Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đội ngũ phóng viên của các cơ quan báo chí Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam và Báo Quân giải phóng Miền Nam Việt Nam, được hình thành từ nhiều nguồn. Đó là những học sinh, sinh viên, trí thức có tinh thần yêu nước, căm thù chế độ Mỹ - ngụy, tự nguyện, tích cực tham gia phong trào đấu tranh cách mạng trong các cơ sở tổ chức quần chúng bí mật, được tổ chức tuyển chọn đưa lên vùng giải phóng hoạt động, làm việc trong các cơ quan tuyên truyền,
Người ở bên trái là tác giả và người bên phải là Nghiêm Sỹ Thái -
phóng viên thông tấn xã giải phóng , tại bảo tàng Huế, tết Mậu Thân 1968.
Họ có khả năng viết văn, viết báo, lại có thực tiễn từ cuộc đấu tranh của học sinh, sinh viên của đồng bào đối với chế độ Mỹ - ngụy, nên được lựa chọn làm báo. Đó là những phóng viên từ các Báo Nhân Dân, báo Quân đội nhân dân, báo Cứu Quốc, báo Tiền Phong, TTX Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam,.. ở miền Bắc, được đào tạo cơ bản về chính trị, lý luận, nghề nghiệp báo chí, có kinh nghiệm… được lựa chọn về tập trung tại Ban Thống nhất Trung ương. Học tập tình hình nhiệm vụ cách mạng giải phóng miền Nam, rèn luyện hành quân mang vác đường dài, học tập những kỹ thuật quân sự cơ bản… đi B (đi Nam) bổ sung cho các báo ở miền Nam.
Đó là những cán bộ, chiến sĩ có trình độ văn hóa nhất định, công tác ở các cơ quan chính trị, tuyên huấn trong các đơn vị lực lượng vũ trang; là những cán bộ ở trong các cơ quan Dân - Chính - Đảng có chút ít năng khiếu viết văn, viết báo và thích làm báo. Họ được đơn vị, cơ quan cấp trên lựa chọn rút lên bổ sung cho các cơ quan báo chí. Tôi trở thành phóng viên chiến trường từ nguồn này.
Trước khi trở thành phóng viên chiến trường, tôi được huấn luyện chiến sĩ trinh sát bộ binh tại đơn vị Lữ đoàn 338 đi chiến đấu ở chiến trường B (chiến trường miền Nam). Là một giáo viên văn hóa, nay được chọn huấn luyện chiến sĩ trinh sát bộ binh, tôi hết sức phấn khởi. Niềm vui đó là động lực thôi thúc tôi suốt cả quá trình huấn luyện đi B và mong sớm được hành quân vào Nam chiến đấu.
Nhưng khi đến vị trí giao quân cho chiến trường tại Tây Thừa Thiên, tôi được phân công về nhận công tác tại cơ quan chính trị Quân giải phóng Trị-Thiên với nhiệm vụ làm báo. Thật là một bất ngờ và hẫng hụt đối với tôi. Bất ngờ, bởi tôi chưa bao giờ làm báo, viết báo và cũng chưa bao giờ nghĩ đến nghề báo. Huấn luyện chiến sĩ trinh sát bộ binh vào chiến trường là để chiến đấu ở mặt trận, ai ngờ lại làm nhiệm vụ "ở phía sau" - nguyện vọng và quyết tâm của tôi bị đảo lộn. Nhưng ở chiến trường, người chiến sĩ khi được phân công nhiệm vụ chỉ có việc chấp hành. Và điều trước tiên, là phải tìm hiểu nhiệm vụ một cách thấu đáo, tìm mọi giải pháp khả thi để thực hiện nhiệm vụ một cách tốt nhất.
Sau mấy ngày hành quân, vừa đặt ba lô xuống cơ quan là tôi tìm hiểu ngay công việc làm báo ở đây. Tại đây, các anh làm báo Quân giải phóng Trị-Thiên cũng đều là cán bộ tuyên huấn kiêm nhiệm viết báo, làm báo, chứ không có ai là phóng viên chuyên nghiệp được đào tạo bài bản. Tôi cầm chồng báo lưu ra xem từng tờ. Báo xuất bản một tháng một kỳ, có khi có sự kiện đặc biệt hay ngày lễ lớn của đất nước thì ra số đặc biệt. Báo xuất bản khổ 42cm x 24cm…; in đen trắng. Qua những lần trao đổi với các anh, được các anh khuyên bảo chân tình, ngắn gọn: Cứ xem bài trên báo mà học, mà viết, viết nhiều, đi nhiều, chịu khó bám sát đơn vị, tích luỹ tư liệu rồi quen dần, cố gắng lên, đừng lo. Các anh lúc đầu cũng i - tờ như chú mà thôi.
