Kinh tế

Mua bán hóa đơn bất hợp pháp: Cần xử lý nghiêm tội phạm kinh tế

Hồ Hương 21/06/2024 08:38

Mua bán hóa đơn là hành vi trái pháp luật, không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh. Không chỉ công khai mua bán hóa đơn trái phép trên mạng, các đối tượng còn sử dụng nhiều chiêu thức đối phó với cơ quan thuế.

anh-chinh.jpg
Công an tỉnh Thừa Thiên Huế khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng có hành vi mua bán hóa đơn trái phép. Nguồn: TN.

Xuất hoá đơn khống để trục lợi

Ngày 23/4, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu và môi trường (PC03) Công an tỉnh Thái Bình ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, thi hành lệnh khám xét nơi ở và nơi làm việc; đồng thời áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 2 nữ giám đốc trú tại TP Thái Bình về tội "mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước".

Đây là kết quả điều tra mở rộng vụ án "nhận hối lộ" xảy ra tại Chi cục Đăng kiểm số 11 (thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam) có địa chỉ trụ sở tại số 16 đường Trần Phú, TP Thái Bình.

Trong khi đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 10 (TPHCM) cũng đã khởi tố thêm 11 bị can là giám đốc, kế toán các công ty liên quan đến một đường dây mua bán trái phép hóa đơn. Trước đó, đầu năm 2024, Công an quận 10 cũng đã triệt phá đường dây mua bán trái phép hóa đơn, bắt tạm giam 5 bị can. Nhóm đối tượng phạm tội đã thành lập, quản lý, điều hành 26 công ty "ma" trên địa bàn TPHCM nhằm mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT), thu lời bất chính. Từ năm 2020 đến thời điểm bị bắt, thông qua công ty "ma”, nhóm đối tượng đã xuất trên 12.000 hóa đơn GTGT cho hàng trăm doanh nghiệp (DN), với tổng trị giá ghi khống hơn 2.500 tỷ đồng.

Theo quy định pháp quy hiện hành, hóa đơn GTGT là loại hóa đơn, chứng từ quan trọng nhằm ghi nhận các thông tin hàng hóa, dịch vụ đã cung ứng cho bên mua theo quy định pháp luật. Hóa đơn VAT cũng là căn cứ để xác định số tiền thuế GTGT DN phải nộp, giúp Nhà nước giám sát việc thực hiện nghĩa vụ về thuế của DN. Tuy nhiên, hiện nay, với mục đích để được khấu trừ thuế VAT đầu vào, giảm nghĩa vụ thuế, hợp thức hóa cho hàng hóa trôi nổi, nhiều DN đã có hành vi mua bán hóa đơn.

Có cầu thì mới có cung

Nói về tình trạng gian lận trong mua bán hóa đơn, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, có cầu thì mới có cung. Chính vì vậy, để “cắt cầu” những đối tượng bán hóa đơn bất hợp pháp, chính DN và người dân đóng vai trò then chốt, bởi hành vi mua bán hóa đơn là xuất phát từ hai phía. DN và người dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc kiểm soát quá trình mua hàng. Theo đó, mua hàng là phải lấy hóa đơn và chỉ nhận hóa đơn của đúng đơn vị đã bán hàng. DN cũng cần đề cao cảnh giác, cẩn thận trong việc giao dịch, phải thường xuyên cập nhật danh sách, những DN bị cảnh báo rủi ro về hóa đơn. Bởi lẽ khi bị dính dáng đến những DN này thì cơ quan Thuế sẽ thực hiện rà soát, thanh kiểm tra toàn bộ những DN có liên quan. Như thế sẽ gây ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Tìm hiểu thông tin phóng viên còn được biết hiện nay có tình trạng DN, hộ kinh doanh thực tế có hoá đơn đầu ra ít hơn hoá đơn đầu vào như bán lẻ, kinh doanh ăn uống, xăng dầu, cơ sở dịch vụ như khách sạn, nhà nghỉ… Nhu cầu mua bán hóa đơn khống theo yêu cầu không hợp pháp của khách hàng cũng rất lớn.

Tổng cục Thuế cho biết, đối tượng mua, sử dụng hóa đơn không hợp pháp hiện cũng rất nhiều. Đó là các DN, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn không hợp pháp để kê khai thuế VAT đầu vào, hoàn thuế VAT nhằm chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước; hợp pháp hóa các khoản chi phí không có hoá đơn, chứng từ, các khoản chi khống làm giảm thuế TNDN, thuế TNCN và các loại thuế khác; hợp thức hóa các hàng hóa, dịch vụ không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hợp pháp hoá hàng nhập lậu, gian lận thương mại; hàng hóa khai thác trái phép,… hoặc sử dụng cho mục đích khác. Một số đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hợp thức hóa các khoản chi.

Để mua bán hóa đơn bất hợp pháp, các đối tượng công khai hoặc lập các hội, nhóm kín trên mạng xã hội để thông tin và giao dịch. Trực tiếp giao dịch hoặc thông qua những đối tượng trung gian. Việc mua bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn sẽ không phản ánh đúng bản chất của nền kinh tế, mất công bằng trong kinh doanh, thất thu thuế, tiếp tay cho buôn lậu, trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT.

