Nhờ những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực, thứ hạng Việt Nam đã tăng vọt trong bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu năm 2017-2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới. Nhiều chuyên gia cho rằng, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã sáng dần lên, nhưng cần nỗ lực cải cách hơn nữa để chạm tay vào mốc ASEAN 4.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Dân trí).
Tăng 5 bậc
Theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 mới được công bố, Việt Nam đứng thứ 55 trong bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu năm nay, tăng 5 bậc so với năm ngoái và 20 bậc so với 5 năm trước.
Thành quả này có được là nhờ những tiến bộ đáng kể trong các chỉ số về sẵn sàng đổi mới công nghệ và hiệu quả thị trường lao động.
Bên cạnh đó, thương mại cũng là một trong những yếu tố chính góp phần vào sự thăng hạng của Việt Nam năm nay. Hiện tại, Việt Nam đứng thứ 7 về tỷ lệ giá trị nhập khẩu trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và đứng thứ 11 về chỉ số xuất khẩu.
Việc Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khiến nhiều nhà phân tích nhận định cơ hội thương mại của Việt Nam trong tương lai sẽ bị giảm sút. Nhưng Báo cáo lại chỉ ra rằng, “tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được duy trì ổn định nhờ hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ”.
Không phải đến giờ phút này những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mới thu được trái ngọt, sau 3 năm triển khai các nghị quyết 19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, môi trường kinh doanh Việt Nam đã tăng 9 bậc, với 5 chỉ số tăng hạng. Đây là mức cải thiện thứ hạng nhiều nhất kể từ năm 2008.
Trong đó, chỉ số bảo vệ nhà đầu tư tăng 31 bậc, giao dịch thương mại qua biên giới tăng 15 bậc, nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 11 bậc, tiếp cận điện năng tăng 5 bậc.
Tại Nghị quyết 19 ban hành đầu năm 2017, Chính phủ đã đặt ra lộ trình: Việt Nam phấn đấu đến hết năm 2017, nằm trong nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN, xếp hạng tối thiểu thứ 80 trên thế giới theo đánh giá của Liên hiệp quốc về nhóm chỉ số dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực.
Do đó, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải lên kế hoạch hành động chi tiết thực hiện Nghị quyết 19 năm 2017.
Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối tổ chức việc cải thiện các chỉ số về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối cải thiện các chỉ số năng lực sáng tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông phụ trách về chỉ số chính phủ điện tử.
Cải cách mạnh mẽ hơn nữa
Môi trường kinh doanh của Việt Nam so với trước thì có cải thiện rất nhiều- theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung.
Việc các bộ, đặc biệt là Bộ Công thương công bố cắt giảm rất nhiều điều kiện kinh doanh đã làm nức lòng cộng đồng doanh nghiệp. Nhờ những nỗ lực như vậy, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam sẽ sáng dần lên.
Tuy nhiên, theo ông Cung so với yêu cầu cải cách đất nước, đưa nền kinh tế về quỹ đạo tăng trưởng bền vững thì vẫn còn khoảng cách.
Những thay đổi đã làm được mới chỉ là những vụ việc cụ thể, chỉ mới là tháo gỡ khó khăn của một vài nhóm doanh nghiệp chứ chưa phải tất cả.
Muốn thay đổi và tạo ra sự bứt phá theo ông Cung không chỉ là xử lý theo kiểu từng văn bản, vụ việc. Cần thay đổi toàn diện, đột phá, bỏ rất nhiều cái cũ, từ đó thay đổi cách thức quản lý.
Chỉ khi nào đổi như thế mới thay đổi được. Bởi nếu thay đổi nhỏ giọt cả hệ thống cũng vẫn đi theo cách cũ.
Cách làm như hiện nay không cải cách được diện rộng. Vậy phải cải cách toàn diện triệt để và dứt khoát hơn, phải làm mạnh để phá thành trì trì trệ, phá thứ bảo thủ, phá thứ kìm hãm để bừng nở thu hút nguồn lực, bừng nở tinh thần khởi nghiệp…
“Cải cách toàn diện thì không chỉ cải cách quy định mà cần thay đổi năng lực quản lý, từ tiền kiểm sang hậu kiểm dựa trên hệ thống thông tin phân loại hàng hoá, doanh nghiệp có nguy cơ vi phạm nhiều, quản lý dựa trên mức độ rủi ro của doanh nghiệp và mức độ tuân thủ của doanh nghiệp.
Cải cách sẽ rất dễ và cũng có thể sẽ là rất khó. Sẽ rất dễ nếu được các bộ trưởng đồng lòng thực hiện, tạo động lực từ bên trong và sức ép từ bên ngoài.
Nếu chỉ dừng lại ở cam kết mạnh mẽ thì chưa đủ, mà phải hành động theo đến cùng, truy đến cùng trách nhiệm. Phải tạo sức ép để các bộ trưởng phải thay đổi, đồng lòng vì sự phát triển của quốc gia, không thể để nền kinh tế cứ trì trệ mãi được. Sức ép có thể đến từ Thủ tướng, Phó thủ tướng, từ báo chí. Còn nếu không thì việc cải cách sẽ rất khó”- ông Nguyễn Đình Cung cho biết.