Bắt tay vào công việc điều khó khăn hơn nhất đối với tôi là nghiệp vụ báo chí viết tin, viết về gương chiến đấu, phản ánh cuộc sống của bộ đội, của đồng bào… như thế nào. Thật là mới mẻ, đầy khó khăn.
Tưởng làm báo ở chiến trường, chỉ có việc đi đơn vị, lấy tin, tìm hiểu tình hình để viết bài đăng báo. Nhưng không đơn giản như vậy. Việc trước tiên, dù là cán bộ hay phóng viên, đã ở chiến trường, đều là phải tham gia tăng gia sản xuất để đạt một chỉ tiêu lương thực nhất định. Phải làm rẫy, trỉa lúa, trồng sắn, trồng ngô… rồi phải làm nhà để ở. Hằng tháng hay vài tháng một lần, đi lấy gạo ở các binh trạm thuộc Đoàn 559, hoặc phải xuống vùng giáp ranh mang gạo mua từ đồng bằng lên. Những chuyến đi như vậy phải mất 4, 5 ngày đường rừng, mỗi người phải mang 20, 30kg gạo. Những công việc này rất vất vả, tốn nhiều thời gian và có khi thương vong rất lớn, bởi bom tọa độ của máy bay Mỹ hay gặp địch phục kích. Có lúc phải đói cơm lạt muối hàng tháng trời, do mưa lũ kéo dài tắc đường không lên binh trạm Đoàn 559 được hoặc do địch còn quét ở giáp ranh, đồng bằng không mua gạo và xuống lấy gạo được. Lại còn bị bệnh sốt rét hoành hành, mà nguy hiểm nhất là sốt rét ác tính.
Một công việc tốn nhiều công sức và thời gian làm báo của phóng viên chiến trường là làm nhà và đào hầm cho mình ở. Công việc này rất vất vả, nặng nhọc và mới lạ với rất nhiều phóng viên, nhất là ở miền Bắc vào hay ở đồng bằng, đô thị lên. Những công việc trên tuy vất vả, nặng nhọc, mất nhiều thời gian, công sức, nhưng đây là một việc bắt buộc để "an cư", có khả năng tránh được bom, pháo của địch; mà ở chiến trường, thì việc di chuyển cơ quan, di chuyển toà soạn là việc cần thiết, vừa giữ bí mật, vừa thuận tiện cho công tác. Nhưng đây lại là "công việc phụ".
Còn nhiệm vụ chính của phóng viên là đi đơn vị, theo sát đơn vị, có mặt ở những trận đánh, ở chỗ nóng bỏng nhất của cuộc đấu tranh chính trị của đồng bào ở đồng bằng, để lấy tin, gặp nhân chứng, chứng kiến sự kiện…rồi viết bài, đăng báo. Viết bài xong, bài được đăng báo, nhưng rất ít có điều kiện để trao đổi rút kinh nghiệm, bởi ở chiến trường người ít, mỗi người phải kiêm nhiều việc, dành thời gian cho đi cơ sở hoặc tăng gia sản xuất ở rẫy, nên rất ít khi gặp nhau đông đủ tòa soạn.
