Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, trong năm 2017, Mặt trận huyện Bình Chánh nên phấn đấu mỗi hộ nghèo, mỗi hộ chính sách phải có một đoàn thể, tổ chức đứng ra hỗ trợ để “người dân không bị rơi vào cùng cực”, không để tình trạng “trong kinh tế thị trường có rủi ro mà người dân không biết dựa vào ai”.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc.
Ngày 12/12, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã dẫn đầu đoàn công tác UBTƯ MTTQ Việt Nam kiểm tra việc thực hiện công tác Mặt trận tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh - một trong những đơn vị thuộc cụm thi đua các thành phố trực thuộc trung ương.
Cùng tham dự có ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Trưởng cụm thi đua các thành phố trực thuộc trung ương; ông Nguyễn Hoàng Năng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh.
Bình Chánh là một trong 5 huyện ngoại thành của TP Hồ Chí Minh, với 15 xã và 1 thị trấn nhưng đây là địa phương có tốc độ đô thị hoá rất nhanh.
Để đáp ứng với tình hình, trong năm qua, Mặt trận Tổ quốc huyện Bình Chánh phối hợp với UBND, và các tổ chức thành viên phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo nghĩa tình của các tầng lớp nhân dân qua đó thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp thống nhất hành động năm 2016.
Hiện nay MTTQ huyện có 18 chương trình giám sát. Bà Huỳnh Thị Kim Xuyến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bình Chánh cho biết, giám sát được xem là một trong những công tác trọng tâm của Bình Chánh từ việc giám sát công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng trên địa bàn 16 xã, thị trấn đến giám sát công tác tuyển sinh đầu cấp, giám sát tình hình cung cấp nước sạch tại các xã VĨnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Kiên, Phong Phú, Đa Phước, thị trấn Tân Túc.
Quang cảnh buổi làm việc.
“Qua giám sát chúng tôi đã đề nghị các xã, thị trấn quan tâm việc thông tin công khai định mức nước, giá nước đến nhân dân, kiến nghị công ty cấp nước sau khi thi công đường ống nước cấp nước tái lập hiện trường như cũ cho người dân tham gia giao thông, đồng thời kiến nghị các trạm cấp nước phải thường xuyên vệ sinh theo quy định, tuyệt đối không chăn nuôi gia súc gia cầm tại trạm cấp nước”, bà Huỳnh Thị Kim Xuyến cho biết.
Đặc biệt, Mặt trận huyện Bình Chánh còn tổ chức giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị cử tri huyện đối với đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc.
Theo bà Huỳnh Thị Kim Xuyến, việc giám sát này được thực hiện tại UBND huyện Bình Chánh, trên văn bản phân công cán bộ phụ trách từng lĩnh vực, giám sát các đơn vị được phân công thực hiện việc giải quyết các kiến nghị, bức xúc của cử tri.
Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bình Chánh còn có nhiều hoạt động sáng tạo, mô hình điểm đi đầu trong các hoạt động của Mặt trận.
Báo cáo với đoàn công tác, bà Phan Thị Phương Thảo, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tân Quý Tây, cho rằng, để hiểu được lòng dân trong việc tham gia xây dựng đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận xã Tân Quý Tây đã thành lập mô hình Hòm thư lưu động trên địa bàn 4 ấp từ ngày 9/10/2016.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc.
Việc tuyên truyền được thực hiện bằng xe loa lưu động đến những địa bàn đông dân cư, sau mỗi ngày kết thúc đều ký chốt sổ nội dung trong ngày, nếu có thư tố cáo khiếu nại, Ban Công tác Mặt trận sẽ lập biên bản giao hồ sơ cho Ban thường trực. Từ đó MTTQ xã chuyển các cấp có thẩm quyền giải quyết.
“Nếu chúng tôi chỉ ngồi ở đây không thể nắm bắt được tâm tư người dân trong nhiều việc như việc tham gia xây dựng đảng, xây dựng chính quyền. Chính vì vậy, chúng tôi đã động viên đội ngũ cán bộ cơ sở của mình ở khu dân cư là các bác các cô, chú ở các Ban Công tác Mặt trận đi về các khu dân cư, gặp nhân dân, vận động nhân dân tham gia góp ý qua hòm thư lưu động, từ đó, kịp thời nắm bắt những dư luận cũng như bức xúc của người dân”, bà Phan Thị Phương Thảo chia sẻ.
