Nước Ý thuộc về nam Âu, trên hai hòn đảo lớn nhất Địa Trung Hải là Sicilia và Sardegna. Từ trong lịch sử tới nay, nước Ý được coi là một trong những trung tâm văn hóa lớn của châu Âu cũng như toàn thế giới, mà danh tiếng của thời kỳ Phục hưng tới nay vẫn không bị lu mờ.
Trung tâm thủ đô Roma.
1. Người ta vẫn gọi Ý là quốc gia hình chiếc ủng, bởi lẽ nhìn trên bản đồ trông khá giống như vậy. Dãy Alps hùng vĩ ở biên giới phía Bắc tạo thành xương sống của vùng bán đảo này. Thuộc về Địa Trung Hải nhưng khí hậu nước Ý khá đa dạng, nhìn tổng thể là ôn hòa được coi là đẹp nhất châu Âu với nhiều vùng nắng ấm quanh năm ở phía nam.
Người ta cũng chứng kiến sự chênh lệch nhiệt độ khá rõ ràng ở một số nơi trong cùng một thời điểm của năm. Ví dụ: vào mùa đông tại Milano là -2 độ C thì tại Roma là 12 độ C và 18 độ C tại Palermo. Cũng trong thời điểm ấy, vùng đông bắc và chân núi dãy Alps lại có thể có bão tuyết.
Đáng chú ý, dù trong mùa đông giá lạnh (trừ ngày tuyết rơi) thì trong ngày cũng có từ 3-5 giờ hửng nắng. Những tia nắng mùa đông vàng nhạt làm nên một không gian mơ mộng không mấy nơi có được. Nắng lên, người ta có cảm giác như mùa xuân về khi những đàn chim rời tổ tung bay trong bầu trời nắng nhẹ.
Làng chài Manarola.
Tại dãy Alps, ở những nơi độ cao trên 2000 m, ngay trong mùa hè cũng có tuyết rơi, những dòng sông băng cũng xuất hiện, tạo ra một khung cảnh kì vĩ mà lãng mạn.
Dân cư nước Ý phân bố khá đều, ngay cả dưới chân dãy Alps được cho là vùng thổ nhưỡng không thuận lợi thì cũng có khá nhiều người sinh sống. Nếu như từ cuối thế kỉ 18 đến hết thế kỉ 20, người Ý đi nhiều nơi trên thế giới, nhất là sang Mỹ, Úc. Tới nay, Ý lại là “điểm đến” của dòng người nhập cư. Nhất là trong vòng 5 năm qua, người từ Bắc Phi và châu Á đến Ý khá đông.
2. Nước Ý là nước hàng đầu về di sản thế giới: tổng cộng 44 di sản đã được UNESCO công nhận. Điều đó có được là nhờ thành tựu của nhiều trăm năm dồn lại, khi mà nước Ý là một trung tâm văn hóa nghệ thuật- khoa học hàng đầu thế giới. Trong đó có thể kể đến phong trào Phục hưng và chủ nghĩa Baroque.
Những trào lưu đó không chỉ thay đổi nước Ý mà còn mang tính mở đường cho nhân loại trong những thời gian dài. Di sản nghệ thuật từ thời Phục hưng cho tới nay vẫn ngời sáng với những tên tuổi lừng lẫy như Michelangelo, Leonardo da Vinci, Donatello, Botticelli, Fra Angelico, Tintoretto, Caravaggio, Bernini, Titian và Raffaello Sanzio... Nước Ý cũng là quê hương của những triết gia nổi tiếng như Giordano Bruno, Marsilio Ficino, Niccolo Machiavelli, Giambattista Vico. Về sáng tác văn học, Ý cũng có những nhà văn, nhà viết kịch đoạt giải Nobel như Giosue Carducci, Grazia Deledda, Luigi Pirandello, Salvatore Quasimodo, Eugenio Montale...
Venice- thành phố lãng mạn nhất nước Ý.
