Tinh hoa Việt

Một ngày cuối năm ở Châu Đốc

DI LI 30/12/2023 08:12

Cần phải nói thêm rằng việc đi lại ở miền Tây cực dễ dàng. Hôm trước ăn cơm trưa ở tiệm Quế Phát, trung tâm thành phố Long Xuyên. Nhác gần đấy có chốt xe của Hùng Cường, tôi mua liền một vé đi Châu Đốc. Nhà xe hẹn sáng mai ra điểm đón trên đường Trần Hưng Đạo để khởi hành từ Long Xuyên.

lang-tnh-scaled.jpg
Lăng Thoại Ngọc Hầu.

Xe vắng vẻ, chỗ ngồi thoải mái và chỉ ngót tiếng xe đã thả tôi ở trạm Hùng Cường, Châu Đốc. Sát vách trạm cũng là khách sạn Hùng Cường. Ái chà, rõ là tập đoàn.

- Này em, khách sạn này có phải cũng của hãng xe Hùng Cường không thế? – Tôi hỏi lại cho chắc.

- Dạ chị.

- Thế chiều mai chị về TPHCM thì có thể đi luôn xe này đúng không?

- Đúng chị.

- Đây cách trung tâm Châu Đốc bao xa em?

- Đây là trung tâm Châu Đốc rồi chị.

Nhất cử lưỡng tiện, tôi thuê luôn một phòng của Hùng Cường, giá cả đến là êm dịu. Tôi có một phòng bé xíu chưa đến 10 m2, hai cửa sổ lớn chan hòa ánh nắng. Căn phòng đáng yêu như của một bé gái tuổi teen có nết ngăn nắp.

Như vậy là chiều mai tôi chỉ việc kéo vali xuống chân nhà là có thể trèo lên xe về TPHCM, chẳng cần phải tìm hiểu điểm mua vé với giờ giấc nữa. Chưa kể tối hôm ấy tôi còn phát hiện ra vườn hoa trước mặt là nơi tập trung những quán bún cá ngon nhất thành phố.

Lúc ấy chừng 10 rưỡi sáng, tôi có ý định sẽ đi Núi Cấm và rừng tràm Trà Sư, rồi mai viếng chùa. Nom tôi lơ ngơ trước khách sạn, bụng đang tính đi xe buýt hay taxi thế nào tiện hơn thì một gã xe ôm đứng đấy ngó làm thân. Gã mặc bộ kaki màu xi măng, mặt tròn xoe đen đúa, đầu vẫn đội nguyên mũ bảo hiểm, lí nhí giọng miền Tây:

- Chị đi xe không chị?

- Tui đi tận Núi Cấm kia. Xa lắm.

- Núi Cấm đi xe ôm được. Trên đường em chở chị ghé qua rừng tràm Trà Sư.

- Bao nhiêu thế? – Tôi buột miệng.

- Ba trăm ngàn ạ.

- Hai trăm rưỡi thôi chứ.

- Vâng, thôi em chở chị hai trăm rưỡi.

Gần cuối ngày tôi mới biết cậu lái xe tên Vũ, kém tôi hai tuổi, dù mặt già nua hơn tôi mấy bậc, nhẽ vì dãi dầu sương gió. Cũng chẳng ngờ mình gắn bó với cậu ta tới hai ngày đường. Suốt 37 cây số đường, Vũ chẳng nói năng gì, chỉ lầm lũi lao vào giữa nắng. Con đường về Thất Sơn vắng tanh yên tĩnh.

Những cánh đồng trơ trụi trải dài hai bên khiến tôi díp cả mắt, và đàng xa là những cây thốt nốt chòi chọi giữa trời xanh. Nhìn những đồng lúa chưa tới vụ gặt, cũng đã thấy chất Khmer, dù chưa cần tới dung mạo của những ngôi chùa rực rỡ rải rác khắp xứ này. Châu Đốc là đất hành hương.