Còn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tân Kiên thực hiện mô hình cho vay không lãi suất hỗ trợ hộ nghèo buôn bán nhỏ từ nguồn quỹ Vì người nghèo với số tiền 13.000.000 đồng theo phương thức trả dần theo quý, theo bà Huỳnh Thị Kim Xuyến, hiện xã đang khảo sát nhu cầu cần trợ vốn làm ăn để tiếp tục giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Chia sẻ với đội ngũ của cán bộ Mặt trận huyện Bình Chánh, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết, năm 2016 là năm thứ 2, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức tách cụm thi đua 5 thành phố trực thuộc trung ương cũng là năm thứ 2, Mặt trận đẩy mạnh đổi mới trong công tác tập trung đổi mới công tác truyền thông, công tác vận động.
Để thích ứng với đòi hỏi từ thực tế, yêu cầu đặt ra đối với mỗi cán bộ và tổ chức là sự nỗ lực quyết tâm rất lớn. Đơn cử việc chỉ đạo văn bản từ huyện đến xã là không hề đơn giản nhưng Bình Chánh đã thực hiện việc này rất chặt chẽ, điều này chứng tỏ trình độ công tác quản lý Mặt trận làm rất tốt.
Trong việc thực hiện công tác, nhiệm vụ chung, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao sự chủ động của Mặt trận huyện Bình Chánh trong công tác vận động các phong trào, công tác giám sát đồng thời có sự sáng tạo trong nhiều mô hình cụ thể.
Ví dụ việc rà soát nhu cầu hỗ trợ hộ nghèo gắn với hộ nghèo theo chuẩn mới, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, để chương trình hỗ trợ người nghèo sát tới từng hộ, từ đó phấn đấu mỗi hộ nghèo, mỗi hộ chính sách phải có một đoàn thể, tổ chức đứng ra hỗ trợ, không để hộ nghèo và gia đình chính sách bị cô đơn.
Từ thực tiễn này, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, trong năm 2017, Mặt trận huyện Bình Chánh nên thực hiện cách thức đó để “người dân không bị rơi vào cùng cực, không để tình trạng trong kinh tế thị trường có rủi ro mà người dân không biết dựa vào ai”.
Cũng từ cách làm này để thấy các hoạt động của Mặt trận có sự phân biệt phối hợp và chủ động, từ đó làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức tham gia.
“Cố gắng phân công tác tổ chức thành viên làm quyết liệt để phát huy hiệu quả”, người đứng đầu Mặt trận nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, Mặt trận Bình Chánh cần đặt ra câu hỏi và cũng là mục tiêu: Mặt trận đóng góp gì cho phát triển kinh tế?
Vì hiện nay ở Bình Chánh chủ yếu là doanh nghiệp, công nghiệp dịch vụ, từ đó, theo người đứng đầu Mặt trận, đội ngũ cán bộ Bình Chánh cần làm tốt phong trào Đoàn kết sáng tạo thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế để phát huy năng lực của các doanh nghiệp.
Cũng như vậy, trong việc xây dựng chương trình triển khai Nghị quyết Trung ương 4, Mặt trận sẽ tham gia như thế nào? Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu vấn đề và cho rằng, hiện Bình Chánh có 4 nguồn để giám sát, như việc giám sát môi trường, tiếp xúc cử tri, giám sát thông qua nguồn riêng và tổ chức Mặt trận để từ đó kết hợp với báo chí cung cấp thông tin phát hiện vấn đề và cùng giám sát để phản ánh thực tế với người dân, từ đó nâng tính chính trị và hiệu quả của báo chí đối với việc giám sát.
Bày tỏ hy vọng vào những mô hình điển hình mà Mặt trận huyện Bình Chánh đã tạo được sức sống trong thời gian qua, người đứng đầu Mặt trận tin tưởng, trong thời gian tới cùng với Mặt trận TP Hồ Chí Minh, Bình Chánh sẽ trở thành điểm sáng, điểm phát triển trong công tác Mặt trận của TP Hồ Chí Minh.
* Chiều cùng ngày, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân và đoàn công tác sẽ tiếp tục có cuộc làm việc kiểm tra công tác Mặt trận năm 2016 tại Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc: