Tiếng dân

Một doanh nghiệp đa ngành nghìn tỷ khởi kiện MBBank - Bài 3: Liêu xiêu vì bị chuyển từ nợ nhóm 1 sang nhóm 4

Nhóm phóng viên 27/03/2024 17:25

Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, ngày 13/3/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Vì sao vào "lý lịch đen"?

Thông tư nêu rõ, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thực hiện theo quy định, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/1/2020.

Lãnh đạo một ngân hàng big 4 cho biết: Đối với hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã có các quy định về cơ cấu nợ cho khách hàng. Đây là căn cứ pháp lý để thực hiện cơ cấu nợ cho khách hàng gặp khó khăn trong quá trình hoạt động kinh doanh. Nguyên tắc cơ cấu nợ là sau khi cơ cấu xong, doanh nghiệp đã được cơ cấu nợ phải đảm bảo trả đủ gốc và lãi cho các ngân hàng.

Không chỉ doanh nghiệp bất động sản, mà doanh nghiệp các ngành khác khi gặp khó khăn đều được cơ cấu nợ theo hướng dẫn của NHNN. Việc cơ cấu nợ phải được triển khai thận trọng, chính xác để đảm bảo không chuyển nợ xấu về sau, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hệ thống ngân hàng cũng như nền kinh tế.

“Chính vì vậy, với doanh nghiệp bất động sản, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải có phương án cơ cấu nợ khả thi để phối hợp với ngân hàng cơ cấu nợ” - lãnh đạo ngân hàng trên nói.

anh-quan-minh-8.jpg
Một góc mặt bằng dự án Ocean Park nhìn từ trên cao.

Ông Hoàng Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH Quan Minh chia sẻ: Công ty Quan Minh có văn bản số 22 gửi MBBank - Chi nhánh Hoàng Quốc Việt (Hà Nội) về việc đề nghị cơ cấu lại nguồn vốn và gia hạn thời hạn trả nợ gốc. Công ty Quan Minh dự kiến hoàn thiện pháp lý dự án chậm nhất trong năm 2020, sau đó tiến hành thi công hoàn thiện hạ tầng dự án với thời gian từ 5-8 tháng.

Như vậy, đến Quý III/2021 dự án Khu đô thị Ocean Park sẽ đủ điều kiện mở bán theo đúng quy định của pháp luật.

Ông Hoàng Văn Cường cho biết, tháng 4/2020, MBBank đã cùng công ty thực hiện cơ cấu, điều chỉnh lịch trả nợ khoản vay theo hợp đồng tín dụng. Theo đó, MBBank đồng ý việc Công ty Quan Minh trả nợ gốc đến năm 2025 mới phải tất toán khoản vay.

Tuy nhiên, theo ông Cường, MBBank không áp dụng Thông tư 01/2020/TT-NHNN để giữ nguyên nhóm nợ (nhóm 1) nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà thực hiện chuyển toàn bộ dư nợ của Công ty TNHH Quan Minh sang nhóm 4 (nợ nghi ngờ mất vốn).

“Một doanh nghiệp đa ngành bị đưa vào danh sách nợ nhóm 4 đồng nghĩa với việc có "lý lịch đen", thì khả năng huy động nguồn vốn phục vụ cho hoạt động sau này sẽ cực kỳ khó khăn”, ông Cường nói.

Theo ông Cường, từ tháng 12/2019, MBBank không giải ngân nguồn vốn theo cam kết ban đầu (tối đa 183 tỷ đồng) để thi công hạ tầng kỹ thuật dự án Ocean Park.

Từ tháng 4/2020 đến tháng 9/2020, Công ty Quan Minh liên tiếp gửi công văn đề nghị MBBank hỗ trợ khó khăn, tiếp tục giải ngân vốn để thi công dự án Ocean Park. Đặc biệt, ngày 9/3/2020, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Thông báo số 55 yêu cầu Công ty TNHH Quan Minh tập trung nguồn lực khẩn trương thi công hoàn thành tuyến đường chính trung tâm nằm trong dự án khu đô thị Ocean Park với quy mô dài 560m, rộng 58m, tổng mức đầu tư khoảng 50 tỷ đồng.

Đây là lý do mà Công ty Quan Minh đưa ra để khẩn thiết đề nghị MBBank giải ngân vốn như thỏa ước đã ký trước đó giữa hai bên, nhưng MBBank cho rằng, cần chờ quy hoạch điều chỉnh 1/500 và công ty đang có nợ nhóm 4 nên không giải ngân dự án.

Cũng theo ông Cường, Công ty Quan Minh nhiều lần có văn bản đề nghị MBBank chỉnh lại nhóm nợ từ nhóm 4 sang nhóm 1, theo Thông tư 01 của ngân hàng Nhà nước ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước nhưng không được chấp nhận.

