Đã qua rằm tháng Giêng, có thể thấy mùa lễ hội 2025 được khởi động khá suôn sẻ. Lễ Khai ấn Đền Trần diễn ra trật tự, an toàn. Nhiều lễ hội mọi năm là tâm điểm chú ý của dư luận năm nay cũng đã không còn “điều tiếng”.
Ngay sau Tết âm lịch, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu công tác tổ chức lễ hội phải đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, không phô trương hình thức, phù hợp với thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa dân tộc. Các địa phương phải tăng cường quản lý, giám sát để ngăn chặn các biểu hiện thương mại hóa lễ hội, lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi mê tín dị đoan, gây mất trật tự công cộng.
Sau đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc bảo đảm thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động lễ hội sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân năm 2025. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến việc tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của nghi lễ truyền thống trong các hoạt động lễ hội.
Sau những ngày Tết cổ truyền là một mùa lễ hội mở ra bất tận, từ Nam chí Bắc. Cả nước có tới gần chục ngàn lễ hội. Đó là một di sản khổng lồ. Mà phải khẳng định lễ hội vốn có nhiều nét đẹp, là di sản văn hóa truyền thống còn giữ được cho tới ngày nay. Lễ hội là sinh hoạt văn hóa nhằm cố kết cộng đồng. Đa số nhân dân sẽ đến lễ hội và các cơ sở thờ tự để tưởng nhớ công lao của các vị thánh thần, các anh hùng dân tộc có công với đất nước, du ngoạn cảnh đẹp, tìm sự thanh thản trong tâm hồn, cầu mong bình an.
Thờ cúng ông bà tổ tiên, phụng thờ các anh hùng dân tộc có công với dân với nước, tôn thờ thần linh... là tín ngưỡng dân gian từ lâu đời của người Việt. Cùng với sự hòa hợp với các tôn giáo khác, trong đó đặc biệt là đạo Phật, việc thực hành tâm linh ở Việt Nam trở thành một nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Mọi tôn giáo đều bình đẳng như nhau và mọi công dân đều có quyền tự do tín ngưỡng. Dân gian, trong tiềm thức sâu nặng, luôn luôn biết ơn và thờ phụng tổ tiên nguồn cội. Các bậc thần linh, các anh hùng có công với dân với nước đều được nhân dân ghi nhớ công ơn và thờ cúng chu đáo.
Trong dòng chảy cùng tín ngưỡng dân gian Việt Nam, đạo Phật vào Việt Nam từ rất sớm. Khi đến Việt Nam, hoà hợp cùng văn hoá và tín ngưỡng bản địa, Phật giáo vẫn là tôn giáo được biết đến rộng rãi và gần gũi với người Việt Nam hơn cả. Trong tâm hồn phần đông người Việt Nam, luôn luôn có chỗ của một góc chùa làng.
Và dù là tín ngưỡng dân gian, dù là đạo Phật hay nhiều tôn giáo khác, thì triết lý quan trọng bậc nhất vẫn là hướng thiện. Không có gì tử tế hơn việc con người có một đức tin. Tin rằng chỉ cần tâm mình khởi lên điều thiện, tin rằng cuộc đời có luật nhân quả… là những triết lý nhân văn sâu sắc, hoàn toàn gần gũi và có chung một thông điệp với đạo lý dân tộc.
Phật giáo vào Việt Nam trải qua hàng nghìn năm, hoà hợp cùng văn hoá và tín ngưỡng Việt Nam, tiếp tục được bồi đắp và hoàn thiện hơn hệ tư tưởng bởi nhiều thế hệ các bậc thiền sư nổi tiếng trong lịch sử, bởi nhiều thế hệ các nhà tu hành mẫu mực tinh thông Phật pháp và đạo hạnh. Sự tôn nghiêm của một giáo lý tôn giáo, cùng với tín ngưỡng bản địa trở thành đạo lý nâng đỡ tinh thần quan trọng cho đời sống con người.
Cho nên, thật đáng tiếc nếu trong đời sống ngày nay, khi vật chất đã đủ đầy, khi người ta có điều kiện hơn để quan tâm, chăm lo đến việc thờ cúng, thì tính thực dụng đã chen cả vào chốn thờ tự. Thật đáng phê phán, khó chấp nhận nếu ở nơi mà người ta gửi gắm đức tin nhuốm màu thực dụng của quy luật đồng tiền chi phối.
Nhưng nhiều năm qua, cùng với quá trình gìn giữ và thực hành di sản, lễ hội cũng đồng thời bị lạm dụng, bị biến tướng và bộc lộ rất nhiều vấn đề, nhiều mặt trái. Ví dụ trong nhiều năm đã xuất hiện những hiện tượng phản cảm như tranh cướp lộc, đốt nhiều đồ vàng mã, một số nghi lễ có tính bạo lực.. Và vấn đề lớn nhất là lợi dụng việc tổ chức một số lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm, núp bóng các yếu tố tâm linh...
Nhiều năm liền, chúng ta phải nói về câu chuyện lễ dâng sao giải hạn tập trung tới vài chục ngàn người ngồi tràn cả ra đường. Nhiều năm liền, chúng ta mệt mỏi với những lễ hội bị trần tục hóa. Nhiều năm, người ta tranh nhau xin ấn, cướp lộc. Dòng người đổ xô đến chùa chiền, đền phủ ngày càng mang màu sắc thực dụng, xin xỏ Phật, xin xỏ thần linh.
Sau rất nhiều nỗ lực chấn chỉnh mặt trái của lễ hội, ít nhất thì cho đến thời điểm này, khi đã qua rằm tháng giêng, mùa lễ hội 2025 đã diễn ra yên ổn hơn. Lễ dâng sao giải hạn đầu năm cũng đã không còn tràn lan nữa. Tuy nhiên, sự trục lợi tâm linh có lẽ bớt ồn ào mà đi vào “chiều sâu” hơn chăng? Trong vấn đề trục lợi tâm linh cũng phải nhìn cả ở yếu tố của những người đi lễ khi người ta cho rằng có thể bỏ tiền ra “hối lộ” phật thánh cầu xin lấy lợi lộc.
Trong những năm mà lễ dâng sao giải hạn đông đến nghẹt thở ở nhiều ngôi chùa, một nhà nghiên cứu nói với chúng tôi một cách đầy “bao dung” là tôn giáo, tín ngưỡng cũng phải “chiều theo ý nhân gian”. Cho nên, lễ hội càng dài, di tích càng nổi tiếng thì lợi nhuận thu được càng nhiều. Đền phủ chùa chiền càng to thì càng đông người đến lễ.
Trong khi đó Phật và thần thánh trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam hướng tới sự giản dị, bao dung. Khi chúng ta nói về lễ hội là nói đến tính nhân văn của những tập tục đẹp. Để lễ hội diễn ra đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, tôn vinh công lao của các bậc tiền nhân và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Chỉ mong rằng tuy mới chỉ khởi đầu được nửa tháng, thời gian tiếp theo của mùa lễ hội 2025 sẽ thực sự diễn ra tiết kiệm, an toàn, lành mạnh, như tinh thần chỉ đạo trong công điện của Thủ tướng Chính phủ. Như mong muốn trong tâm thức người Việt lễ hội là dịp để gắn kết cộng đồng, là thực hành tín ngưỡng tinh thần đem lại sự khởi đầu tốt đẹp cho một mùa Xuân mới.