Người dân trồng đào phai ở xã Lưu Vĩnh Sơn (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để “đon” hoa nở đúng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Từ nửa cuối tháng 12/2024 đến nay, người dân làng đào phai xã Lưu Vĩnh Sơn huy động nhân lực tập trung tuốt lá đào với hy vọng, hoa đào sẽ bung nở đúng dịp Tết để bán đắt hàng.
Bên sườn đồi thôn Kim Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn, các vườn đào mơn mởn đang được người dân chăm chút tuốt lá, tỉa cành. Hơn 20 ngày qua, vợ chồng anh Hồ Sỹ Hậu, chị Trương Thị Hạnh đứng cả ngày trên vườn đào.
Năm nay, trong số hơn 600 gốc đào phai của gia đình anh Hậu có khoảng 200 gốc đến kỳ tỉa bán. “Năm ngoái chúng tôi bán được nhiều với khoảng 700 gốc, năm nay đào đến tuổi để bán ít hơn. Đào ở đây trồng theo hướng thích nghi với tự nhiên, không phun thuốc kích thích nên mang vẻ đẹp tự nhiên và bền hoa hơn những nơi khác”, chị Hạnh nói.
Theo anh Hậu, cây đào 2 năm tuổi thì cho thu hoạch, nếu đào đã đủ tuổi mà chưa xuất bán hết có thể để lại chăm sóc trong các năm tiếp theo. “Cây đào phai bán ra thị trường có nhiều mức giá khác nhau, tùy vào thế cây đào và tỷ lệ đào nở hoa. Hằng năm gần dịp Tết Nguyên đán, các thương lái tìm đến tận vườn đào mua hoặc gia đình tôi chở đào đến các khu dân cư bán cho khách”, anh Hậu cho hay.
Cách đó không xa, ông Trần Văn Đức (SN 1971, thôn Đông Vĩnh, xã Lưu Vĩnh Sơn) huy động thêm 2 đứa con trai ra vườn tuốt lá đào. Những cây đào cuối cùng đang được 3 bố con tích cực tuốt lá.
Theo ông Đức, những cây nào có nụ hoa to sẽ được tuốt lá sau, cây nào nụ nhỏ được tuốt trước. Khó khăn nhất của việc trồng đào là lựa chọn thời điểm tuốt lá để “đon” hoa nở đúng dịp. “Năm nay thời tiết khá thuận lợi để trồng đào, hy vọng một mùa bội thu”, ông Đức kỳ vọng.
Theo người dân Lưu Vĩnh Sơn, nghề trồng đào phai phụ thuộc khá lớn vào thời tiết, nên người trồng đào luôn phải canh thời gian phù hợp để tuốt lá. Nếu thời tiết lạnh, người trồng đào phải tuốt lá sớm hơn, còn thời tiết nắng sẽ tuốt lá đào muộn để tránh đào nở sớm.
Nghề trồng đào dù không vất vả và không bỏ ra nhiều chi phí như trồng các loại cây cảnh khác, song người trồng nếu thiếu kinh nghiệm hoặc bị ảnh hưởng bởi thời tiết có thể thất thu bởi đào nở quá sớm hoặc quá muộn so với dịp Tết, thì giá trị cây đào sẽ giảm nhiều.
Ông Trần Bá Hoành - Chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn, cho biết, nghề trồng đào phai ở xã Lưu Vĩnh Sơn có khoảng 30 năm nay. Trước đây khi người dân chưa trồng cây đào, khu đất nơi đây chủ yếu được trồng chè, keo. Sau khi một số người dân trồng thử nghiệm cây đào mang lại giá trị kinh tế cao, diện tích trồng đào ngày càng được mở rộng.
Đến nay, toàn xã có 600 hộ dân trồng đào với diện tích 112ha, trong đó có khoảng 300 hộ dân trồng đào với số lượng lớn. Năm nay, dự kiến khoảng 70% diện tích đào đã đủ tuổi để cung ứng ra thị trường.
Chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn cho hay, vào năm 2023, nghề trồng đào đã đem lại thu nhập cho người dân địa phương khoảng 10 tỷ đồng.
“Nghề trồng đào mang lại thu nhập khá, giúp nhiều gia đình trong xã thoát nghèo, đồng thời còn tạo công ăn việc làm cho một số lao động địa phương lân cận vào mỗi dịp cận Tết”, ông Hoành chia sẻ.