Dư nợ khoảng 200 tỷ đồng nhưng tài sản thế chấp nghìn tỷ đồng

Theo Công ty Quan Minh, tổng tài sản thuộc quyền sử dụng, quyền khai thác, quyền sở hữu của Công ty Quan Minh lớn hơn nhiều lần so với khoản vay tại MBBank. Bằng chứng là quyền sử dụng khu đất khoảng 5ha nằm trong dự án Ocean Park (42ha) mà Công ty Quan Minh thế chấp cho MBBank được chính ngân hàng này định giá năm 2020 bình quân là 19,89 triệu đồng/m2, giá trị tương ứng là 1.001 tỷ đồng (cao gấp đôi so với tổng số tiền MBBank giải ngân cho Công ty Quan Minh là gần 507 tỷ đồng.

Đến nay, dư nợ gốc của Công ty Quan Minh tại MBBank chỉ còn chưa đến 200 tỷ đồng. Nếu tính giá trị của toàn bộ khu đất 42ha triển khai dự án Ocean Park (theo định giá của MBBank thời điểm 2020) do Công ty Quan Minh làm chủ đầu tư, thì tài sản là bất động sản của Quan Minh có thể lên tới 6.000 - 7.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, MBBank đang giữ thế chấp nhiều tài sản bảo đảm có giá trị khác của Công ty Quan Minh như dự án nhà máy chế biến cát Minh Châu với tổng số vốn đã được đầu tư khoảng 300 tỷ đồng; quyền khai thác mỏ cát trắng silic tại khu vực xã Quan Lạn và xã Ngọc Vừng với trữ lượng gần 60 triệu m3 cát trắng silic, cát san lấp đi kèm (giá trị tương đương hơn 10.000 tỷ đồng trên thị trường).

Theo Công ty Quan Minh, căn cứ các văn bản thỏa thuận giữa MBBank và Công ty Quan Minh, lịch trả nợ gốc được hai bên thống nhất như sau: Năm 2019 là 30 tỷ đồng; năm 2020 là 2 tỷ đồng; năm 2021 là 2 tỷ đồng; năm 2022 là 80 tỷ đồng; năm 2023 là 120 tỷ đồng; năm 2024 là 160 tỷ đồng; năm 2025 MBBank thu hết nợ.

Tuy nhiên, đến tháng 2/2021, MBBank đã thu toàn bộ lãi chưa đến hạn và gốc trước hạn của Công ty Quan Minh số tiền trên 222 tỷ đồng. Dư nợ đến ngày 1/7/2021 là khoảng 202 tỷ đồng.

Theo Cty Quan Minh, cho đến thời điểm ngày 31/3/2021, Công ty Quan Minh không còn khoản nợ gốc, lãi bị quá hạn nào tại MBBank. Tuy nhiên, sau đó, MBBank liên tục có các văn bản đốc thúc Công ty Quan Minh và các thành viên góp vốn thực hiện bàn giao tài sản thế chấp thu hồi nợ; đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ thu giữ tài sản.

Công ty Quan Minh nhấn mạnh, MBBank đã cơ cấu, điều chỉnh lịch trả nợ khoản vay của Công ty Quan Minh đến hết năm 2025 nhưng không hiểu sao, chỉ mới đến tháng 3/2021 đã triển khai các biện pháp thu giữ tài sản bảo đảm.

Xử lý nghiêm nếu gây khó khăn cho khách hàng

Trước đó, tháng 3/2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có chỉ thị yêu cầu các đơn vị, chi nhánh các địa phương và các tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi các khoản vay cũ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020 của NHNN và cho vay mới với lãi suất ưu đãi và chịu trách nhiệm trước NHNN về kết quả thực hiện.

Chi nhánh các địa phương có biện pháp xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp không chấp hành chủ trương, chậm xử lý, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm trong triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn. Đồng thời giám sát, theo dõi xử lý những trường hợp lợi dụng chính sách để làm sai lệch chủ trương hỗ trợ khắc phục dịch.

Đối với các TCTD, Thống đốc yêu cầu khẩn trương ban hành và triển khai quy định nội bộ hướng dẫn Thông tư số 01; triển khai công tác cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch.

Xử lý nghiêm những đơn vị, cán bộ lãnh đạo và cán bộ nghiệp vụ triển khai chậm, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm, thực hiện không đúng quy định trong quá trình thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Lãnh đạo ngân hàng Nhà nước yêu cầu cán bộ ngân hàng phải đồng hành tháo gỡ khó khăn với khách hàng, “giám đốc chi nhánh nếu thiếu trách nhiệm gây khó khăn phiền hà, xử lý chậm thì phải xem xét xử lý”.

Sau đó, ngày 2/4/2021, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng dịch Covid-19.

Để làm rõ hơn vấn đề này, Báo Đại Đoàn Kết tiếp tục phản ánh tới bạn đọc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một doanh nghiệp đa ngành nghìn tỷ khởi kiện MBBank - Bài 3: Liêu xiêu vì bị chuyển từ nợ nhóm 1 sang nhóm 4