Mạnh tay với việc sử dụng hóa đơn điện tử trốn thuế

Thực hiện các quy định pháp luật về thuế, Tổng cục Thuế có văn bản yêu cầu Cục Thuế địa phương rà soát danh sách DN bỏ địa chỉ kinh doanh được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế, đồng thời hệ thống hóa đơn điện tử của cơ quan thuế sẽ tự động chặn xuất hóa đơn của các DN này.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, theo quy định hiện hành, khi DN xuất hóa đơn thì cơ quan thuế tiến hành xác minh và cấp mã, do đó hóa đơn đó phải được coi là hợp lệ và DN phải được hoàn thuế GTGT. Vì vậy, cơ quan thuế cần có giải pháp phù hợp để phát hiện kịp thời những DN "ma", bỏ trốn, bị đóng mã số thuế. Đối với các DN kinh doanh có hợp đồng đầy đủ, thực tế có mua hàng, có thanh toán và hóa đơn đã được xuất hợp lệ, thì không nên yêu cầu DN mua hàng phải giải trình làm rõ việc sử dụng hóa đơn đó để được khấu trừ hoàn thuế GTGT.

Đại diện Chi cục Thuế TP Thủ Dầu Một (Cục Thuế tỉnh Bình Dương) cho biết, trong quá trình theo dõi công tác quản lý đăng ký DN và đăng ký thuế phát hiện có những DN thành lập không nhằm mục đích kinh doanh mà chỉ với mục đích bán hóa đơn nhằm trục lợi, chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Các DN đó thường có những dấu hiệu như giả mạo hồ sơ đăng ký, không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, thay đổi thông tin đăng ký thuế làm thay đổi cơ quan Thuế quản lý trực tiếp…

Bà Hà Thái Hạnh - Phó trưởng Phòng Tuyên truyền - hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế TPHCM) thông tin thêm, các DN này thường không có tài sản cố định, thuê một địa điểm làm văn phòng cho nhiều công ty, chỉ treo bảng hiệu nhưng không hoạt động, sử dụng giấy tờ, chữ ký giả để thực hiện tất cả mọi giao dịch, bán hóa đơn cho các đối tượng là DN, tổ chức cần hợp thức chi phí đầu vào đối với hàng hóa nhập lậu, trôi nổi hoặc hàng hóa cần phải có hồ sơ chứng minh nguồn gốc như đất đá, cát sỏi, nông lâm, thủy hải sản, xăng dầu, thực phẩm… để chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT.

Theo ông Mai Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật gian lận trong lĩnh vực thuế, ngành thuế đã xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá rủi ro về hóa đơn điện tử (HĐĐT), phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý các dữ liệu về HĐĐT, hỗ trợ nhận diện được người nộp thuế có rủi ro cao về sử dụng HĐĐT để đưa ra cảnh báo, xử lý nếu có vi phạm hoặc chuyển sang cơ quan Công an đối với trường hợp thuộc diện rủi ro cao có dấu hiệu tội phạm để phối hợp điều tra và xử lý nếu phát hiện vi phạm.

Trong năm 2023, cơ quan Thuế đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an kiến nghị điều tra, khởi tố 88 hồ sơ; ngành Thuế cũng nhận được 4.416 yêu cầu của cơ quan Công an đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến lĩnh vực thuế của người nộp thuế phục vụ công tác quản lý, trấn áp tội phạm kinh tế.

Tổng cục Thuế cũng có văn bản đề nghị các cơ quan, ban, ngành cùng phối hợp trong việc phòng chống, xử lý các hành vi gian lận hóa đơn, sử dụng hóa đơn không hợp pháp. Đồng thời cơ quan Thuế sẽ tăng cường rà soát các thông tin có nội dung rao bán HĐĐT không hợp pháp tại các nền tảng không gian mạng (facebook, website, zalo...). Trên cơ sở đó, thu thập thông tin của các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi bán trái phép HĐĐT tại địa bàn quản lý để truy xuất nguồn gốc (tên, mã số thuế, địa chỉ, điện thoại...). Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thuế, về hóa đơn thì kịp thời xử lý hoặc củng cố hồ sơ, chuyển cơ quan Công an để xử lý theo quy định.

anh-theo-box.jpg

Theo Thượng tá, PGS.TS Phạm Tiến Dũng - Trưởng khoa Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Học viện Cảnh sát), chuyển đổi số có vai trò quan trọng trong việc chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế, nhất là việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử, giúp ngành Thuế tạo bước đột phá mới trong việc quản lý rủi ro, quản lý thuế, thực hiện kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu cho các cơ quan nhà nước khác, đặc biệt là cơ quan chức năng trong điều tra, xử lý tội phạm. Các loại tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu đã và đang dần có sự "thích ứng" với việc sử dụng các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, tình hình mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn vẫn đang có chiều hướng diễn biến ngày một phức tạp. Không chỉ vậy, tình trạng mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp còn là nguyên nhân dẫn đến sự phức tạp của tình hình về tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mua bán hóa đơn bất hợp pháp: Cần xử lý nghiêm tội phạm kinh tế