Một năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) (1/8/2020 -1/8/2021), bức tranh xuất khẩu có nhiều điểm sáng bất chấp đại dịch Covid-19 hoành hành. Số liệu thống kê cho hay, 6 tháng đầu năm 2021, giá trị thương mại giữa Việt Nam và EU đạt 27 tỷ USD, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2020.
Xuất khẩu nhiều mặt hàng tăng trưởng rõ rệt
Trên thực tế, chỉ 5 tháng sau khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã có mức tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước, cụ thể, sản phẩm từ cao su đạt 61 triệu USD tăng 56,91%; gạo đạt 5,2 triệu USD tăng 3,73; rau quả đạt 63,8 triệu USD, tăng 12,5%.
Các ngành hàng khác như dệt may, da giày cũng có những tăng trưởng đáng ghi nhận. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành phức tạp, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt đoạn, xuất khẩu sang thị trường Châu Âu vẫn có sự bứt phá rõ rệt.
Ngành may mặc đã từng gặp vô vàn khó khăn khi Covid-19 xuất hiện. “Giặc dịch” khiến nền kinh tế toàn cầu lao đao suốt cả năm 2020. Ngành may mặc trong nửa đầu năm 2020 đã “ngấm đòn” đại dịch khi hầu như không có một đơn hàng nào với đối tác quốc tế.
Tuy nhiên, kể từ khi EVFTA chính thức được thực thi (từ 1/8/2020), những khó khăn của ngành dệt may đã dần được tháo gỡ. Các đơn hàng được ký kết dày lên và con số tăng trưởng hồi phục rõ nét. Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), 6 tháng đầu năm 2021, ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu 18,79 tỷ USD giá trị hàng hoá, tăng 21,27% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 4,23% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, thị trường EU có khởi sắc rõ rệt với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,263 tỷ USD, tăng 4,85% so với cùng kỳ năm trước. “Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU đã tác động tích cực đến xuất khẩu của ngành sang EU. Nếu không có hiệp định này, con số xuất khẩu chỉ đạt khoảng 700-800 triệu USD”, ông Giang cho biết.
Không chỉ tác động ngay tới kim ngạch xuất khẩu, nhiều DN ngành dệt may còn cho rằng, EVFTA là động lực phát triển dài hạn cho dệt may Việt .
Lực đẩy cho doanh nghiệp Việt
Đánh giá về những điểm mạnh, những lợi thế có được từ EVFTA, giới chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, chính sách từ EVFTA đã mang lại những tác động tích cực đối với Việt Nam, đặc biệt là khi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh Covid-19.
Phân tích sâu, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, EVFTA mang lại thêm cơ hội cho DN Việt Nam cải thiện xuất khẩu vào thị trường EU. Đặc biệt, Việt là một trong những nước ở khu vực Đông Nam Á đã thực hiện FTA với EU, nên có thêm lợi thế cạnh tranh xuất khẩu vào thị trường này.
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn cao trong EVFTA nói riêng và ở thị trường EU nói chung buộc DN Việt phải chủ động tìm hiểu, tuân thủ một cách bài bản, thay vì chỉ tính toán lợi thế cạnh tranh về giá khi EU cắt giảm thuế nhập khẩu. Thực tế cho thấy, các DN Việt Nam đã chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như nâng cao trách nhiệm xã hội của DN, đáp ứng các quy chuẩn, yêu cầu từ phía thị trường EU.
Nêu quan điểm của mình, ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham, nhấn mạnh, thời điểm này, thế giới đang tập trung mọi nguồn lực để chống lại đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta không chú trọng EVFTA.
Hơn bao giờ hết,Hiệp định đang thể hiện tầm quan trọng một khi chiến dịch tiêm chủng được triển khai và đại dịch được kiểm soát, nền kinh tế của chúng ta cần phải mở cửa trở lại và phục hồi. Theo vị này, với Việt Nam, EVFTA chính là một trong những đòn bẩy quan trọng tạo sức bật cho nền kinh tế khi đại dịch Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng hết sức tiêu cực đến nhiều lĩnh vực.
“Với việc thực thi Hiệp định này, cả DN lẫn người tiêu dùng đều được hưởng lợi từ việc loại bỏ dần thuế quan và mở cửa thị trường”, ông Alain Cany khẳng định.
Theo dự báo của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), thời gian tới, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU sẽ tiếp tục phục hồi khi tình hình kinh tế EU đang được cải thiện rõ nét, cùng với đó là lực đẩy của Hiệp định EVFTA.