Không thể thống kê nổi bao nhiêu ngôi chùa hiện diện xung quanh thành phố, nhẽ tới hàng trăm, vả lại chùa nào cũng cầu kỳ hoành tráng, chạm khảm rực rỡ. Nhiều ngôi chùa còn có vườn bồng lai tiên cảnh như công viên Suối Tiên ở TPHCM. Cũng rồng phượng, khủng long, Natra, tiểu đồng, đài sen, mây nước sơn vẽ lòe loẹt. Thi thoảng tôi lại nhắc Vũ chạy chậm thôi. Như mọi tài xế xe ôm khác, gã Châu Đốc này chạy xe điên cuồng như thể tiết kiệm thời gian còn làm cuốc khác.

img_0577(1).jpg
Chùa Hang.

Hôm sau tôi gọi cho Vũ tới mấy cuộc thì cậu ta mới bắt máy. Vũ vội vã phóng xe đến bảo tại chị hẹn 9 giờ nên em mới ngủ rốn. Chẳng nhẽ giải thích rằng khách sạn trung tâm này nhộn nhịp đến nỗi 5 giờ sáng đã như cái chợ, thôi dậy đi luôn cho xong. Sáng đấy, cậu ta chở tôi qua lăng Thoại Ngọc Hầu trước khi ghé chùa Hang. Mấy bận vào TPHCM tôi hay nghỉ lại nhà bạn ở quận 11, thấy có phố Thoại Ngọc Hầu rất dài, chẳng hay tên vị nào giống diễn viên cải lương thế.

Vô Châu Đốc mới nom người dân nơi này kính cẩn đối với vị khai quốc công thần nhà Nguyễn đến thế nào. Danh tiếng của Thoại Ngọc Hầu lừng lẫy khắp Nam Kỳ lục tỉnh không chỉ vì nghiệp binh tướng mà chủ yếu nhờ công khai sơn khẩn đất, trong đó có việc chỉ đạo xây hai con kênh lớn nhất An Giang là Thoại Hà và Vĩnh Tế (là ông lãng mạn đặt theo tên vợ cả Châu Thị Tế). Riêng kênh Vĩnh Tế dài gần trăm cây số đến giờ vẫn vô cùng ích lợi về giao thông, thương mại, biên phòng, trị thủy. Những chiến công hiển hách của Thoại Ngọc Hầu trong suốt 52 năm công vụ dài đến mấy trang giấy, trong đó có 7 lần sang Xiêm La, 2 lần sang Lào, 11 năm bảo hộ Cao Miên, từng đánh tan cướp biển Java và bạo loạn của người Khmer.

Như nhiều vị công thần triều Nguyễn khác, Thoại Ngọc Hầu ít được chính sử sau này nhắc tới nên người Bắc không mấy khi biết, nhưng cuộc đời huyền thoại của ông cũng giống tiểu thuyết, đặc biệt là vụ án oan ngay cả sau khi ông đã quy tiên…

Trước khi chết, Thoại Ngọc Hầu là Thống chế bảo hộ Cao Miên, kiêm Án thủ Châu Đốc và quản trấn Hà Tiên, nhưng sau tang ma ông, nghe tấu xằng bậy, vua Minh Mạng cũng ghét quá mà ra lệnh tịch biên toàn bộ gia sản của nhà cố Thống chế rồi tước hết quyền hành của con cháu ông.

Lăng Thoại Ngọc Hầu giờ đặt trang trọng ngay sau lưng Bà Chúa Xứ.

Đi dọc ngang miền Tây, thấy hằng hà lăng tẩm, cổ mộ, đình miếu, đền chùa, song chẳng nơi nào gây ngơ ngẩn cho tôi như chùa Hang, một ngôi chùa vô tiền khoáng hậu đã khiến Vũ xe ôm phải chờ vêu đến hai tiếng đồng hồ ngoài đường cái chỉ vì tôi thơ thẩn mãi trong chùa, trong khi trước đó tôi hẹn cậu 15 phút thôi là sẽ ra ngay, vào thắp hương cái rồi ra chứ chi mà ở lâu.

Chùa nằm trên triền núi Sam, vì thế tôi phải leo qua những bậc đá xám sạch sẽ để lên lưng chừng núi, nơi có một hồ nước nhỏ yêu kiều thả hoa súng.