Phương tiện duy nhất của phóng viên ở chiến trường là cây bút (chủ yếu là bút bi) và cuốn sổ tay. Có những lúc bút cũng không có. Còn phóng viên ảnh, chỉ có một máy ảnh loại trung bình, phụ kiện rất hạn chế, phim thiếu, nhiều lúc bỏ lỡ những khoảnh khắc sự kiện rất quí giá diễn ra ở chiến trường. Điều kiện làm việc thì thật khó khăn, phải tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, không quản ngày đêm, mưa nắng để gặp gỡ nhân chứng, tìm hiểu chiến công của họ. Có lúc, phải chạy theo đơn vị di chuyển địa điểm, di chuyển phương án tác chiến. Gặp khi nhân chứng bị thương phải tìm đến đội phẫu hay trạm xá dã chiến để tìm hiểu…
Một khó khăn nữa là, bài viết xong rồi, làm sao gửi về Toà soạn nhanh nhất, sớm nhất, trong lúc quân bưu, giao liên không có mặt, không có trạm ở nơi diễn ra trận đánh. Cách tốt nhất vẫn là phóng viên tự mang bài về Toà soạn kịp đăng báo và vì báo ra hằng tháng phương tiện vận chuyển, phát hành khó khăn nên tác dụng của báo hạn chế. Để bài báo đến kịp thời đông đảo với bạn đọc, Toà soạn báo chuyển cho cơ quan TTX quân sự hay TTX Giải phóng. Cơ quan Thông tấn xã ở miền Nam đánh điện tín ra TTX Việt Nam. TTX Việt Nam nhận, chuyển cho báo Nhân Dân, báo QĐND và Đài Tiếng nói Việt Nam. Một số bài viết của tôi được Đài Tiếng nói Việt Nam phát, đăng ở báo Nhân Dân và báo Quân đội nhân dân… cũng theo con đường này. Nhưng không phải bài nào cũng được như vậy, mà chỉ có những bài viết có ý nghĩa quan trọng của một quân khu, hay của một chiến dịch, một trận đánh lớn mà thôi.
Viết được một bài báo, lấy được một tin ở chiến trường phải vượt qua biết bao gian khổ, khó khăn, có lúc phải đổ máu, nhưng hiệu quả của báo rất bị hạn chế, bởi nhiều lý do: phương tiện làm báo, truyền tin rất khó khăn, hạn chế, giao liên thì chậm trễ, lại bị tắc đường do mưa lũ, do địch phục kích, ném bom. Và điều quan trọng nữa là, Báo hoặc Bản tin ở cấp Tỉnh, Quân khu hay Trung ương ra hàng tháng, số lượng phát hành rất hạn chế, chủ yếu là các cơ quan, đơn vị bộ đội và một số ở vùng giải phóng.
Còn phóng viên ảnh, sau này có phóng viên quay phim nữa, thì khó khăn vất vả và nguy hiểm hơn nhiều. Vì họ phải theo sát bộ đội ở những mũi chủ công của trận đánh. Khi tác nghiệp, phải chọn vị trí có lợi, thích hợp, mà những vị trí đó thường trống trải, dễ lộ bí mật là mục tiêu của đối phương. Còn chụp ảnh đêm, thì ánh đèn máy ảnh loé sáng, kẻ địch rất dễ phát hiện… Chụp ảnh xong, phải cấp tốc băng đèo, lội suối, vượt đường rừng luồn đường tránh bọn biệt kích, thám báo phục kích… Có lúc phải đi hai, ba ngày mới về đến Toà soạn để làm các công việc hậu kỳ. Ảnh phải đóng gói thật kỹ để tránh mưa, tránh nước thấm vào. Chờ đến kỳ giao liên ra Bắc mới gửi được. Thật vất vả gian nan, khó khăn và chậm trễ trăm bề.
"Nhà báo" chiến trường không chỉ có việc làm báo, mà có khi còn là nhân viên nhà in, giao liên, phát hành báo. Có thể nói một cách tóm tắt công việc làm báo của phóng viên ở chiến trường như sau: Đi đơn vị lấy tin tức, thu thập tư liệu; về Toà soạn viết bài (cũng có những lúc viết bài ngay từ đơn vị, kết thúc trận đánh gửi về Toà soạn nhưng rất ít khi xảy ra). Sau khi viết bài xong, được thủ trưởng thông qua, duyệt nội dung và cách trình bày, phóng viên mang toàn bộ số báo đó đến nhà in cách Toà soạn chừng một ngày đường rừng. Nói là nhà in nhưng máy móc lạc hậu. Máy ru - lô, đẩy tay, lăn mặt trên mặt chữ sắp ti-pô. Nhà in chỉ có 5,6 người. Những lúc mùa làm rẫy, hay đi lấy gạo, thì nhà in chỉ còn 3, 4 người. Do đó, phóng viên phải làm nhiệm vụ lăn mực, đẩy máy, chữa mo- rát. Báo in xong phần lớn hầu hết chuyển cho các đơn vị theo đường quân bưu, giao liên. Số còn lại khoảng 40, 50 tờ, phóng viên cho vào ba lô trên đường đi công tác phát đến các đơn vị. Ở chiến trường, nhất là các đơn vị chiến đấu ở giáp ranh hay các đội biệt động, các đội công tác xây dựng cơ sở mỗi khi nhận được báo, mọi người chuyền nhau đọc, không khí đơn vị vui hẳn lên. Báo chí thực sự là món ăn tinh thần của bộ đội.
