Dù các kỳ thi riêng đã được nhiều trường tổ chức sớm để tuyển sinh, nhưng tại nhiều địa phương, phần lớn học sinh lớp 12 vẫn chọn phương thức vào đại học (ĐH) bằng xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT. Do đó, mối quan tâm lớn nhất của học sinh là khi nào Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) công bố đề thi minh họa?
Trước đó, đại diện Bộ GDĐT thông tin, dự kiến, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ được tổ chức vào nửa đầu tháng 7. Trong đó, đề thi sẽ vẫn giữ ổn định như năm 2022. Cụ thể, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu nội dung, kiến thức ở lớp 12. Tuy nhiên, đại diện Bộ GDĐT cho hay, đề thi sẽ có sự tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn, để từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các đề thi năm 2021, 2022 cũng đã xuất hiện các nội dung này. Bộ GDĐT chưa thông báo về việc có công bố đề minh họa các môn thi như những năm trước hay không. Điều này khiến cả giáo viên và học sinh đều thấp thỏm chờ đợi.
Thông tin về vấn đề này, PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, thông thường vào khoảng 31/3 hàng năm, Bộ GDĐT mới công bố đề thi minh họa.
Bộ cũng có nhiều điều chỉnh để kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra tốt hơn. Thứ nhất, điều chỉnh một số vấn đề kỹ thuật để tăng cường kỷ cương, nền nếp phòng thi cũng như bảo đảm an toàn, an ninh trong suốt kỳ thi. Điều này được thể hiện trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT. Thứ hai, tiếp tục tăng cường chất lượng đề thi đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra toàn bộ các khâu tổ chức thi. Bộ đề nghị các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi tại địa phương để bảo đảm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan và chất lượng. Thứ ba, tăng cường quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi. Đặc biệt, tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ tập huấn nghiệp vụ về thực hiện các biện pháp phòng chống, ngăn chặn gian lận thi cử, nhất là gian lận bằng các thiết bị công nghệ cao. Thứ tư, đẩy mạnh công tác truyền thông để nhận được sự đồng thuận, quyết tâm tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, khách quan, hiệu quả. Thứ năm, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong chỉ đạo tổ chức thi.
Hiện Bộ GDĐT đang xin ý kiến các chuyên gia và dư luận xã hội về một số nội dung mang tính kỹ thuật để sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT nhằm đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc, tạo thuận lợi cho thí sinh.
Dẫu thế, với những sĩ tử đang ở năm cuối cùng của cấp THPT, kỳ thi tốt nghiệp vẫn là kỳ thi quan trọng. Các em mong muốn Bộ GDĐT cần công bố kế hoạch dài hơi, cụ thể cho năm nay cũng như kỳ thi năm tới và đặc biệt là năm 2025 đổi mới theo chương trình giáo dục phổ thông.
Nhiều giáo viên cùng chung quan điểm, dù kỳ thi tốt nghiệp THPT không giữ vị thế như trước nhưng nhiều trường ĐH hiện vẫn tuyển sinh dựa theo kết quả của kỳ thi. Bộ GDĐT cần định hướng để đội ngũ giáo viên của các trường sớm có kế hoạch dạy học và ôn tập cho các em.