Mong manh - trách nhiệm

Hư Trúc 22/03/2016 11:10

Vụ tai nạn sập cầu Ghềnh (Đồng Nai) vừa xảy ra một cách bất ngờ, chóng vánh. Tuyến vận tải đường sắt Bắc – Nam kết nối với ga Sài Gòn dễ dàng bị cắt đứt hoàn toàn, một lần nữa lộ rõ sự mong manh trong việc bảo đảm an toàn giao thông vận tải. Lại thêm một lần dư luận băn khoăn đặt vấn đề, phải tính đúng, tính đủ, không bỏ sót trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến sự cố nghiêm trọng này. Vụ tai nạn khiến chiếc sà lan “thủ phạm” bị lật úp trên sông, làm ba người chạy xe máy trên cầu rơi tự do x

Trách nhiệm duy tu, bảo vệ cầu lâu nay đã bị thả nổi. Ảnh: TL.

Rất may là không có thương vong, nhưng hậu quả vụ sập cầu hết sức nặng nề. Nhiều vấn đề được đặt ra, không chỉ việc khẩn trương khắc phục sự cố mà còn cả việc quan trọng là xử lý trách nhiệm. Các đối tượng liên quan trực tiếp đến chiếc sà lan gây tai nạn đã bị bắt tạm giam, đang đối diện với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thế nhưng như vậy là chưa đủ. Đây là sự cố giao thông gây chấn động cả nước vì lẽ cầu Ghềnh hư hại nặng đang gây ra nhiều rắc rối cho giao thông giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ vốn là vùng công nghiệp trọng điểm. Tuyến giao thông đường sắt Bắc –Nam gặp rất nhiều khó khăn khi ga Sài Gòn giờ phải “chuyển” về Biên Hòa với khoảng cách trên 30km.

Hành khách và hàng hóa chọn giao thông bằng xe lửa giờ phải chịu trung chuyển trên đoạn đường nói trên về Biên Hòa, coi như huyết mạch giao thông đường sắt Bắc – Nam hoàn toàn bị nghẽn bởi “một cục máu đông”. Đây mới chỉ là tổn thất nhận diện ở mức rất sơ sài, một sự lượng hóa của các ngành chuyên môn sẽ cho thấy mức độ thiệt hại chắc chắn vô cùng lớn.

Tổn thất của vụ việc càng đòi hỏi một cái nhìn thẳng thắn và thấu đáo liên quan đến việc thực thi trách nhiệm bảo đảm an toàn giao thông. Trước hết, theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, chiếc tàu kéo (sà lan) gây tai nạn đã hết hạn kiểm định gần ba tháng. Cụ thể, tàu được kiểm định ngày 6/3/2015 và đã hết hạn kiểm định vào ngày 1/12/2015. Tàu này chở 800 tấn cát, xuất phát từ tỉnh Long An, vậy nhưng cơ quan chức năng địa phương này vì sao lại cho xuất bến một phương tiện như vậy?

Tiêu cực hay tắc trách? Thứ đến, cầu Ghềnh thuộc TP.Biên Hòa bắc qua sông Đồng Nai do người Pháp xây dựng năm 1904, đến ngày lâm nạn nó đã 112 tuổi. Trong từng ấy năm trời, cầu Ghềnh đã phải gánh một khối lượng vận tải lớn khủng khiếp vì đây là cầu dành đi chung cho cả đường bộ và đường sắt với hai phần bên hông dành cho xe hai bánh, ở giữa dành cho xe lửa và ô tô. Vấn đề duy tu bảo dưỡng cây cầu này tất nhiên thuộc ngành giao thông vận tải.

Trả lời câu hỏi của báo chí, “Người dân từng cảnh báo việc sà lan va trụ cầu và cầu từng có vành đai bảo vệ, nhưng hiện không thấy vành đai, tỉnh đã cảnh báo với Bộ Giao thông Vận tải chưa?”, ông Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Đồng Nai cho biết biết khoăn: “Tỉnh đã lưu ý Bộ Giao thông Vận tải nhưng không hiểu vì sao chưa được giải quyết!”. Chi tiết nhỏ này cho thấy vấn đề lớn là trách nhiệm duy tu, bảo vệ cầu lâu nay đã bị thả nổi. Và hậu quả như mọi người vừa thấy. Nếu đúng như vậy là “trái bóng” trách nhiệm bảo vệ cầu Ghềnh đã được tỉnh Đồng Nai “chuyền” lên Bộ chức năng!

Trong khi đó, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết: “Lâu nay Cục Đường thủy nội địa – Bộ Giao thông vận tải đã thực hiện cắm các phao tiêu, khung bảo vệ các dự án, các trụ cầu để dẫn luồng cho các tàu đi vào đúng luồng để tránh việc va đập. Vì đây là những cây cầu xây dựng đà quá lâu, nhưng việc xây dựng các trụ chống va xô đã được chúng tôi tính đến, đối với cầu mới xây sau này chúng tôi đã làm. Tuy nhiên đối với những cây cầu cũ, thời gian tới chúng tôi sẽ cho khảo sát lại để xây dựng các trụ chống va đập”. Bởi vậy, cầu Ghềnh là cầu cũ và chưa có bộ phận chống va đập, nên khi bị va đập thì nó gục ngã ngay lập tức. Cầu mới xây vững chắc còn kịp làm bộ phận bảo vệ chân cầu là cần thiết, nhưng vì sao cầu cũ lại để tình trạng trống chân kéo dài? Nếu như cầu Ghềnh cũng được bảo vệ thì tai nạn xảy ra chắc hẳn không quá nghiêm trọng như hiện nay.

Vụ sập đổ cầu Ghềnh đang gióng lên hồi chuông cảnh báo hết sức cấp thiết. Ngành chức năng không thể tiếp tục lơ là, chậm trễ trong việc thực hiện các biện pháp duy tu, bảo dưỡng, bảo vệ những cây cầu, đặc biệt là các cây cầu có tuổi cao vốn còn nhiều trên các vùng miền đất nước. Không ít những chiếc cầu “già” nhưng vẫn đang phải giữ gìn vai trò tối thiết vào bản đồ giao thông vận tải của đất nước như cầu Ghềnh. Việc xử lý “tính đúng, tính đủ, không bỏ sót” một địa chỉ trách nhiệm nào từ sự cố nghiêm trọng sập cầu Ghềnh có ý nghĩa thực chất trong việc rút bài học kinh nghiệm trước dư luận nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mong manh - trách nhiệm