Từ lâu, lễ Vu Lan đã trở thành ngày lễ chung của người Việt Nam với truyền thống hiếu đạo từ ngàn xưa.
Đạo lý về cha mẹ cũng là truyền thống lâu đời. Từ khi cất tiếng khóc chào đời đến khi lớn lên và trưởng thành, công cha nghĩa mẹ đã thấm nhuần vào trong máu thịt của mỗi người. Có nguồn gốc từ đạo Phật, hơn hai mươi thế kỉ qua lễ Vu Lan đã ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa và tinh thần của người dân Việt Nam.
Tháng Bảy ngập ngừng say trong từng gió là những vạt nắng mưa đan xen khiến cho lòng ta dễ dàng tan chảy. Trái tim ai cũng nôn nao mong cho ánh trăng rằm thêm sáng hơn trong tháng Bảy có ngày hiếu hạnh này. Tháng có ngày lễ Vu Lan để cho những người con kính dâng các bậc sinh thành dưỡng dục. Bởi khi có cha, có mẹ, ta như có cả niềm vui trọn vẹn một kiếp người.
Ở nước ta, Lễ Vu Lan được tiến hành ở chùa, sau đó mới tiến hành làm lễ tại nhà. Tại các chùa vào ngày Vu Lan thường có nghi thức “bông hồng cài áo” để nhắc nhở tất cả chúng ta về lòng hiếu thảo và tình yêu thương của con người. Ngoài ra, ở một số địa phương còn có nghi thức thả những con thuyền giấy ra biển để tưởng nhớ những người đã khuất.
Những món ăn chay được đặt lên mâm cỗ ngày Vu Lan không chỉ tượng trưng cho tấm lòng thơm thảo của con cháu thành kính dâng tặng tổ tiên, mà còn truyền đi thông điệp nhân văn của cuộc sống. Đó là: hãy nghĩ về cha mẹ, mở lòng với đồng loại để yêu thương nhau nhiều hơn.
Bản chất cuộc đời như những con thuyền lênh đênh ngoài biển khơi, cha mẹ cho ta thân phận hình hài, tâm hồn, lẽ sống để đưa mỗi chúng ta đến với cuộc đời. Để rồi sau bao năm tháng cha mẹ sẽ là ngôi nhà, là bến bờ, là đôi cánh, con thuyền đưa ta đi vùng vẫy biển khơi.
Đã có lúc, trong cái vòng xoáy nhốn nháo ồn ào của đô thị chúng ta tưởng chừng như cũng đã bị cuốn đi khiến trước mắt ta mọi thứ dần dần trở lên xa lạ. Mái đầu cha tóc bạc nhiều hơn, dáng mẹ liêu xiêu nhiều hơn theo từng cơn gió. Thậm chí, có những người đã từng bỏ đi những điều vô cùng thiêng liêng ấy ở dưới tận cùng tầng sâu nhận thức và ý thức…
Khi ấy, mỗi một mùa Vu Lan đi qua, bao nhiêu bài học cũng đi qua, và chỉ còn bài học về chữ “hiếu” là còn lại. Trong vô vàn những gấp gáp của cuộc sống chúng ta vẫn kịp nhận ra cần có những ngày phải sống chậm, sống thật chậm để ngoái lại nhìn về nơi có cha có mẹ đang ở phía sau.
Nếu người phương Tây thường tự hào về ngày “Mother”s Day”, “Father”s Day”, thì người Việt Nam chúng ta lại có quyền tự hào về một ngày Vu Lan báo hiếu.
Bởi vì lễ Vu Lan không chỉ mang một ý nghĩa là báo ơn công sinh thành của cha mẹ mà còn bao hàm cả ý nghĩa hướng về cội nguồn dân tộc, như “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn”. Vì thế, mùa Vu Lan lúc nào cũng thật thiêng liêng và luôn là một dịp thật ý nghĩa đặc biệt với tất cả chúng ta.