Theo dự báo của các tổ chức nước ngoài, tăng trưởng kinh tế của Đông Nam Á và Việt Nam đạt ở mức cao trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Việt Nam tiếp tục thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Nhiều tiềm năng
để hút vốn ngoại
Tổng cục Thống kê cho hay, tổng vốn FDI tính đến ngày 31/8 đạt 20,52 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký cấp mới có 2.247 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt gần 12 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 27% về số vốn đăng ký. Cũng theo Tổng cục Thống kê, FDI thực hiện tại Việt Nam 8 tháng năm 2024 ước đạt 14,15 tỷ USD, tăng 8,0% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn ngoại thực hiện đầu tư cao nhất của 8 tháng trong 5 năm qua.
Lý giải nguyên nhân Việt Nam tiếp tục thu hút vốn ngoại, các chuyên gia nhận định, tốc độ tăng trưởng của Asean sẽ đạt 5% vào năm 2024. Trong khu vực Asean, Việt Nam nổi bật với vị thế như một cửa ngõ vào khu vực. Ngoài ra, vị trí chiến lược, dân số đông và trẻ cùng các chính sách thân thiện với tạo điều kiện cho Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp (DN) muốn khai thác tiềm năng tăng trưởng.
Ông Dominik Meichle - Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) đánh giá: “Tiềm năng kinh tế của Việt Nam là không thể phủ nhận và cộng đồng DN châu Âu vẫn tin tưởng vào sự tăng trưởng dài hạn của Việt Nam”.
Ông Wee Ee Cheong - Tổng Giám đốc UOB Singapore cũng cho rằng, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á với tiềm năng đầy hứa hẹn. Đơn cử, kinh tế vĩ mô ổn định, dân số trẻ, lao động lành nghề... Ngoài ra, Việt Nam còn hưởng lợi từ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu và các hiệp định thương mại tự do, đầu tư trực tiếp nước ngoài cao...
Theo ông Wee Ee Cheong, tổ chức này thành lập các trung tâm tư vấn FDI với vai trò chuyên hỗ trợ các DN hoạt động trong khu vực. “Trong hơn 10 năm qua, hơn 4.500 công ty sử dụng dịch vụ tư vấn FDI để mở rộng ra nước ngoài, đặc biệt là vào Asean. Riêng với Việt Nam, đã hỗ trợ khoảng 300 công ty các nước mở rộng vào Việt Nam trong 5 năm qua. Các DN này đã cam kết đầu tư khoảng 7,3 tỷ đô la Singapore cùng với kế hoạch tạo việc làm cho hơn 50.000 lao động ở Việt Nam”- ông Wee Ee Cheong chia sẻ.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, việc phát triển đô thị thông minh, hình thành các trung tâm tài chính, trung tâm đổi mới sáng tạo giữa các thành phố lớn đang gia tăng với tốc độ cao. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo tác động ngày càng sâu sắc đến các quốc gia, trong đó có Việt Nam nói chung và thành phố nói riêng. TPHCM luôn nỗ lực bắt nhịp các xu hướng phát triển chung. Thành phố tiếp tục là đầu tàu kinh tế của cả nước, là cực tăng trưởng của khu vực phía Nam và sẵn sàng chuẩn bị kêu gọi đối tác đồng hành, hợp tác cùng có lợi. “Thành phố thừa hưởng một cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội hơn so với mặt bằng thể chế của cả nước. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để có thể thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các ngành, các lĩnh vực ưu tiên” - ông Phan Văn Mãi đề cập đến điểm nhấn quan trọng. Đánh giá cao cơ hội và môi trường đầu tư nhưng ông Dominik Meichle cũng nhấn mạnh, môi trường đầu tư Việt Nam cần cải thiện để thu hút DN ngoại.
“Bằng cách hợp tác để giải quyết các rào cản hành chính và quy định, chúng ta có thể tạo ra một môi trường kinh doanh hiệu quả và hấp dẫn hơn, mang lại lợi ích cho cả cộng đồng DN châu Âu và Việt Nam. Chúng tôi đang xác định các lĩnh vực chính để phát triển và củng cố mối quan hệ đối tác châu Âu - Việt Nam thông qua đối thoại cởi mở và làm việc theo nhóm” - đại diện EuroCham nêu quan điểm.
Năm 2024 Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm sáng trong việc thu hút dòng vốn FDI, Việt Nam cần giải pháp phù hợp để tiếp nhận vốn FDI hiệu quả. Không ít ý kiến cho rằng, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, sửa đổi chính sách thu hút đầu tư nước ngoài là cần thiết. Đây là cơ hội “vàng” để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế là điểm đến đầu tư an toàn. Trong đó, đơn giản hóa quy trình thành lập DN, số hóa và các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, thuế. Từ đó nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh quốc gia và lợi thế so sánh với các nước trong khu vực. Ngoài việc xây dựng môi trường kinh doanh tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, Việt Nam cần tiếp tục ban hành các gói hỗ trợ hấp dẫn. Xây dựng cơ chế hỗ trợ DN trong nước kết nối với DN FDI như cơ chế hỗ trợ về lãi suất, tài chính, tiếp cận các nguồn lực đầu tư để nâng cấp các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước đủ khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhằm thu hút mạnh nguồn vốn FDI, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Việt Nam đã và đang từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các DN Việt Nam tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu.