Cơ chế một cửa là một cải cách quan trọng về thủ tục hành chính, không chỉ rút ngắn thời gian, bớt phiền hà mà còn không làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Cũng từ cải cách ấy mà thái độ của nhân viên công quyền đối với dân, với doanh nghiệp được cải thiện. Điều đó phần nào đã cho thấy tại hội nghị công bố kết quả khảo sát doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành năm 2021.
Từ những kết quả đạt được, thông tin tại hội nghị, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng để nâng cao hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia và cách thức thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong thời gian tới, các cơ quan nhà nước cần thường xuyên rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy trình nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nói riêng, các lĩnh vực khác nói chung.
Cơ chế một cửa quốc gia của Việt Nam cho phép doanh nghiệp cung cấp thông tin cho nhiều cơ quan nhà nước trên nền tảng duy nhất, hợp lý hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian thông tin (khai báo, làm thủ tục) tại cửa khẩu và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.
Tính đến ngày 17/10/2022, Cơ chế một cửa quốc gia có 250/261 thủ tục hoạt động chính của 13 bộ, ngành kết nối với gần 5 triệu hồ sơ của hơn 55.000 doanh nghiệp. Việc cải cách thủ tục hành chính trong kiểm tra chuyên ngành (ở đây là đối với lĩnh vực Hải quan) trong xuất nhập khẩu hàng hóa đã đạt được nhiều tiến độ đáng kể, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Nói như ông Bradley Bessire - Quyền Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Việt Nam thì Cơ chế một cửa sẽ giúp đẩy mạnh cải cách hơn nữa ngành Hải quan, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, thương nhân và nhà đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Nhân đây, cũng xin được nhắc lại một số nội dung cơ bản của khái niệm Cơ chế một cửa. Nghị định 61/2018 của Chính phủ quy định “Cơ chế một cửa” trong giải quyết thủ tục hành chính là phương thức tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, theo dõi, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân của một cơ quan có thẩm quyền thông qua Bộ phận một cửa.
Còn “Cơ chế một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính là phương thức phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả giải quyết một thủ tục hành chính hoặc một nhóm thủ tục hành chính có liên quan với nhau; theo dõi, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân thông qua Bộ phận một cửa.
Cơ chế một cửa được tổ chức tại cấp bộ (Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại bộ, trực thuộc văn phòng bộ; cấp tỉnh (Trung tâm Phục vụ hành chính công thuộc Văn phòng UBND tỉnh); cấp huyện (Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện); cấp xã (Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc UBND cấp xã).
Như vậy, Cơ chế một cửa có ở 4 cấp: cấp bộ, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
Thời gian qua, Cơ chế một cửa tại nhiều bộ, địa phương đã được thành lập và hoạt động hiệu quả. Đây là một điểm sáng trong công tác cải cách thủ tục hành chính, vốn vẫn được cho là rất khó vì thực chất muốn thành công thì nó phải hóa giải “cơ chế xin - cho” vốn vẫn tồn tại như một điều tất nhiên. Đã từng có những thời gian dài thủ tục hành chính với rất nhiều “cửa” đã bị người dân, doanh nghiệp coi là “hành là chính”. Những người được giao nhiệm vụ tiếp, tiếp nhận, giải quyết, trả giấy tờ cho dân, doanh nghiệp luôn giữ thái độ cửa quyền, vì thế mới nảy sinh tệ “bôi trơn”, “lót tay” làm nhức nhối dư luận xã hội.
Chủ trương “một cửa” đã cơ bản loại bỏ được tệ nạn “quyền anh quyền tôi”, “cua cậy càng cá cậy vây” từ đó mọi sự được vận hành thông thoáng. Thực tế cho thấy Cơ chế một cửa trong cải cách thủ tục hành chính không chỉ phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp mà còn làm thay đổi tác phong, thái độ của cán bộ, nhân viên trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên Cơ chế một cửa cũng không phải là phép màu để một sớm một chiều có thể đem đến sự thay đổi toàn diện, triệt để. Nạn xin - cho, hành dân, hành doanh nghiệp vẫn lẩn khuất đâu đó. Chính vì thế, trong lĩnh vực này, giám sát là rất quan trọng. Giám sát để những “công bộc” của dân phải làm đúng, làm tốt; không phải là đứng trên dân, trên doanh nghiệp mà phải đồng hành cùng người dân, cùng doanh nghiệp. Được như thế Cơ chế một cửa sẽ thực sự thay đổi cả một guồng máy theo hướng tích cực, văn minh.