Từ đấy trông xuống sẽ thấy đồng bằng Châu Đốc nõn nà trù phú, ngước lên là lớp lớp mái cong của Phước Điền Tự, tựa hồ tôi đã gặp may mà bị nhấc bổng vào trường quay Thiếu lâm tự.

Châu Đốc này hay là thế, về nhà ít bữa tôi cho bạn bè coi ảnh, lúc thì họ đinh ninh tôi đi Campuchia, khi lại ngỡ sang Hàng Châu, có vài bức tưởng tôi chu du tận Trung Đông. Kiến trúc chùa Hang rõ là theo phong cách người Hoa.

img_0605.jpg
Đường đi trong chùa Hang.

Theo những bậc đá lên cao mãi, tôi gặp một nhà sư trẻ tuấn tú ngồi trực ở cái bàn ngoài cửa, vừa thấy tôi thầy đã nhắc bỏ dép ra ngoài và phát cho chiếc xà rông để cuốn kín đáo. Cửa phòng ấy thông sang một bậc thang khác dẫn lên trên.

Gian trên cũng là để thờ cúng cả thôi, các chư vị Phật ngồi sắp hàng tầng tầng lớp lớp, rồi tiếp tục một cầu thang nữa và một tầng nữa, cứ như lâu đài Pena ở Bồ Đào Nha không bằng. Đúng vào lúc tôi chuẩn bị quay xuống để ra chỗ hẹn gặp tài xế vì đã trễ mất 5 phút rồi, thì thấy lũ trẻ con chui xuống một ngách thang ở phía cửa vào bên kia, mà tôi ngỡ rằng là một lối “không phận sự miễn vào” dành để chứa đồ lư hương hay quần áo nhà Phật.

Tôi đi theo lũ trẻ và nhận ra mình đang đi sâu vào miệng hang bằng những bậc đá mát lạnh. Đi tới đâu đèn cảm ứng tự bật đến đấy và nhạc réo rắt từ trần vách như bồng lai tiên cảnh.

Con đường ngầm trong hang rộng rãi và kiên cố như một pháo đài trung cổ. Thi thoảng bên vách đá lại mở ra một thạch thất vuông vắn bày hàng chục tượng Phật tí hon. Thạch thất được lát gương năm cạnh, khiến những ông Phật nhân lên thành cả trăm và ánh đèn vàng phản chiếu lấp lánh kỳ ảo.

Xuôi theo hành lang ngầm trong lòng núi, tôi gặp một ngách cụt bị chẹn bởi nhũ đá lớn, xung quanh là một vũng nước suối. Tôi lách thử người qua cho chắc là không còn gì nữa để quay lên thì thấy lòng hang lại mở ra một cầu thang lớn để dẫn xuống sâu hơn. Nhạc vẫn hoài róc rách. Hết đường, vòm hang mở ra một hòn non bộ xinh đẹp với cái sân gạch yên bình. Chưa đã, tôi lộn thêm một vòng nữa cho bõ rồi mới quay lại hòn non bộ. Chả có nhẽ mà lượn thêm vòng thứ ba trong cái “đường hầm” kỳ thú ấy.

Trên sân thượng là phòng trưng bày với hàng trăm pho tượng nhũ vàng khác, lộng lẫy và sáng lòa, trong một đại sảnh tràn ngập nắng cùng hàng hiên bao quanh trông xuống một bình nguyên xanh mướt. Chẳng có gì tương đồng với những ngôi chùa nâu sồng âm u thiếu sáng ở ngoài Bắc.

Vũ chờ tôi đến phát nản, nhưng vẫn vui vẻ như thường, dù chẳng tính tiền chờ. Cậu ta nhắc tôi chỉ còn hai tiếng nữa thôi là tôi phải khởi hành về TPHCM, vì vậy tôi sẽ không còn đi được chợ Gò Campuchia như mong muốn chỉ vì cái tội sa đà trong chốn bồng lai tiên cảnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một ngày cuối năm ở Châu Đốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO