Nội dung giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh trong năm qua đã tập trung vào những vấn đề dân sinh như: Quản lý, sử dụng các khoản thu thỏa thuận và tự nguyện của nhà trường trên địa bàn huyện, chi trả chế độ phụ cấp cho các tổ chức đoàn thể cấp xã, giám sát các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm cung cấp ra thị trường, quy định chế độ BHXH, BHYT cho người lao động…
Giám sát mô hình nuôi cá lồng của HTX chăn nuôi thủy sản Trường Mạnh, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh).
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thuận Thành Nguyễn Thị Sơn khẳng định: công tác giám sát được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và Uỷ ban MTTQ các xã,thị trấn chú trọng triển khai thực hiện. Năm qua, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên trong huyện đã giám sát được 71 cuộc, trong đó MTTQ huyện chủ trì được 7 cuộc, phối hợp với HĐND huyện giám sát được 6 cuộc. MTTQ xã chủ trì giám sát được 23 cuộc. Đoàn thể nhân dân cấp huyện, xã được 35 cuộc.
Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề mà nhân dân quan tâm như: Giám sát việc quản lý, sử dụng các khoản thu thỏa thuận và tự nguyện của các nhà trường trên địa bàn huyện, giám sát việc chi trả chế độ phụ cấp cho các tổ chức đoàn thể cấp xã, giám sát các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm cung cấp ra thị trường,những quy định về chế độ chính sách đối với người lao động về thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Thực hiện Luật Lao động, Luật Công đoàn. Đặc biệt là thu kinh phí Công đoàn ở các doanh nghiệp,các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm và một số phòng khám tư nhân trên địa bàn huyện.
Đáng chú ý, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã chỉ đạo hướng dẫn nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và nhiệm vụ giám sát đầu tư của cộng đồng. Năm 2018 tổng số công trình được đầu tư trên địa bàn huyện là 81 công trình có sử dụng nguồn vốn của Nhà nước, của cộng đồng và nguồn tài trợ trực tiếp của tổ chức, cá nhân cho xã và cộng đồng dân cư. Số công trình được giám sát là 70. Qua giám sát phát hiện được 1 công trình có dấu hiệu vi phạm, các Ban giám sát đã tiến hành làm thủ tục kiến nghị cơ quan nhà nước xem xét để giải quyết.
Theo bà Nguyễn Thị Sơn, để nâng cao chất lượng công tác giám sát, hàng năm Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện thường xuyên chỉ đạo kiện toàn cho 100% Ban Thanh tra nhân dân các xã, thị trấn. Đến nay, toàn huyện đã có 18/18 Ban Thanh tra nhân dân đảm nhiệm chức năng giám sát đầu tư cộng đồng với tổng số 156 thành viên. Để tạo thuận lợi cho các Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, cấp uỷ, chính quyền các xã, thị trấn đã chỉ đạo thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện công khai, minh bạch trong các công việc liên quan đến cộng đồng, nhất là việc xây dựng các dự án, đề án đầu tư các công trình công cộng.
Thông qua hoạt động giám sát đã phát hiện nhiều thiếu sót, nhất là sai phạm trong quá trình lập thủ tục đầu tư thi công công trình, vi phạm về tiến độ đầu tư, về quy trình, quy phạm kỹ thuật, chủng loại vật tư gây thất thoát tài sản của Nhà nước và nhân dân đóng góp. Phản ánh kịp thời với đơn vị thi công và chủ đầu tư để khắc phục sửa chữa, bảo đảm tiến độ, tránh lãng phí, thất thoát, đem lại niềm tin cho nhân dân và đặc biệt là tránh được tình trạng “cha chung không ai khóc” của các công trình công cộng.
Có thể thấy, một số ban hoạt động có hiệu quả nổi bật như Ban Thanh tra nhân dân và Giám sát đầu tư cộng đồng thị trấn Hồ, các xã Song Hồ, Nguyệt Đức, Nghĩa Đạo… đã giám sát nhiều công trình như đường bê tông thôn Đạo Tú, Chương Xá (xã Song Hồ), đường bê tông các thôn Đạo Xá, Nhiễm Dương (xã Nghĩa Đạo), Trạm Y tế xã, đường giao thông nông thôn (xã Nguyệt Đức)… được Uỷ ban MTTQ huyện tặng giấy khen. Từ năm 2014 đến nay, Ban Thanh tra nhân dân huyện Thuận Thành đã tham gia giám sát và giải quyết được hơn 600 đơn thư tố cáo, kiến nghị của nhân dân với những nội dung chủ yếu liên quan đến đất đai, tài chính và hàng trăm dự án đầu tư trên địa bàn huyện.
Từ cơ sở, với những cách làm hay, sáng tạo, ông Nguyễn Văn Phiu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Trí Quả, huyện Thuận Thành chia sẻ, ông đã cùng cán bộ trong Ban Công tác Mặt trận từ xã đến thôn đổi mới phương pháp tuyên truyền vận động với phương châm: gần dân, sát dân, hiểu nhân dân để chuyển kịp thời chuyển tải ý kiến của nhân dân đến các cấp chính quyền đồng thời giám sát chặt chẽ những kiến nghị đã chuyển đi để kịp thời thông báo với nhân dân.
“Không những vậy, cán bộ trong Ban Công tác Mặt trận từ thôn đến xã còn tổ chức giao ban định kỳ hàng tháng để báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ đồng thông báo rộng rãi trên hệ thống thông tin của xã để nhân dân nắm được, hiểu được”- ông Phiu cho biết.