Môn tích hợp sẽ đi về đâu?

Dung Hòa 05/08/2023 14:00

Giảng dạy môn tích hợp, giáo viên phải gồng mình là thực tế triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT mới) suốt 2 năm học qua. Năm học 2023-2024 cũng là năm thứ 3 tiếp tục thực hiện chương trình GDPT mới ở cấp THCS. Tuy nhiên, những bất cập về các môn học tích hợp vẫn là những thách thức đối với nhà trường, giáo viên và học sinh.

Nỗ lực để dạy - học môn tích hợp đạt hiệu quả. Ảnh: Quang Vinh.

Khó tứ bề

Theo Chương trình GDPT mới, ở bậc THCS có 2 bộ môn tích hợp mới là Khoa học tự nhiên (KHTN) và Lịch sử - Địa lý. Môn KHTN được tích hợp kiến thức từ 3 môn, gồm Vật lý, Sinh học, Hóa học. Cái khó nhất hiện nay là đa số giáo viên không được đào tạo để dạy tích hợp, mà chỉ qua tập huấn để dạy liên môn.

Thực tế triển khai từ 2 năm học qua cho thấy, sách giáo khoa (SGK) mới ở bậc THCS bắt đầu từ lớp 6. Khi giảng dạy tích hợp, giáo viên rất áp lực vì họ chỉ được đào tạo đơn môn nhưng buộc phải dạy đa môn, liên môn. Cụ thể, giáo viên Sinh học phải dạy cả Vật lý, Hóa học và ngược lại.

Theo ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội, còn 2 năm học nữa mới thực hiện xong việc thay toàn bộ SGK GDPT, tuy nhiên dạy học tích hợp có nhiều vấn đề bất cập. Từ thực tế dạy học ở trường, ông Khang cho rằng, việc dạy tích hợp chưa có ưu điểm, trái lại chỉ gây rắc rối cho việc dạy học.

Sau một thời gian dạy môn tích hợp, nhiều thầy cô chia sẻ, đối với môn KHTN ở lớp 6, 7, kiến thức khá cơ bản, thuộc mức độ nhận biết về sự vật, hiện tượng. Thế nhưng, với lớp 8, 9, nếu giáo viên không nắm vững kiến thức chuyên môn của môn học đó, khó có thể dạy tốt được. Vì giáo viên trước đây không được đào tạo liên môn, chỉ học đơn môn nên dù hoàn thành tập huấn, bồi dưỡng theo quy định nhưng nếu đảm nhiệm dạy cả 3 môn ngay trong một thời gian ngắn, khó có thể có sự chuyên sâu về kiến thức để giải đáp cho học sinh hiểu cặn kẽ, nhất là những câu hỏi chuyên sâu. Do đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra là các trường sư phạm cần khẩn trương đào tạo giáo viên dạy được liên môn, đội ngũ hiện tại cũng cần được bồi dưỡng có hệ thống, bài bản hơn.

Quyết định số 2454 và 2455 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành ngày 21/7/2021 quy định giáo viên học thêm từ 20 - 36 tín chỉ để dạy môn tích hợp. Chương trình bồi dưỡng được coi là điều kiện đủ tối thiểu để mỗi giáo viên có thể dạy học môn Lịch sử - Địa lý và KHTN. Dẫu thế, chỉ trong vài tháng, giáo viên dạy đơn môn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp dạy học của 1 hoặc 2 phân môn khác liệu có đủ năng lực và tự tin để đứng lớp?

Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) cho biết, giáo viên dạy môn nào sẽ có chuẩn bồi dưỡng của môn đó. Theo quy định của Luật Viên chức, mỗi năm, giáo viên đều có khoảng thời gian nhất định để tham gia đào tạo, bồi dưỡng. Những module này cho những người mới bắt đầu, sau khi học xong các module này, ở các năm tiếp theo, giáo viên sẽ chỉ phải tham gia đào tạo theo hướng cập nhật những điểm mới. Về lâu dài, các trường đào tạo sư phạm sẽ có những cân nhắc, tính toán trong việc đào tạo giáo viên ở bậc trung học để có thể giảng dạy tích hợp.

Tuy nhiên, chương trình tuyển sinh của các trường cho thấy, năm 2019 mới có mã ngành sư phạm Lịch sử - Địa lý, KHTN. Theo lộ trình thì kết thúc năm học 2022-2023 mới có khoảng 60 sinh viên đầu tiên ra trường. Con số này quá nhỏ so với số lượng hàng nghìn trường THCS trên cả nước.

Đi tiếp hay dừng?

Về việc triển khai dạy học môn tích hợp (môn KHTN, Lịch sử - Địa lý ở cấp THCS), bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội bày tỏ băn khoăn: Chương trình các môn KHTN, Lịch sử - Địa lý hiện nay đã đúng là tích hợp chưa hay đó chỉ là lắp ghép các môn học thành phần lại với nhau? Đây là việc cần làm rõ hơn căn cứ vào cơ sở khoa học và thực tiễn đã triển khai các năm qua. Cũng theo bà Hoa, quá trình giám sát cho thấy các trường triển khai rất khác nhau với các môn tích hợp trên.

Mới đây, báo cáo tổng kết năm học 2022 - 2023 của Bộ GDĐT cũng chỉ ra việc phân công giáo viên dạy các môn học mới như môn KHTN chưa bảo đảm thực hiện nguyên tắc phân công giáo viên phù hợp với năng lực chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ GDĐT dẫn tới khó khăn trong việc bảo đảm chất lượng, đồng thời làm tăng áp lực của giáo viên; Khi xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường (việc xếp thời khóa biểu) còn chưa bảo đảm tính linh hoạt và phù hợp với điều kiện về cơ sở vật chất, phân công giáo viên đảm nhận các môn học mới, trong khi những giáo viên đó vẫn phải đảm nhiệm môn học theo Chương trình GDPT 2006 dẫn đến ở một số thời điểm giáo viên phải dạy KHTN ở lớp 6, 7 vượt quá nhiều so với định mức/tuần, ảnh hưởng nhiều đến việc dạy các môn học.

Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK vừa qua, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, việc triển khai môn tích hợp đang là “một thách thức lớn đặt ra”. Trước mắt sẽ có hai con đường, trong đó một là quay về như cũ thành các đơn môn và hai là vẫn kiên trì đổi mới và sẽ tính toán lộ trình đến năm nào đó để giáo viên được tập huấn đầy đủ phù hợp dạy học tích hợp.

Những trăn trở về dạy và học môn tích hợp tiếp tục được đưa ra trong bối cảnh các trường THCS chuẩn bị bước vào giảng dạy lớp 8 (năm thứ 3 thực hiện chương trình mới ở cấp THCS). Điều này cũng cho thấy, lãnh đạo Bộ GDĐT đã nhìn ra những khó khăn ở cơ sở. Song, dừng lại hay tiếp tục trong lúc này đối với các môn học tích hợp ở cấp THCS là một thách thức không hề nhỏ đối với toàn ngành.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Môn tích hợp sẽ đi về đâu?