Đối với người dân vùng sông nước miền Tây thì ba khía lại quá quen thuộc và đã được bà con nơi đây chế biến thành những món ăn hấp dẫn.
Con ba khía thuộc loài giáp xác, hình dáng và kích cỡ giống như con cua đồng, sống ở vùng nước mặn, lợ, ven sông rạch, nhất là dưới chân rừng ngập mặn. Do có ba gạch ở trên lưng nên được đặt tên ba khía.
Ba khía có thể làm nhiều món nhưng ba khía muối trộn chua cay là được ưa chuộng nhất, đặc biệt đây còn được xem là món khoái khẩu của nhiều người.
Nếu có dịp đến Cà Mau, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang..., du khách sẽ thấy món ba khía muối có mặt trong các bữa cơm của bà con. Ba khía ăn kèm với cơm nóng hay cơm nguội đều rất ngon. Chan một chút nước ba khía, cắn nhẹ miếng thịt ba khía thấm vị cay nồng của tỏi ớt, vị chua của chanh lan tỏa trong miệng, thưởng thức một lần sẽ rất khó quên.
Bà con miền Tây thường đi bắt ba khía vào ban đêm. Ba khía thích đào hang ở những khu rừng rậm rạp, gần mé sông hoặc bãi biển, hàng đêm bò ra rủ nhau đi kiếm ăn. Thời điểm nhiều ba khía nhất là khoảng tháng 7-9 âm lịch. Vào những đêm tối trời, ba khía bò lên đậu đen những gốc đước, gốc dừa nước nên việc bắt rất dễ dàng.
Ba khía sau khi bắt xong, sẽ được xóc rửa cho sạch bùn đất rồi đổ vào lu, khạp có nước muối và đậy nắp kín lại. Từ khi muối cho đến lúc ăn được có thể 5-10 ngày. Có thể để ba khía muối ăn dần quanh năm. Ba khía muối chính là món ăn mà hầu như không một người dân nào ở miền sông nước nào không biết đến, đặc biệt đây còn được xem là món khoái khẩu của nhiều người. Khi ăn, bà con sẽ trộn ướp với các loại gia vị gồm: chanh, tỏi, ớt, dứa, đường... Ba khía muối sẽ bớt mặn và mùi vị sẽ thơm ngon hơn.
Chất lượng của ba khía phụ thuộc độ mặn của nước muối, bởi nếu nhạt quá thì ba khía sẽ hỏng nhưng mặn quá sẽ rụng càng, đen da, chát thịt... Chính vì vậy, tuy các công đoạn muối ba khía khá đơn giản nhưng để muối được ba khía ngon không phải dễ.
Ở Cà Mau, nghề muối ba khía đã có từ xa xưa, đến nay trở thành nghề truyền thống. Hiện nghề muối ba khía vẫn đang phát triển tại các huyện ven biển như: Đầm Dơi, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển. Ngoài ra còn phổ biến và phát triển mạnh ở thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển. Đây cũng là vùng đất có nguyên liệu ba khía ngon nổi tiếng, góp phần đưa sản phẩm muối ba khía được biết đến rộng rãi.
Vào giữa năm 2020, nghề muối ba khía của người dân Cà Mau đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Ngoài món ba khía muối, bà con miền Tây còn khéo léo chế biến thành nhiều món khác nữa. Bà con chọn những con có cặp càng to đem rang, rim mặn hoặc chiên bột ăn với cơm. Cầu kỳ hơn, bà con còn biến ba khía thành món nhậu hấp dẫn như rang me, hấp bia, trộn gỏi… Ngoài ra, một món chế biến nhanh, khá phổ biến đó là ba khía nấu canh. Đây là món ăn vừa thơm ngon vừa giải nhiệt…