Chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản (BĐS). Con số này phản ánh một thực tế về tình trạng môi giới BĐS thiếu lành mạnh dẫn đến những rủi ro, bất cập của thị trường này thời gian qua.
Chỉ khoảng 10% có chứng chỉ hành nghề
Theo báo cáo của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 500.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới BĐS, làm việc trong các công ty môi giới, sàn giao dịch hoặc hoạt động độc lập. Thế nhưng trong số này, chỉ có khoảng 50.000 người có chứng chỉ hành nghề, chiếm khoảng 10%. Số còn lại hoạt động tự do.
Chính điều này đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, lộn xộn giao dịch trên thị trường BĐS thời gian qua.
Thị trường BĐS liên tục chứng kiến giá đất bật tăng, có thời điểm thị trường “phát sốt” bởi những thông tin về quy hoạch đô thị, hoặc nơi “làng lên phố”, “xã lên huyện”... Chỉ cần thoáng nghe xôn xao thông tin về quy hoạch, ngay lập tức giá đất được các môi giới BĐS “thổi” lên trời. Những câu chuyện về “sốt” giá đất dường như đã không còn khiến người ta thấy bất ngờ.
Thế nhưng đằng sau những “cơn sốt” ấy, là những câu hỏi cần phải đặt ra về tính minh bạch của thị trường này. Sở dĩ nói như vậy, là bởi, nhiều chủ đầu tư, do vội vã tin vào những lời môi giới, những khoản đầu tư rất hời được các nhà môi giới “bơm ra” đã không ngần ngại “xuống tiền”, để rồi khi “cơn sốt” hạ nhiệt, rất nhiều nhà đầu tư đã phải “ôm hận” vì thua lỗ.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, thời điểm khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến nhiều lĩnh vực kinh tế phải ngưng hoạt động thì riêng lĩnh vực BĐS vẫn nóng.
Cũng theo ông Đính, thị trường xuất hiện hiện tượng giá đất đai “nhảy múa”, tăng vọt và một trong những nguyên nhân là do những nhà đầu cơ, nhà môi giới hoạt động không chuyên nghiệp. Thậm chí có những đơn vị môi giới chuyên nghiệp vẫn tiếp tay cho các hoạt động đầu cơ, kinh doanh đất đai ở nhiều địa phương... dẫn đến thị trường này bất ổn định.
Thừa nhận rằng, hoạt động môi giới BĐS góp phần làm cho thị trường đẩy mạnh được các giao dịch mua - bán. Tại nhiều địa phương, trong 1 tháng có tới vài nghìn giao dịch và lực lượng môi giới đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên các giao dịch này. Tuy nhiên, việc hoạt động một cách tự phát, không có chứng chỉ môi giới BĐS, đã gây nên những bất cập, rủi ro cho thị trường.
Chỉ 10% số người hoạt động môi giới BĐS có chứng chỉ hành nghề là một con số cho thấy, lĩnh vực hoạt động này cần phải có sự chấn chỉnh.
Số liệu thống kê cho hay, người hoạt động môi giới BĐS có chứng chỉ hành nghề chủ yếu tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM.
Riêng đội ngũ môi giới ở Hà Nội chỉ có khoảng 50% là nhà môi giới chuyên nghiệp, hoạt động thường xuyên tại các sàn giao dịch, còn lại là các môi giới BĐS nghiệp dư, trong đó có những người “tay ngang” chuyển nghề khi thị trường BĐS tăng nóng.
Giới chuyên gia chỉ ra một thực tế, hiện nay, các sàn giao dịch BĐS thực chất chỉ là cái tên gán vào để làm thương hiệu. Vì khi thành lập sàn giao dịch, các tổ chức phải chịu thêm trách nhiệm báo cáo về thị trường, chịu giám sát từ các cơ quan thuộc Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng…
Trong khi đó, các doanh nghiệp không đăng ký hoạt động sàn giao dịch BĐS vẫn được tham gia hoạt động kinh doanh như một sàn giao dịch BĐS, gồm môi giới, tư vấn, phân phối sản phẩm BĐS và việc thành lập công ty môi giới BĐS dễ dàng, đã và đang làm xuất hiện các hệ lụy cho thị trường, nhất là các giao dịch chụp giật, làm lợi cho cá nhân.
