Ngành Kiểm sát kiến nghị Quốc hội tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, chức vụ, bảo đảm yêu cầu vừa nghiêm trị, vừa khoan hồng.
Ngày 6/11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài 2,5 ngày. Báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ khoá XV đến hết Kỳ họp thứ 4, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, để triển khai hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của Ngành, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo toàn ngành Kiểm sát thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Cụ thể, Ngành kiểm sát đã đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Tập trung chỉ đạo các biện pháp nghiệp vụ nhằm bảo đảm thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp, pháp luật, nhất là nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm. Tăng cường công tác xây dựng, hướng dẫn thi hành pháp luật và cải cách tư pháp. Đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong Ngành là “đòn bẩy” để khắc phục hạn chế trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và công tác thống kê, lưu trữ, bảo đảm khai thác, sử dụng dữ liệu hiệu quả phục vụ công tác chuyên môn.Tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế; đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường công tác quản lý tài chính, tài sản công.
Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019, Viện kiểm sát các cấp đã quán triệt thực hiện nghiêm Chỉ thị của Đảng, Nhà nước và các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật để phát hiện, xử lý các hành vi phạm tội liên quan đến việc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và các cơ quan tư pháp khác để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của Ngành trong công tác đấu tranh, xử lý tội phạm liên quan đến việc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Viện kiểm sát các cấp đã ban hành 14 kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa vi phạm và tội phạm trong hoạt động quản lý liên quan đến đất đai.
Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan ký ban hành Thông tư liên tịch về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng cho biết, quá trình triển khai công tác còn một số tồn tại, hạn chế như: nhiều quy định mới của các đạo luật về tư pháp đã có hiệu lực thi hành nhưng nhận thức giữa các cơ quan tiến hành tố tụng còn chưa thống nhất; Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước với những quy định trách nhiệm rất chặt chẽ đang là thách thức lớn đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân.
Bên cạnh đó, thực hiện Bộ luật Tố tụng hình sự, nhiệm vụ của Viện kiểm sát tăng lên rất nhiều, xuyên suốt từ khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; đặc biệt, việc thực hiện quy định Kiểm sát viên phải tham gia một số hoạt động điều tra và trực tiếp điều tra đang gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với đơn vị có địa bàn rộng, chưa có điều kiện bố trí đủ công chức, Kiểm sát viên.
Chưa kể, trong công tác giám định, định giá còn kéo dài, có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm cho cơ quan chủ trì; chậm yêu cầu các cơ quan liên quan cung cấp hồ sơ, thông tin còn thiếu; một số trường hợp có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh, từ chối việc giám định, định giá; kết luận giám định còn chung chung không thể hiện rõ quan điểm.
Đề ra giải pháp cho thời gian tới, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; tập trung tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra theo Bộ luật Tố tụng hình sự, thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu nghiệp vụ, đặc biệt là chỉ tiêu theo yêu cầu Nghị quyết số 96 của Quốc hội, phấn đấu không để xảy ra các trường hợp đình chỉ bị can do không phạm tội, Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội.
Tập trung giải quyết tốt các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án hình sự nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Tích cực phối hợp với các cơ quan tư pháp và cơ quan hữu quan trong xây dựng, hướng dẫn thi hành pháp luật, nhất là Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự. Tiếp tục tăng cường hướng dẫn, giải đáp khó khăn, vướng mắc trong nhận thức và áp dụng pháp luật; xây dựng các quy trình, kỹ năng nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các khâu công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân.
Tiếp tục kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy Viện kiểm sát các cấp; kiện toàn lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn nhân lực hiện có; luân chuyển, điều động, biệt phái Kiểm sát viên giữa Viện kiểm sát các cấp để đào tạo, rèn luyện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
“Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong đơn vị; đẩy mạnh cải cách hành chính, công vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện các đề án tăng cường cơ sở vật chất, kinh phí, chế độ bảo đảm cho hoạt động của Ngành”-ông Trí cho hay.
Về một số kiến nghị, đề xuất, Ngành Kiểm sát kiến nghị Quốc hội đề nghị, chỉ đạo rà soát và kịp thời ban hành, bổ sung điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước, đáp ứng các yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất và tạo hành lang pháp lý an toàn và điều kiện cho cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ nhằm xây dựng, phát triển đất nước. Tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, chức vụ, bảo đảm yêu cầu vừa nghiêm trị, vừa khoan hồng theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục chung; đồng thời phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát; bảo đảm hiệu quả phòng chống tội phạm, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có răn đe, giáo dục, vừa nhân văn, thuyết phục.