Bài viết "Huế, bão đã nổi lên rồi!" của nhà báo Phong Hải,
đăng ở Báo QĐND số 2413, ngày 13/2/1968. (Ảnh: baochi.nlv.gov.vn).
Ở chiến trường gian khổ, ác liệt. Đặc biệt ở chiến trường Trị- Thiên nơi quân Mỹ đóng chốt ở đường 9 - Khe Sanh, thì sự ác liệt càng bội phần. Điều đó, đòi hỏi phóng viên chiến trường phải có lòng dũng cảm, sẵn sàng vượt qua mọi ác liệt, hy sinh. Nếu không có yếu tố đó, thì phóng viên ở chiến trường sẽ có nhiều lý do để ở lại hậu cứ hoặc có đi đơn vị thì cũng tìm cho mình một nơi an toàn nhất. Có lòng dũng cảm, tinh thần vượt mọi ác liệt là rất cần nhưng vẫn chưa đủ. Để bám sát đơn vị, cùng hành quân với đơn vị, người phóng viên ở chiến trường cần phải trang bị cho mình những kiến thức cơ bản tối thiểu về quân sự, như: lăn, lê, bò, toài, vượt sông an toàn, nấu ăn không khói, đào hầm cá nhân khi đến nơi tập kết, trú quân…, phải biết bắn súng, ném lựu đạn, phải biết xử lý tình huống khi bị địch phục kích; phải tuyệt đối chấp hành kỷ luật chiến trường, phải biết kỹ thuật chiến đấu tự bảo vệ mình khi cần thiết. Có như vậy, khi đi với bộ đội khỏi "vướng" bộ đội. Và cũng làm cho mình an tâm, có niềm tin với bản thân mình, bộ đội, đơn vị cũng tin phóng viên. Càng về sau, tôi càng thấm thía lời nói của Bác Hồ "Nhà báo cũng là chiến sĩ" cả về nghĩa đen và nghĩa bóng.
Luôn bám sát cơ sở, có mặt ở các chiến dịch, các trận đánh lớn, ở nơi nóng bỏng nhất của cuộc đấu tranh chính trị của đồng bào là vinh dự, là hạnh phúc của người phóng viên ở chiến trường.
Tôi rất may mắn và vinh dự được có mặt ở những chiến dịch, ở những trận đánh lớn của quân - dân chiến trường Trị - Thiên. Đó là chiến dịch Tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Tôi đi cùng với Sở chỉ huy Trung đoàn 6 -Trung đoàn Phú Xuân anh hùng, đánh vào Thành nội Huế. Đêm 30/1/1968, tôi đã có mặt ở Cửa Chánh Tây, sáng 1/2/1968, tôi cùng anh Nghiêm Sĩ Thái, phóng viên ảnh TTX giải phóng Trị Thiên có mặt tại Đại nội. Ở đây cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt, tôi gặp gỡ một số chiến sĩ ở mũi chủ công, biệt động và nhân dân lấy được nhiều tư liệu về cuộc tiến công và nổi dậy của quân - dân ở Đại nội Huế. Ba ngày sau, tôi theo đường liên lạc lên Sở chỉ huy tiền phương, viết bài và được TTX quân sự chuyển cho TTX Việt Nam. Sau đó bài viết "Huế, bão đã nổi lên rồi!", đăng ở Báo QĐND số 2413, ngày 13/2/1968. Cũng bài này Báo Nhân Dân đặt tít "Thành phố Huế - đêm lịch sử" số 5055, ngày 13/2/1968. Cả 2 bài trên với danh nghĩa tường thuật của phóng viên TTX Giải phóng về trận chiến đấu đêm 30 và ngày 31/1/1968.
Đầu tháng 2/1969, quân Mỹ mở cuộc càn quét với cái tên "Đồi thịt băm" (Hamburger Hill) đổ quân xuống vùng rừng núi A Sầu miền Tây Thừa Thiên, nhằm tiêu diệt chủ lực của ta ở đây và ngăn chặn đường chi viện của Đoàn 559. Nhận rõ tầm quan trọng của cuộc càn quét này, tôi được Cục chính trị Quân khu cử đi tham gia chiến dịch.
"Đồi thịt băm" - cái tên mới nghe cũng gợi cho ta một sự khốc liệt, khủng khiếp đến nhường nào! Thấy tôi xuống cùng tổ quay phim 2 người, đồng chí Chỉ huy trưởng niềm nở đón tiếp và nói: "Trận này ác liệt đấy! Nhà báo phải hết sức cẩn trọng. Quay phim lại càng phải hết sức giữ bí mật. Nếu lộ, các đồng chí và bộ đội sẽ lĩnh đủ thứ!".
Sau khi nghe kế hoạch tác chiến, tôi xin phép được đi cùng với một phân đội đặc công đánh vào một vị trí chủ yếu của địch trên đỉnh Cô-ca-va. Tôi đi cùng đồng chí chính trị viên phó phân đội lo công tác chính sách thu dụng thương binh và chôn cất tử sĩ. Trên đường đến vị trí tập kết, dưới ánh sáng lờ mờ, tôi nhìn rõ 5 cái huyệt đã được đơn vị đào sẵn, mùi đất bốc lên tinh nguyên. Tôi ghé tai vào đồng chí chính trị viên phó phân đội, thì thầm: "Mong rằng, trận đánh đêm nay, không có ai ở lại 5 cái huyệt này!".
Trận đánh diễn ra theo kế hoạch và thắng lợi giòn giã. Hai ngày sau, tôi vội vàng trở về Toà soạn viết bài: "Mùa xuân trên đỉnh Cô-ca-và" và được TTX Quân sự quân khu truyền ra TTX Việt Nam. Sau đó, báo QĐND đặt lại tên bài "Chiến thắng Cô-cả-và - một trận tiêu diệt xuất sắc", đăng báo số 2789, ngày 26/2/1969.
Những bài viết của phóng viên ở chiến trường được đăng ở báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân và được Đài Tiếng nói Việt Nam phát trên sóng là một niềm động viên cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân ở chiến trường. Và đối với tôi, phóng viên chiến trường, đó là niềm vui nhất, phần thưởng lớn nhất.
Tôi xin kết thúc bài phát biểu của mình, bằng mẩu chuyện mà tôi cũng không ngờ tới. Như các bạn biết, báo xuất bản ở chiến trường, số lượng ít, đến tay người đọc rất hạn chế, các cơ quan lưu trữ thì hình như không có. Nhưng ở một trường hợp nào đó về sau, xét về hiệu quả, tác dụng thì rất đáng chú ý:
Cách đây 4 năm, có một cháu gái làm việc ở cơ quan MIA Việt Nam, đến nhà tôi hỏi: "Có phải chú là Phong Hải không?". Tôi ngạc nhiên: "Sao cháu biết". Cháu trả lời "Bố cháu nói: chú Phan Khắc Khải chính là tên Phong Hải, làm ở báo QGP Trị -Thiên 7 năm ở chiến trường". Thế là cháu đưa cho tôi một mẩu giấy ghi rõ: "Ngày 10/12/1970, báo QGP - cơ quan của lực lượng vũ trang giải phóng Trị -Thiên - Huế, trong "Lá thư từ rừng núi Hương Trà: Chiến công gửi đồng bằng", tác giả Trần B. miêu tả một vụ mà lính Mỹ bị bắn trong khi đu từ máy bay trực thăng trong lần cố rút ra từ huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế"
Tôi thực sự ngạc nhiên, một bài báo đăng ở báo QGP Trị - Thiên- Huế, ngày 10/12/1970, lại là một bằng chứng để cơ quan MIA lần tìm dấu vết mất tích của binh nhất Ronald I.Schultz là chuyên viên y sĩ chiến đấu ở thung lũng A Sầu, bám càng trực thăng rút chạy ngày 21/7/1970.
Một lần nữa, chúng ta càng thấy hiệu quả, tác dụng của những bài báo phóng viên viết ở chiến trường.
Điều đó, một lần nữa nhắc nhở chúng ta rằng: ngày nay, các nhà báo của chúng ta viết bài, phản ánh tin nhanh, kịp thời, chính xác với những phương tiện làm báo hiện tại, nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin truyền thông, lại càng phải chia sẻ, trân trọng công việc làm báo ở chiến trường của những Nhà báo - Chiến sĩ trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, để làm dày thêm, rạng rỡ thêm truyền thống của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.