Đặc biệt, vào thời điểm thị trường BĐS xuất hiện những đợt “sốt đất”, lao động từ các ngành nghề khác tham gia vào làm môi giới tăng nhanh, mạnh ai nấy làm, nên có sự cạnh tranh gay gắt giữa các môi giới. Thậm chí, tình trạng chủ đầu tư cắt phần trăm thấp đối với các sản phẩm BĐS còn phát sinh tình trạng lừa đảo trong giao dịch, làm mất hình ảnh môi giới chân chính.
Mặt khác, nhiều giao dịch BĐS hiện nay diễn ra trực tiếp, giữa người bán và mua có thể tự thỏa thuận, ký kết và hoàn thành giao dịch, nên vai trò của người môi giới dần mờ nhạt... Đây là những thực tế diễn ra phổ biến trong bức tranh nghề môi giới BĐS hiện nay, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của thị trường này.
Lý giải nguyên nhân, lãnh đạo Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, hiện chưa có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà môi giới BĐS tham gia sâu hơn vào các giao dịch BĐS hoặc ràng buộc bằng các cơ chế pháp lý buộc giao dịch phải có sự tham gia của nhà môi giới; đồng thời, công tác đào tạo, kiểm tra, khung chương trình đào tạo chứng chỉ môi giới BĐS còn lạc hậu.
Trong bối cảnh công nghệ số ngày càng phát triển sâu rộng vào thị trường, các mô hình đầu tư, hoạt động giao dịch BĐS cũng liên tục thay đổi, đòi hỏi người hành nghề môi giới BĐS phải tiếp cận kiến thức và tri thức mới. Vì vậy, nghề môi giới BĐS không được đào tạo bài bản sẽ tụt hậu.
Lành mạnh hóa, cách nào?
Để hướng đến thị trường dịch vụ BĐS chuyên nghiệp, lành mạnh, bền vững, cần phải có những giải pháp đồng bộ từ phía chính sách của Nhà nước, cùng với việc phát huy tối đa vai trò của Hội Môi giới BĐS Việt Nam. Hội Môi giới BĐS Việt Nam đã đề xuất với các cơ quan hữu quan thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ.
Trong đó, Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng các địa phương cần cấp chứng chỉ hành nghề, đưa ra những ràng buộc trách nhiệm đối với những người làm môi giới BĐS. Có thể thấy, nghề môi giới không đơn thuần là giới thiệu BĐS, mà thông qua nhà môi giới BĐS, chủ đầu tư có thể nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của người dân để tiếp tục phát triển sản phẩm. Việc cấp chứng chỉ cũng cần gắn với mã số hành nghề để cơ quan chức năng dễ dàng quản lý, giám sát và kịp thời xử lý những hành vi vi phạm.
Rõ ràng, khi thị trường BĐS vẫn đang khó đoán vì phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài, hoạt động môi giới BĐS càng phải được quản lý, chấn chỉnh tốt, nhằm tạo cơ sở góp phần giúp thị trường được định hướng phát triển lành mạnh, không xảy ra các tình trạng sốt đất hay bong bóng BĐS.
Theo ông Phạm Lâm - Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, để giải quyết triệt để hiện tượng cò đất, đầu cơ, đầu nậu tận dụng sự “nóng sốt” của thị trường để làm thổi giá phải chờ sửa đổi Luật Kinh doanh BĐS. Song song, cần có một hệ thống công nghệ thông tin để quản lý bằng mã số định danh, chứng chỉ hành nghề để thuận lợi cho việc kiểm soát, xử phạt các hành vi vi phạm.
Ngoài ra, vai trò của các nhà đầu tư trong việc đưa ra các tiêu chí chọn lọc nhà môi giới phân phối các sản phẩm ra thị trường dựa trên sự uy tín, chất lượng, chuyên nghiệp vô cùng quan trọng, góp phần làm minh bạch thị trường.