Trong số những nhà khoa học mà danh tiếng không phai mờ theo thời gian, người ta biết đến Galileo Galile- người được coi là “dẫn đường cho nhân loại tới cách mạng khoa học”. Tiếp đó, nhà vật lý Enrico Fermi- một trong những người cha của lý thuyết lượng tử. Guglielmo Marconi, phát minh ra radio. Antonio Meucci phát minh điện thoại. Hiện đã có tới 13 người Ý nhận giải Nobel khoa học, đó là con số đáng nể với bất cứ quốc gia nào.
Trong lĩnh vực âm nhạc, Ý cũng được coi là cường quốc. Đây là quê hương của Opera, và cũng là nơi thiết lập nền tảng cho âm nhạc cổ điển với những tên tuổi lừng lẫy như Giovanni Pierluigi da Palestrina và Claudio Monteverdi, Arcangelo Corelli và Antonio Vivaldi, Paganini, Rossini, Verdi, Puccini... Nước Ý cũng là một cường quốc thể thao.
Đặc biệt, bóng đá Ý luôn giành thứ hạng cao trong bản đồ bóng đá thế giới. Các câu lạc bộ bóng đá Ý không chỉ hút các cầu thủ tài năng từ nước ngoài, mà cũng còn là nơi xuất khẩu những chân sút siêu hạng, những huấn luyện viên đẳng cấp, những trọng tài “có một không hai”.
Ý cũng là một trong những trung tâm thời trang thế giới. Milano- thành phố hầu như không ngủ với trai thanh gái lịch, những chiếc xe đời mới siêu hạng, những bộ cánh lộng lẫy và hiện đại.
3. Nhưng, người ta nói rằng, nếu đến Ý mà không đến Venice thì là một sai lầm không thể sửa chữa. Venice được mệnh danh là “Thành phố của nước”, thành phố lãng mạn nhất thế giới. Trong lòng thành phố, những con kênh nước trong uốn lượn. Những ngôi nhà như mọc lên từ nước.
Lễ hội hóa trang.
Những tòa nhà dọc hai bên bờ kênh Grand khiến người ta có cảm giác như lạc vào vùng cổ tích. Venice nằm trên 118 hòn đảo trong một vịnh kéo dài 60 km, rộng 4 km, chúng được nối với đất liền bằng những công trình kiến trúc độc đáo. Tại đây, vẫn còn đó những kiến trúc từ thời Phục hưng. Venice nổi tiếng với nhà thờ Đức bà Santa Maria della Salute, được xây dựng từ năm 1634 sau 48 năm mới hoàn thành. Giữa thành phố có quảng trường San Marco và Tiểu quảng trường Piazzeta tạo nên “không gian nghỉ” tuyệt vời.
Không thật chính xác, nhưng Venice có khoảng 200 kênh và 400 cầu. Đây là thành phố có nhiều cầu nhất thế giới, và cũng chính vì thế người ta coi Venice là một kỳ quan trên nước.
Cuối cùng, nói tới nước Ý là nói tới câu chuyện tình lãng mạn nhất thế giới” mối tình của chàng Romeo và nàng Juliet. Hiện nay, tại thành phố Verona, vẫn còn đó ngôi nhà của nàng Juliet- biểu tượng cho tình yêu vĩnh cửu. Nó được xây dựng từ thế kỷ 12, vốn thuộc về gia đình Capello.
Bức tượng nàng Juliet.
Năm 1667, được bán cho gia đình Rissardi và những người chủ sở hữu mới đã biến ngôi nhà trở thành một khách sạn. Đây là nơi mà các du khách dừng chân để ở lại qua đêm và những người chủ sở hữu của ngôi nhà đã kể với họ về nhân vật của Shakespeare từng sống tại đây.
Năm 1907, nó được đem bán đấu giá và được chính quyền thành phố mua lại. Sau đó, chính quyền thành phố Verona đã quyết định thành lập nên một bảo tàng. Được cho là nơi chứng kiến câu chuyện tình lãng mạn giữa chàng Romeo với nàng Juliet, ngôi nhà là một điểm nhấn quan trọng của nước Ý- điều lãng mạn hiển hiện ngay trong cuộc sống đời thường.