Những nếp nhà sàn lợp lá cọ đẹp như tranh vẽ dưới chân núi Là. Một bản Cao Lan ở xứ Tuyên đang hấp dẫn khách du lịch với nét văn hóa riêng có.
Thôn Động Sơn ở xã Chân Sơn (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) cách thành phố Tuyên Quang chừng 10 km, cách thị trấn Yên Sơn cũng khoảng chừng đó. Động Sơn có khoảng 140 hộ, phần lớn là đồng bào Cao Lan, sống quần tụ dưới chân núi Là. Bên cạnh có ngòi Là nguồn nước xanh mát chạy quanh. Trăm năm trước, tìm về chốn này định cư, người Cao Lan đã dựng những ngôi nhà sàn đầu tiên khi gặp sơn thủy bén duyên hữu tình.
Giữa làng có cây móc cổ thân to sừng sững, thế nên thuở xưa mang tên thôn Động Móc, cây vẫn bám trụ với làng qua bao giông to mưa lớn. Cây thiêng như biểu trưng ngọn nguồn sức mạnh của làng Cao Lan, cùng dân bản bám trụ, sinh sôi đến bây giờ.
Già làng Cao Lan nói, những ngôi nhà sàn cổ đó, hồi xưa nhưng tốp thợ về dựng phải hơn nửa năm mới hoàn thiện theo lối cung đình. Giờ gỗ hiếm, nhà sàn dựng thân bê tông giả gỗ nhưng vẫn phỏng theo nét xưa.
Thân cột to, trên có nhiều xà lớn chồng lên nhau, còn vì kèo và con cung khéo léo uốn lên góc mái, ghép lồng nhau bằng kỹ mộc đặc biệt rất vững chắc. Cả bộ khung nhà sàn không cần dùng đến một cái đinh, khi tháo lắp di chuyển lại rất dễ dàng. Tường ngăn là ván tấm liền bản chạm trổ họa tiết cổ công phu. Nhà sàn của người Cao Lan như linh hồn văn hóa của cả cộng đồng.
Phụ nữ Cao Lan mặc áo Pù dằn dinh loáng thoáng hình con bướm. Một cảm xúc kỳ lạ cho bất kỳ ai đến thăm bản Động Sơn có nét đẹp truyền thống khi thoáng thấy một người phụ nữ đang lúi húi làm việc bên ngôi nhà sàn.
Con gái Cao Lan sắp đi lấy chồng đều tự mình dệt vải, nhuộm chàm rồi khâu áo bằng tay để có áo Pù dằn dinh mang theo về nhà chồng. Cả áo yếm bên trong và váy đều được dệt bằng vải chàm dệt thổ cẩm. Áo, yếm, váy, khăn được đệt thêu tỷ mỉ, nói lên đức tính kiên nhẫn, chăm chỉ và luôn mong được xinh đẹp của phụ nữ Cao Lan.
Làng Động Sơn tổ chức hội đình vào hai dịp chính trong năm: ngày 2/2 và 2/6 âm lịch. Đó là mùa hội vui nhất của bản Cao Lan. Hội có những nghi lễ như: cúng đình, tắm lửa, múa dân gian, trò chơi... Đặc biệt nghi lễ tắm lửa dành cho các chàng trai đã đủ trưởng thành, đủ sức mạnh để che chở cho gia đình, bản làng và thôn xóm. Còn lễ cúng tế trong đình mang nghi thức cổ truyền do những bậc cao niên, uy tín trong dòng họ thực hiện.
Anh Ma Văn Thông - Trưởng thôn Động Sơn cho biết, ngoài hai vụ lúa, người dân trong thôn còn trồng trên 30 ha rừng. Nhiều hộ có từ 2 đến 3 ha rừng. Những năm qua, dân Động Sơn đã chuyển đổi đất vườn tạp trồng bưởi, tăng thu nhập. “Trồng cây, giữ rừng, cái bụng người Cao Lan mới yên” - anh Thông nói.
Nhiều du khách tìm về Động Sơn câu cá và nghỉ qua đêm, thế là người Động Sơn bắt đầu nghĩ đến làm du lịch cộng đồng. Bản còn giữ được bản sắc văn hóa độc đáo của người Cao Lan, có ngòi Là dài rộng nước sạch cá ngon. Bây giờ bản đã lập câu lạc bộ tập hát Sình ca, khách du đêm đến được nghe hát, uống rượu, thưởng thức đặc sản Động Sơn. Động Sơn đang có nhiều điều kiện tốt để phát triển du lịch cộng đồng.
Đề án Làng văn hóa dân tộc Cao Lan thôn Động Sơn đã được UBND huyện Yên Sơn phê duyệt. Động Sơn mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Cao Lan gắn với khai thác, phát huy hệ thống thắng cảnh của khu vực này phục vụ phát triển du lịch. Xã vận động nhân dân Động Sơn làm du lịch homestay, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ riêng có. Huyện đã có chủ trương cải tạo, nâng cấp các tuyến đường thôn; hoàn thiện đường điện; xây dựng khu vui chơi, tập luyện thể thao. Đồng thời, huyện cũng tiến hành cải tạo hồ ngòi Là; tôn tạo, xây dựng đình làng Động Sơn…