Hàng trăm nghìn người Somalia chạy trốn khỏi biến đổi khí hậu và tình trạng mất an ninh là một ví dụ điển hình về điều gì sẽ xảy ra khi nguồn viện trợ cạn kiệt.
Tắc nghẽn nguồn viện trợ
Anh Abdikadir Omar đã bị mắc kẹt trong một thị trấn do những phần tử cực đoan kiểm soát ở Somalia trong nhiều năm cho đến tháng 5/2023, khi anh trốn ra ngoài để thực hiện hành trình 12 ngày cùng vợ và 7 đứa con đến nước láng giềng Kenya nhằm tìm kiếm thực phẩm và sự an toàn.
Tuy nhiên, anh Omar đã nhanh chóng thất vọng vì gia đình anh “tìm thấy sự bình yên nhưng không tìm thấy thực phẩm”. Anh Omar buồn bã chia sẻ với AP điều này khi đứng gần đám ngô khô héo mà anh cố gắng trồng xung quanh nơi trú ẩn tạm thời, bên ngoài một trong những trại tị nạn lớn nhất thế giới.
Khi tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu hứng chịu một cú sốc khác với việc Nga chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, hàng trăm nghìn người Somalia chạy trốn khỏi biến đổi khí hậu và tình trạng mất an ninh là một ví dụ điển hình về điều gì sẽ xảy ra khi viện trợ cạn kiệt.
Anh Omar buộc phải nộp phần lớn sản phẩm của gia đình mình như một khoản thuế cho al-Shabab - những phần tử cực đoan có liên hệ với al-Qaida đã kiểm soát nhiều vùng của Somalia trong nhiều năm - và phần còn lại không đủ để nuôi sống gia đình anh trong suốt thời gian đó.
Anh Omar và gia đình tham gia vào một làn sóng mới những người Somalia đang chạy trốn. Họ nằm trong số 135.000 người tị nạn mới đến Dadaab (Kenya) trong những tháng gần đây và cuối cùng được phép tiếp cận viện trợ lương thực khi chính phủ Kenya nối lại đăng ký tị nạn vào tháng 2/2023 tại trại nằm cách biên giới Somali 90km.
Dadaab là nơi sinh sống của hơn 360.000 người tị nạn đã đăng ký và nhiều người chưa đăng ký. Trại được thành lập vào những năm 1990, sự tồn tại lâu đời của nó thể hiện qua những dãy nhà tôn ngay ngắn ở những khu cũ hơn. Tuy nhiên khẩu phần lương thực lại mong manh hơn.
Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), những người tị nạn đã bị cắt giảm từ 80% nhu cầu dinh dưỡng tối thiểu hàng ngày xuống còn 60% do giảm nguồn tài trợ. Vào tháng 5, một hội nghị của các nhà tài trợ cấp cao cho Kenya, Somalia và Ethiopia huy động được chưa đến 3 tỷ USD trong số 7 tỷ USD mà các nhà tổ chức muốn dành cho viện trợ nhân đạo.
Giám đốc điều hành của WFP, bà Cindy McCain cho biết, các trại tị nạn như Dadaab, đặc biệt là ở châu Phi, sẽ bị cắt viện trợ nhiều hơn nữa vì diễn biến mới liên quan đến nguồn cung lương thực này. Theo thỏa thuận vừa kết thúc, WFP đã mua 80% nguồn cung lúa mì toàn cầu từ Ukraine.
Bà McCain cho biết: “Sẽ có sự thiếu hụt nghiêm trọng, tuy nhiên, thời điểm này còn quá sớm để dự đoán về hậu quả của sự cắt giảm đó sẽ như thế nào”.
Cắt giảm khẩu phần lương thực
Ông Colin Buleti - người đứng đầu các chương trình của WFP tại Dadaab - cho biết trong chuyến thăm trung tâm phân phối tuần trước: “Các gia đình từng chuẩn bị 3 bữa một ngày, giờ đã giảm xuống 2 bữa hoặc 1 bữa một ngày. Đây là điều khá cực đoan”.
Các gia đình nhận được khẩu phần lúa miến, gạo, đậu, ngô và dầu thực vật hàng tháng, cùng với khoản chuyển tiền mặt bị giảm một nửa còn 3 USD để mua thực phẩm.
Các nhân viên cứu trợ cho rằng, khẩu phần ăn giảm có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng suy dinh dưỡng. Theo Ủy ban Cứu trợ Quốc tế, cơ quan cung cấp các dịch vụ y tế, tại một trong ba khu vực của Dadaab, 384 trường hợp suy dinh dưỡng đã được báo cáo trong nửa đầu năm nay tại Hagadera, vượt quá 347 trường hợp được báo cáo trong cả năm ngoái.
Khoa suy dinh dưỡng ở Hagadera chật kín những đứa trẻ đang khóc mà chưa được điều trị, bởi bệnh viện đang quá tải gần 50% số bệnh nhân có thể được chăm sóc.
Cô Dool Abdirahman, 25 tuổi, đến với cô con gái nhỏ bị suy dinh dưỡng vào tháng 11. Gia đình chạy trốn khỏi Somalia khi đứa trẻ sơ sinh mắc bệnh não úng thủy. Cô Abdirahman cho biết, cho đến lúc chạy trốn khỏi Somalia, gia đình đã phải vật lộn để cầm cự ở nhà.
Giám đốc y tế của Ủy ban Cứu hộ Quốc tế tại Dadaab, ông Barbara Muttimos, cho biết, ngay cả loại bột đậu phộng đậm đặc chất dinh dưỡng được sử dụng để điều trị cho trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính và nghiêm trọng cũng đang bị đe dọa bởi nguồn tài trợ giảm và số lượng người đói ngày càng tăng. Nhưng đối với những bà mẹ như chị Mabina Ali Hassan – bà mẹ của 8 đứa con - điều kiện ở Dadaab vẫn tốt hơn so với quê nhà Somalia (nơi xung đột đã gây bất ổn cho đất nước trong 3 thập kỷ qua), khi ở đó không có các dịch vụ y tế.
“Tôi rất tiếc khi quay lại Somalia vào năm 2016 khi nghe nói ở đó an toàn hơn. Con trai chị được sinh ra ở đó và không được chăm sóc sức khỏe vì bệnh viện không được trang bị đầy đủ” – chị Ali Hassan nói và cho biết, chị lựa chọn trở lại trại tị nạn khi con trai chị bị suy dinh dưỡng.
Trong khi đó, cô Maryan Mohamed, 30 tuổi, cho biết, cô may mắn nằm trong số những người tị nạn mới đăng ký. Cô Maryan Mohamed và 6 đứa con của mình đến Dadaab vào tháng 3 và sống nhờ nguồn thực phẩm từ những người bạn đã đăng ký. “Mặc dù sự ổn định chào đón tôi ở đây, nhưng tôi vẫn đang phấn đấu cho cuộc sống mà mình mơ ước” - cô Mohamed nói.
Xóa đói, giảm nghèo là một trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và được các nước quan tâm triển khai. Thế nhưng do tác động của chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai cùng nhiều yếu tố khác, vẫn còn rất nhiều người trên thế giới ở trong cảnh đói nghèo, đòi hỏi các nước nỗ lực tìm các giải pháp bền vững trong xóa đói, giảm nghèo.