Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề

Mạnh Thìn - Thiên Du 02/08/2023 07:54

Những ngày qua, nhiều tỉnh Nam Bộ xuất hiện mưa lớn kèm giông lốc gây thiệt hại nặng nề. Tại Đồng Nai, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có hàng nghìn tấn cá của người dân hai huyện Định Quán, Tân Phú bị cuốn trôi do lũ dâng nhanh. Thiệt hại ban đầu ước tính lên đến hàng chục tỷ đồng.

Nước lũ vẫn đang lên trên sông Đồng Nai.

Lũ dâng, cá chết cả rồi

Ngày 1/8, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết có mặt tại khu vực sông La Ngà và sông Đồng Nai thuộc địa phận 2 xã Thanh Sơn, Ngọc Định, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai ghi nhận lũ tại khu vực nói trên đang lên rất nhanh. Theo người dân địa phương, mấy ngày gần đây trên địa bàn xuất hiện mưa lớn kèm theo dông lốc, gây ngập nhiều khu vực buộc các hồ thuỷ điện phải xả lũ. Mặc dù biết thủy điện sẽ xả lũ, nhưng do nước lên nhanh, các hộ dân đã không kịp xử lý số cá đang nuôi tại các lồng, bè.

Ông Trần Trung, một hộ nuôi cá lồng bè tại xã Thanh Sơn cho biết, đêm 30/7 và sáng ngày 31/7, mực nước sông dâng cao đột ngột do mưa lũ và nước xả lũ từ thủy điện đã khiến cho hàng chục hộ nuôi cá lồng, bè ở khu vực sông Đồng Nai đoạn qua xã Thanh Sơn trở tay không kịp dẫn đến rất nhiều bè cá bị trôi. “Mặc dù đã đoán được tình hình nhưng nước lũ về nhanh quá. Mấy bè cá chuẩn bị thu hoạch giờ trôi hết” - ông Trung thất vọng nói.

Còn với gia đình ông Nguyễn Văn Hải, đang nuôi cá tại sông Đồng Nai (thuộc địa phận xã Thanh Sơn) thì có 3 lồng cá diêu hồng khoảng 14 tấn bị chết do nước lũ. “Cá diêu hồng rất nhạy nước, đặc biệt là gặp nước lũ thì chết rất nhanh. Nước lũ về nhanh quá, không kịp kéo cá để bán, thế là gần như mất trắng” - ông Hải nói và cho biết đang huy động nhân công để vớt mấy lồng cá chép bán luôn vì sợ nước lũ còn lên khi mưa vẫn chưa có dấu hiệu dừng.

Tính đến sáng 1/8, trên địa bàn huyện Định Quán có gần 40 lồng bè bị cuốn trôi, thiệt hại ước tính khoảng hơn 20 tỷ đồng. Cụ thể, tại xã Thanh Sơn là 20 lồng, bè cá bị nước cuốn trôi, trong đó có 13 lồng, bè còn cá đang xuất bán (11 lồng, bè nuôi cá diêu hồng 220 tấn; 1 lồng, bè nuôi cá lăng 6 tấn; 1 lồng, bè nuôi cá lăng hồng vĩ 7 tấn), ước thiệt hại khoảng trên 13 tỷ đồng. Tại xã Ngọc Định có 2 hộ nuôi cá lồng bè tại vùng nuôi số 6 hồ Trị An bị nước cuốn trôi. Tổng số lượng cá bị thiệt hại khoảng 95 tấn, uớc thiệt hại khoảng trên 6 tỷ đồng.

Cùng với số lồng bè bị trôi khiến cá thất thoát ra ngoài tự nhiên, các địa phương như Thanh Sơn, Ngọc Định, Phú Ngọc, La Ngà của huyện Định Quán vẫn đang thống kê thiệt hại số cá chết do nước lũ ước tính ban đầu lên đến hàng trăm tấn, chủ yếu là cá diêu hồng, cá lăng, hồng vĩ.

Cá chết hàng loạt vì nước lũ.

“4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”

Để giảm thiểu thiệt hại cho các hộ nuôi cá lồng, bè trên sông trên sông La Ngà và sông Đồng Nai, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương yêu cầu các hộ dọn dẹp vệ sinh lồng, bè nuôi cá và di dời vào sát bờ. Bên cạnh đó, không thực hiện thả cá giống để nuôi lồng, bè từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm; bố trí lịch nuôi cá phù hợp, đảm bảo thu hoạch cá nuôi trước tháng 7 hàng năm.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các địa phương khu vực nói trên khẩn trương triển khai thực hiện ngay phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”.

Cụ thể, các địa phương cử cán bộ trực phòng, chống thiên tai 24/24 giờ; Thường xuyên theo dõi cập nhật thông tin về tình hình lũ, lưu lượng xả lũ của đập thủy điện, kiểm tra mực nước sông Đồng Nai để có cảnh báo đầy đủ, kịp thời đến người dân, các cơ quan; Di dời người dân lên bờ không ở trên bè nuôi vào buổi tối, thông báo cho người dân khu vực hai bên bờ sông Đồng Nai, sông La Ngà nhằm đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống gần bờ sông, nuôi thủy sản trên sông Đồng Nai, sông La Ngà, các công trình thủy lợi, công trình phòng, chống thiên tai và các công trình công cộng khác.

Ông Trần Nam Biên - Chủ tịch UBND huyện Định Quán cho biết, địa phương đang tập trung lực lượng vào giúp các hộ dân gia cố lại các lồng, bè để tránh bị trôi khi nước lũ vẫn còn cao. Ngoài ra cũng tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nắm lịch xả lũ của thủy điện và nâng cao công tác phòng ngừa.

Còn theo lãnh đạo Vườn quốc gia Cát Tiên (huyện Tân Phú), đơn vị đã có thông báo tạm dừng các hoạt động du lịch, đồng thời nhắc nhở nhân viên tại những trạm kiểm lâm vùng thấp khẩn trương di chuyển đồ đạc, trang thiết bị… lên khu vực cao; thông báo các trạm kiểm lâm ven sông (Thuộc Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên) sẵn sàng trực phòng chống lụt, bão nhằm hạn chế mức thiệt hại thấp nhất có thể.

Chủ động khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra

Ngày 1/8, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, đã có văn bản hỏa tốc đến các đơn vị, địa phương liên quan về kiểm tra, tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất và chủ động phòng, chống ứng phó mưa lớn gây ngập lụt, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho Nhân dân tại địa phương.

UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Chủ tịch UBND các địa phương khẩn trương khắc phục nhanh, an toàn hậu quả các khu vực sạt lở đất, nhất là trên tuyến quốc lộ 55 đoạn qua xã La Ngâu, huyệnTánh Linh và xã Đa Mi, Hàm Thuận Bắc. Đồng thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người bị nạn, nhà ngập sâu, hộ gia đình thiệt hại hoa màu do ngập nước.

Kiên quyết di dời, sơ tán dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lập phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân và có sở hạ tầng.

Xuân Hiếu

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO