lịch sử Trái Đất. Đây cũng là tháng thứ 8 liên tiếp nhiệt độ ở mức cao kỷ lục. Nó cũng đánh dấu kết thúc thời kỳ 12 tháng mà hành tinh cán mốc ấm lên đáng lo ngại là 1,5 độ C so với mức trung bình thế kỷ 19, trước khi tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trở nên phổ biến.

La Nina (hay còn gọi là Hài đồng nữ) là hiện tượng lớp nước biển bề mặt lạnh đi một cách dị thường (trái ngược với El Nino) . Đi kèm với gió và mưa lớn, La Nina thường kéo theo các cơn bão mạnh ở Đại Tây Dương. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo La Nina thường hình thành từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm, thời điểm gây ảnh hưởng mạnh nhất là vào cuối năm cho tới tháng 2 năm sau. Ở Đông Nam Á, nó thường gây ra lượng mưa trên mức trung bình và lũ lụt.

"Biến đổi khí hậu do con người gây ra làm khuếch đại tác động của các sự kiện tự nhiên như La Nina và đang ngày càng ảnh hưởng đến các hình thái thời tiết" - đại diện WMO khẳng định và cho biết chuỗi số liệu thống kê về ENSO đã ghi nhận những đợt El Nino siêu mạnh (nhiệt độ nước biển vượt ngưỡng trung bình nhiều năm trên 20 độ C) là vào các đợt 1982-1983; 1997-1998; 2015-2016. Trong đó El Nino năm 2015 vắt sang năm 2016 là mạnh nhất; là năm có nhiệt độ trung bình toàn cầu cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc. Còn các đợt La Nina mạnh gần đây là vào các năm 1998 - 2000; 2007 - 2008; 2010 - 2011.

Còn theo Cục Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA), trong kỳ La Nina 1998, siêu bão Mitch với sức gió 290km/h đã trở thành nỗi kinh hoàng, gây ám ảnh những người còn sống đến tận ngày nay, khi nó khiến 22.000 người Nicaragua và Honduras thiệt mạng và "kịch bản" đáng sợ này được dự báo sẽ tái diễn khủng khiếp hơn khi thời tiết ngày càng trở nên cực đoan.

Nhóm khoa học của NOAA còn cho rằng sự biến chuyển giữa El Nino sang La Nina tạo nên một dạng tàn phá khủng khiếp với con người và môi sinh. Và điều đó có khả năng xuất hiện trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay.

Trước khi diễn ra cuộc “bàn giao” giữa El Nino và La Nina, nhiều nơi trên Trái Đất đã phải chịu sự cực đoan của thời tiết. Trong đó có Mông Cổ đang phải trải qua một mùa đông kéo dài như vô tận. Theo Văn phòng Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Mông Cổ, tình hình băng tuyết đã ở mức nghiêm trọng khi hầu hết lãnh thổ quốc gia này chìm trong nền nhiệt thấp ở mức khắc nghiệt. Khoảng 190.000 hộ gia đình chăn nuôi đang phải vất vả đối phó với tình trạng thiếu lương thực, giá cả tăng phi mã và nhiều khó khăn khác.

Tuyết dày bao phủ nhiều nơi khiến nhiều gia súc bị chết do mặt đất đóng băng hoặc phủ đầy tuyết. Đây là năm thứ hai liên tiếp Mông Cổ phải đối mặt với tình trạng băng tuyết dữ dội như vậy. Trong mùa đông trước, khoảng 70% diện tích đất nước bị ảnh hưởng bởi băng tuyết.

Cơ quan Quản lý khẩn cấp quốc gia Mông Cổ (NEMA) cho biết, khoảng 90% lãnh thổ nước này đang bị lớp tuyết dày tới 38 cm bao phủ, chưa biết khi nào mới chấm dứt. Theo NEMA, có ít nhất 41 địa phương thuộc 11 tỉnh trong cả nước đang trải qua tình trạng như vậy.

3 hình thái thời tiết khắc nghiệt

Đó là El Nino, La Nina và ENSO. El Nino là hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương, kéo dài 8 - 12 tháng, hoặc lâu hơn, thường xuất hiện 3 - 4 năm 1 lần, song cũng có khi dày hơn hoặc thưa hơn. La Nina là hiện tượng lớp nước biển bề mặt lạnh đi dị thường, xảy ra với chu kỳ tương tự hoặc thưa hơn El Nino. Hiện tượng La Nina có thể xuất hiện ngay khi hiện tượng El Nino suy yếu. Còn ENSO bao gồm cả 2 hai hiện tượng El Nino và La Nina và có liên quan với dao động của khí áp giữa 2 bờ phía Đông Thái Bình Dương với phía Tây Thái Bình Dương - Đông Ấn Độ Dương (được gọi là Dao động Nam) để phân biệt với dao động khí áp ở Bắc Đại Tây Dương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mối đe dọa từ La Nina đang lớn dần