Một thoáng nước Úc

Lã Thế Tuấn (Nguồn tham khảo: National Geographic Wikipedia) 21/05/2016 14:54

Diện tích hơn 2,5 triệu km2, Tây Úc là một trong những vùng đất rộng lớn và đa dạng nhất thế giới với những cảnh đẹp mê hồn. Đến đây, người ta ngẩn ngơ bởi sự đặc biệt của Rừng quốc gia Karijini và cũng vô cùng thích thú khi đối diện với dòng sông Margaret. Nhưng, Bắc Úc cũng có rất nhiều điều cần được khám phá.

Một thoáng nước Úc

Khối đá độc đáo ở Kalbarri.

Thiên nhiên quyến rũ

Thật khó hình dung được rằng, miền Tây Úc được cho là hoang sơ bậc nhất nhì thế giới, nhưng lại có những tiểu vùng địa lý rất lộng lẫy “như không tồn tại trên mặt đất”. Có những nơi mà vẻ lãng mạn của nó có thể hớp hồn bất cứ ai. Nhưng, ai cũng thừa nhận một điều rất đặc biệt là vùng đất này có một điều gì đó lãng đãng trong thiên nhiên- như thể thiên nhiên có linh hồn.

Vùng đất mênh mông ấy với những cánh rừng đuổi nhau tới tít tận chân trời, những hồ nước long lanh tráng lệ, những thảm cỏ xanh tưởng như không bao giờ héo úa và đây đó những dòng suối bất thần tuôn ra từ một vạt rừng khiến người ta phải dừng bước. Động vật ở đây cũng rất phong phú, có những loài đặc hữu chỉ xuất hiện ở Tây Úc.

Thiên nhiên hùng tráng nhưng động vật chốn này thường hiền lành. Do được bảo quản tốt, nạn phá rừng săn bắn bị nghiêm cấm triệt để, nên tới tận bây giờ người ta vẫn dễ dàng bắt gặp từng bầy thú nằm sưởi nắng trên thảm cỏ, hoặc là những bầy nai uống nước bên những dòng suối.

Một thoáng nước Úc - 1

Hồ nước ở Công viên quốc gia Karrjini.

Nhưng điểm thật sự độc đáo của miền Tây Úc có lẽ lại là những ngôi nhà hoang, có khi nó đã bị bỏ quên vài ba trăm năm. Thổ dân châu Úc được coi là chủ nhân đầu tiên của vùng đất này. Họ sống trong rừng, với những cộng đồng nhỏ, nay đây mai đó vì thiên nhiên đã ban cho họ quá nhiều quà tặng, cuộc sống thật bình yên.

Những ngôi nhà đó cho dù hoang phế thì vẫn còn đó dưới những tán cây cổ thụ. Cổ nhân thường chọn làm nhà dưới những gốc cây to mọc bên bờ suối. Những căn nhà còn lại cho thấy họ tổ chức cuộc sống một cách đơn giản, hòa mình với thiên nhiên. Sau này, người ta phục dựng lại những ngôi nhà cổ phục vụ khách du lịch và rất được ưa chuộng.

Một thoáng nước Úc - 2

Một em bé bộ tộc Yolngu.

Cộng đồng 50.000 năm tuổi

Thế giới hiện đại với nhịp sống quá nhanh khiến người ta không kịp suy ngẫm về những điều mang giá trị tinh thần. Và trong dòng chảy ào ạt của văn minh, đôi khi người ta không nhận ra rằng bên cạnh mình vẫn còn có những tộc người vẫn sống cuộc sống của người tiền sử, trong những cánh rừng già hay sa mạc hoang vu. Họ sống mà không cần biết đến nền văn minh công nghiệp, cũng không bon chen giành giật, mà vui với những gì thiên nhiên ban tặng và một nếp sống cộng đồng từ xa xưa để lại.

Tại phía Bắc nước Úc, vùng Arnhem Land có bộ tộc người Yolngu. Theo giới nhân chủng học, thì đây có lẽ là tộc người lâu đời nhất trên trái đất vẫn giữ lối sống hầu như nguyên vẹn từ 50.000 năm trước. Họ được coi là những người bản địa đầu tiên trên lãnh thổ châu Úc, tồn tại cho tới tận ngày hôm nay.

