Hạ đường huyết là một biến chứng nguy hiểm có thể xuất hiện khi bệnh nhân đái tháo đường.
Khi bị hạ đường huyết, nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, người bị hạ đường huyết có thể bị hôn mê và đe dọa không nhỏ đến tính mạng.
Hạ đường huyết là tình trạng xảy ra khi nồng độ đường (glucose) trong máu thấp dưới 3,9 mmol/l (<70mg/dl). Cần xử lý nhanh chóng, kịp thời để hạn chế những biến chứng nặng nề do hạ đường huyết gây nên.
Khi bị hạ đường huyết xuống còn 53 mg/dl, các tế bào trong cơ thể không nhận đủ năng lượng để hoạt động, ngay lập tức, chúng sẽ đưa ra các tín hiệu cảnh báo như xây xẩm mặt mày, choáng váng, đói lả, đổ mồ hôi, tim đạp loạn nhịp, dễ cáu gắt, run tay, … Đây là những triệu chứng của dây thần kinh tự trị xuất hiện do đường huyết giảm quá mức.
Khi xuất hiện những triệu chứng như suy giảm khả năng tập trung, hoảng loạn, kiệt sức, buồn ngủ, chóng mặt, mệt mỏi, hoa mắt… là lúc chỉ số đường huyết giảm xuống dưới 48 mg/dl. Đây là những triệu chứng của hệ thần kinh trung ương, cho thấy các tế bào não đang trở nên không hoạt động do thiếu glucose.
Nếu bệnh nhân không bổ sung đường trong trường hợp hạ đường huyết, tình trạng này sẽ tiếp tục tiến triển và xảy ra hiện tượng rối loạn ý thức. Đường huyết tiếp tục giảm, bệnh nhân sẽ rơi vào trạng thái hôn mê, mất ý thức tạm thờ, co giật, trong trường hợp xấu nhất bệnh nhân có thể bị chết.
Hầu hết cơ thể mọi người đều phát ra tín hiệu cảnh báo việc hạ đường huyết. Tuy nhiên, một số người tiểu đường lâu năm hoặc bị hạ đường huyết vào ban đêm, có rất ít hoặc không có triệu chứng, cho đến khi bị co giật hoặc bất tỉnh đột ngột. Để tránh điều này, bạn nên đo đường huyết hàng ngày và cố gắng giữ mức đường huyết ở ngưỡng cho phép.
Có rất nhiều triệu chứng hạ đường huyết khác nhau, sự xuất hiện các triệu chứng sẽ tùy vào từng cá nhân người bệnh. Một người có thể có các triệu chứng xuất hiện ban đầu là run tay nhưng một người khác là cảm thấy đói bất thường. Vì vậy, nếu bệnh nhân bị hạ đường huyết, hãy nhớ kỹ các đặc điểm triệu chứng của bản thân. Việc này giúp bệnh nhân có thể phản ứng nhanh chóng khi tình trạng hạ đường huyết xảy ra vào một thời điểm khác.
Nếu các triệu chứng hạ đường huyết xuất hiện, điều đầu tiên phải bổ sung glucose (đường). Bệnh nhân hãy tự đo đường huyết để xác nhận đó có phải là hạ đường huyết không. Sau khi ăn hoặc uống 10~15g glucose, hãy nghỉ ngơi một lúc.
Trường hợp sau 15 phút nghỉ ngơi mà tình trạng hạ đường huyết không hồi phục, hãy bổ sung thêm glucose với cùng một lượng như vậy. Nhiều người nghĩ rằng, vừa mới dùng xong nên không nhất thiết phải hấp thụ thêm glucose, điều này có thể dẫn đến những tình trạng nguy hiểm hơn. Dù khi bệnh nhân bổ sung thêm đường và tạm thời bị tăng đường huyết thì vẫn an toàn hơn nhiều so với việc bị hạ đường huyết.
Nếu có cảm giác bị hạ đường huyết trong khi lái xe, hãy bình tĩnh quan sát, kiểm tra sự an toàn của đoạn đường xung quanh và ngay lập tức dừng xe bên lề đường. Khi bị hạ đường huyết, sự tập trung sẽ bị giảm, chân tay run, phản ứng khi lái xe sẽ chậm lại, rất nguy hiểm cho cả lái xe và những phương tiện đang lưu thông khác.
Bản thân bệnh nhân nên biết kiến thức về các biện pháp đối phó với tình trạng hạ đường huyết, hướng đến một cuộc sống khỏe mạnh, cân bằng giữa việc kiểm soát đường huyết và phòng ngừa hạ đường huyết.