Ngành du lịch Việt Nam sau 2 tháng mở cửa (từ 15/3) đã có những bước chạy đà hiệu quả. Đó được coi như bước đệm tạo sức bật lớn cho sự phục hồi và phát triển của toàn ngành trong thời gian tới, đặc biệt là mùa du lịch hè năm 2022 đang cận kề.
Doanh nghiệp phấn khởi, lạc quan
Thông tin từ Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5/2022 là 172,9 nghìn lượt, tăng 70,6% so với tháng trước và gấp 12,8 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Còn theo thông tin của Sở Du lịch Hà Nội, để phát triển các sản phẩm du lịch, Hội Lữ hành Hà Nội và các doanh nghiệp đã nghiên cứu xây dựng các tour du lịch mới hấp dẫn và thu hút du khách. Trong tháng 5, tổng khách đến Hà Nội ước đạt 1,88 triệu lượt, tăng hơn 16 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó khách quốc tế ước đạt 85.000 lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 5,7 nghìn tỷ đồng, tăng gần 18 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Khi cuộc sống của người dân trong nước đã dần trở lại bình thường cộng với các chính sách mở cửa quốc tế là một trong những yếu tố tạo thuận lợi cho du khách. Cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn ngành, du lịch Việt Nam đang bước vào mùa du lịch hè đầy hứa hẹn.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty Trave Lmart cho biết, Đà Nẵng đang trên đà phục hồi rất tốt, có thể coi đã bắt kịp tốc độ tăng trưởng đối với lượng khách của cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Các doanh nghiệp hiện đang rất lạc quan, phấn khởi với sự phục hồi nhanh của du khách nội địa, cũng như mong chờ những tín hiệu từ du khách quốc tế.
“Mùa hè này là cơ hội rất tốt để phục hồi, chuẩn bị cho các bước tiếp theo dài hơi hơn và phục vụ du khách quốc tế dự kiến quay lại vào cuối quý II đầu quý III. Hi vọng năm 2023 sẽ phục hồi đầy đủ và vượt qua mốc của năm 2019 đối với du khách nội địa. Còn du khách quốc tế kỳ vọng năm 2024 sẽ quay trở lại thời kỳ trước khi dịch Covid-19 xuất hiện” - ông Dũng chia sẻ.
Còn ông Dương Bá Hưng - Tổng Giám đốc Công ty du lịch Topten Travel cho biết, lượng khách du lịch nội địa phát triển rất tốt, đặc biệt những tour hướng biển như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng hay tour đi Hạ Long… Hiện nay một số nước đang mở cửa từng bước, lượng khách đăng ký cũng đã rất nhiều. Xu hướng đi du lịch cá nhân cũng tăng mạnh. Khách nội địa đa phần đi theo đoàn, tour. Còn đối với du khách quốc tế, đa số là đi theo cá nhân. Năm nay việc đăng ký tour có trễ hơn nhưng nhu cầu du lịch rất là lớn.
Nâng chất lượng và đẩy mạnh quảng bá
Việc xây dựng sản phẩm du lịch mới đã tạo sức hút của điểm đến đối với du khách. Để đón đầu sự thay đổi trong nhu cầu đi du lịch, nhiều địa phương đã tích cực theo hướng “mỗi địa phương - một sản phẩm”. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đã cung cấp các gói sản phẩm phù hợp với nhiều đối tượng và nhu cầu khách hàng. Theo đánh giá của chuyên gia du lịch, dự báo các sản phẩm du lịch như nghỉ dưỡng, du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sẽ tăng lên.
Để hoạt động du lịch đạt hiệu quả, đặc biệt là thu hút khách quốc tế đến Hà Nội thời gian tới, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang đề xuất Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch Việt Nam qua các kênh truyền thông quốc tế; triển khai các đoàn famtrip và presstrip khảo sát các điểm đến, sản phẩm du lịch Việt Nam…
Nói về sự chuẩn bị cho du lịch hè năm nay, ông Cao Trí Dũng khẳng định, đối với Đà Nẵng, nguồn nhân lực sẵn sàng đáp ứng được mọi nhu cầu của du khách, chất lượng dịch vụ được đảm bảo và giá cả phải chăng.
“Cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng đã mở cửa trở lại khoảng 80%, sẵn sàng phục vụ với tốc độ phục hồi lượng khách tăng nhanh. Một số doanh nghiệp hiện đang tập trung giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch mới như bay trực thăng ngắm cảnh, tour sinh thái, tour trải nghiệm sáng tạo…”.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, trong thời gian tới, để thu hút mạnh hơn khách du lịch quốc tế, ngành Du lịch cần tập trung vào một số nhóm giải pháp như: Đẩy mạnh truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam đến các thị trường trọng điểm; Chuẩn bị tổ chức, tham gia các hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài; Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về xuất nhập cảnh, thị thực cho các thị trường trọng điểm; Xây dựng và quảng bá rộng rãi các gói sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn…
Cũng theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch, chính vì vậy, các địa phương doanh nghiệp cần quan tâm đến việc tuyển dụng, đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực của địa phương, doanh nghiệp để đảm bảo đủ lao động, đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành trong bối cảnh phát triển mới.
“Trong đó, chú trọng đào tạo và nâng cao kỹ năng nghề du lịch cho người lao động, đảm bảo chuyên môn hóa và thành thục các kỹ năng phục vụ của người lao động, nhất là các cơ sở cung cấp sản phẩm, dịch vụ cao cấp. Bên cạnh đó tăng cường ứng dụng công nghệ và tự động hóa trong việc cung cấp dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú du lịch cần nhiều lao động nhằm giảm áp lực thiếu lao động sau đại dịch. Có chính sách và chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho người lao động trong ngành để họ yên tâm công tác”, ông Khánh nhấn mạnh.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình:
Cần tạo sự liên kết bền vững
Du lịch thời kỳ bình thường mới cần sự phát triển bền vững, liên kết để làm mới sản phẩm, tăng chi tiêu cho du khách, chứ không chỉ liên kết để tạo sản phẩm và kích thích trong một thời gian ngắn hạn. Nếu như liên kết mà chỉ tạo ra một thói quen cho du khách đi tìm những cái rẻ nhất, những cái có lợi nhất thì cuối cùng ngành du lịch chỉ là một ngành… rẻ tiền.
Thời gian qua, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đang đẩy mạnh việc liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp với nhau bằng các hoạt động rõ ràng. Cụ thể là số lượng khách phải tăng lên, lợi ích của các điểm du lịch phải thấy rõ, tạo ra các sản phẩm hoàn toàn mới như du lịch thể thao chẳng hạn. Ở đó, dịch vụ thay đổi, bảo đảm an toàn, an ninh nhưng vẫn đem lại lợi ích.
Để đi đến hợp tác, liên kết giữa các địa phương một cách có chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh các sản phẩm du lịch truyền thống, mỗi địa phương cần khai thác thêm các yếu tố văn hóa để xây dựng sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu của du khách. Đồng thời, thúc đẩy chặt chẽ hơn nữa sự hợp tác giữa các hiệp hội du lịch trong việc xây dựng các chương trình hành động chung. Việc hợp tác phát triển du lịch mang tính chiều sâu giữa các địa phương sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ khôi phục du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới.
TS Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch:
Nâng cao phát triển nguồn nhân lực
Hiện nay sự phân bố lao động du lịch không đồng đều giữa các vùng, miền, địa phương trong cả nước dẫn đến tình trạng vừa thiếu vừa thừa giữa các vùng, miền và địa bàn trọng điểm du lịch; lao động chưa qua đào tạo chính quy và lao động trái ngành đang chiếm tỷ trọng lớn hơn số lao động được đào tạo chính quy về du lịch (58% so với 42%). Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua đã gây ra nhiều thách thức đối với ngành du lịch, việc đưa ra giải pháp giữ chân và phát triển nguồn nhân lực được xem là yêu cầu cấp thiết. Do đó, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trong thời gian tới, cần tiếp cận toàn diện hơn đối với các lĩnh vực nghề nghiệp trong ngành du lịch. Những yêu cầu và xu hướng mới đòi hỏi lực lượng lao động phải tự trau dồi, học hỏi và được bảo vệ. Trong đó, các khuyến nghị của quốc tế có ý nghĩa tham khảo quan trọng đối với việc đề xuất một số số giải pháp để thúc đẩy phát triển nhân lực du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
Du lịch Việt Nam đang từng bước phấn đấu phát triển nhanh và vững chắc để về đích trước năm 2030. Du lịch không chỉ là ngành có sự tăng trưởng vượt bậc mà còn góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác. Tuy vậy, hiện nay ngành du lịch cũng còn gặp nhiều những vướng mắc, rào cản về thể chế (mở cửa bầu trời, chính sách visa,…), về hạ tầng (hàng không, đường biển, đường sắt), tính cạnh tranh của sản phẩm du lịch…
Với thế mạnh về tài nguyên du lịch, nhất là du lịch biển, du lịch Việt Nam cần tận dụng tài nguyên có sẵn để xây dựng nên những sản phẩm du lịch đa dạng, tăng lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, cũng tập trung đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường khả năng quản lý nhà nước về du lịch.
Hoàng Minh(ghi)