Trước kia, những người Yolngu sống lang thang nay đây mai đó trong những cánh rừng và men theo những dòng sông. Nhưng nay, nhiều người trong số họ đã tụ tập vào một ngôi làng có tên Matamata.

Một thoáng nước Úc - 3

Lễ hội của thổ dân Úc: màu sắc, khỏe khoắn và hết sức sống động.

Theo tài liệu khảo cổ học, thì người Yolngu đã có mặt ở Australia từ 49.800 năm về trước. Sau này, họ cùng chung sống với hàng trăm tộc người khác nhau, với tổng cộng 250 loại ngôn ngữ thổ dân bản địa. Tuy nhiên, tộc người Yolngu chỉ chính thức được ghi nhận vào năm 1770, khi James Cook là người châu Âu đầu tiên đặt chân đến châu Úc.

Trong ghi chép điền dã, nhà thám hiểm này đã mô tả bộ tộc Yolngu với rất nhiều cực khổ, chủ yếu là do bệnh tật và kể cả những vụ thảm sát. Những công bố của Yolngu tuy gây được sự chú ý của một số quốc gia châu Âu lúc bấy giờ, nhưng vì hoàn cảnh không cho phép, nên sự nghiên cứu về bộ tộc này không được tiến hành một cách cơ bản. Rất ít đoàn thám hiểm, giới khoa học tiếp cận được với bộ tộc này, vì thế cuộc sống bên ngoài hầu như không tác động tới người Yolngu.

Cho tới nay, người làng Matamata vẫn giữ niềm tin tuyệt đối rằng Trái Đất ban đầu là một vũng lớn toàn bùn và đất sét. Sau đó, các đấng tổ tiên của họ nổi lên từ lòng đất hoặc xuất hiện từ bầu trời. Các đấng tổ tiên khai sinh ra tất cả mọi thứ, từ sinh vật, con người cho tới trí tuệ, hy vọng và niềm vui. Họ là đấng tối thượng và mọi chỉ dẫn của họ cho con cháu đời sau cần phải được tuân theo.

Người Yolngu rất có tài săn bắn và đánh bắt các loài thủy sản. Khi vào rừng, họ là những tay thợ săn cự phách, nhưng khi ra biển hoặc xuống sông, họ lại trở thành những ngư phủ tuyệt vời. Rùa biển là món ăn khoái khẩu nhất của người Yolngu, họ bắt chúng hàng ngày nhưng rất ý thức rằng không bao giờ bắt rùa nhỏ, trứng rùa cũng tuyệt đối không đụng đến.

Hải mã và bò biển- những loài động vật to lớn, đầy sức mạnh cũng là đối tượng săn bắt của thổ dân. Ngay như loài cá đuối gai độc cũng không là gì đối với thổ dân.

Sống trong rừng, người Yolngu không bao giờ tàn phá rừng, vì họ coi rừng là mái nhà lớn. Rừng cũng cho họ nhiều kinh nghiệm cuộc sống, ví dụ như chỉ cần áp tai vào thân cây, nghe tiếng “ù ù”, lập tức họ biết trên cao có tổ ong mật thơm ngon. Khi đi vào rừng sâu, ngay một đứa trẻ con cũng biết cách đốt một đoạn vỏ cây bạch đàn để xua muỗi độc và rắn rết.

Cuối cùng, cũng không thể không nói tới “giấc mơ tổ tiên” của người Yolngu. Như đã nói, tộc người này hết sức tôn trọng tổ tiên, đó là tín ngưỡng thiêng liêng. Họ luôn tin khi tổ tiên hiện về trong giấc mơ của mình là để mách bảo, răn dạy, chỉ lối. Vì thế, họ thường hành động theo những gì đã thấy trong mơ. Và kỳ lạ thay, nhiều trường hợp điều đó lại đúng trong thực tế.

Giống như những bộ tộc thổ dân Úc, người Yolngu có nhiều lễ hội trong năm, những lễ hội nguyên sơ, nhiều màu sắc và sôi động. Đó là dịp để người ta trải lòng mình, gần nhau hơn và có thêm niềm vui để bước tiếp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một thoáng nước Úc