Làng tôi ven sông Hồng. Làng chia thành ba khoảnh đất. Một là trong cánh đồng, hai là bên kia đê, sát với mép sông. Hai là bên kia sông, chỗ bãi cát bồi tốt bời bời. Hay nói cách khác, con sông và con đê chia làng tôi ra làm ba dải. Dải giữa ven bờ sông chỉ dành để ở. Dải cánh đồng thì vừa ở vừa trồng cấy. Riêng dải bãi bồi thì chỉ dành riêng cho dâu, ngô, khoai.
Hồi tôi còn bé tí, tức là lúc còn ở quê, có bạo lắm tôi cũng chỉ dám đứng bên này bờ sông nhìn sang ngút ngàn dâu vào mùa xuân. Ai ở đồng ruộng bãi bồi mới biết hết cái màu xanh non của dâu mùa xuân. Màu chồi non lộc biếc đẹp như thế nào thì điệp điệp trùng trùng bãi dâu còn đẹp hơn ngàn lần như thế.
Mưa xuân xuống, gió đông thổi, dâu vươn cành, trổ lá mới, mỡ màng như gái đẹp gặp trai tài. Hồi đó tôi quá bé để tìm hiểu xem làng mình trồng dâu bán hay để tự nuôi tằm. Nhưng tôi nghiêng về khả năng các thuyền buôn đến lấy dâu chuyển đi trên sông hoặc là làng hái về bán cho các nơi khác nhiều hơn. Bởi tôi có thấy người làng nuôi tằm nhưng rất ít, hầu như chỉ vài nhà chứ không phải cả làng để tiêu thụ hết bãi dâu bạt ngàn ấy.
Điều ấy cũng là bởi làng tôi chỉ thuần nghề lao động, không giỏi buôn bán, lại càng chẳng khéo tay. Đến như bà nội tôi, đan lát giỏi thì cùng lắm cũng chỉ bện được những chiếc chổi, làm thành những chiếc thúng, mủng, dần sàng để dùng trong nhà, thi thoảng lắm mới mang bán ra chợ. Cả làng tự cung tự cấp, tự sản tự tiêu là chính.
Người ta cứ bảo "rào rào như tằm ăn rỗi" nhưng trong kí ức của tôi thì không còn lại những âm thanh ấy. Chỉ là hình ảnh những con tằm bé tí, nhoắng cái nắm lá dâu bỏ vào đã trơ gân. Rồi những chiếc kén vàng ươm hay trắng tinh, tôi thích thú sờ vào nhấc lên định chơi thì bị nhắc nhở phải bỏ ngay xuống.
Hồi đó hình như tôi được giải thích là không được có hơi người, nếu không tằm sẽ chết sớm, nhộng già sớm không “được kén” gì đó. Tôi không gặp lại lần thứ hai bởi sau này tôi lớn thêm, về thăm quê thì chẳng nhà nào còn nuôi tằm nữa. Cũng phải thôi, làng có ai ươm tơ dệt vải, quanh vùng cũng chẳng có nhà máy sợi gì thì duy trì kiểu trồng dâu nuôi tằm đó sao được.
Thế nên sau này, tôi tiếc vô cùng cái bãi dâu xanh mướt làng tôi. Tôi tiếc cả những lần bà đi sang bãi về, lúc thì chìa cho tôi tổ chim với mấy quả trứng nhỏ xinh. Hồi bé ngây thơ ham ăn chỉ muốn bà luộc ngay lên cho có cái ăn. Hẳn bà tôi cũng nghĩ thương cháu mà bắt về cho chứ nếu là các con tôi bây giờ hẳn chúng sẽ chẳng đòi ăn mà tôi cũng không nỡ lòng nào làm vậy.
Thực ra thì làng không trồng dâu cũng chuyển sang trồng thứ khác. Vẫn có mía bói, có trứng chim và rất nhiều chuột bởi đây là thế giới riêng của chúng. Túp lều của bác bảo nông như một chấm đen giữa bãi, bác đi tuần một vòng cũng hết cả ngày.
Làng tôi vẫn thế, chỉ biết chăm chỉ làm, làm ra rất nhiều những thứ không ngon nhưng số lượng bù chất lượng. Khoai vừa hà vừa sượng, không ngọt cũng chẳng bở, chỉ ăn sống hoặc phơi khô làm bánh là ngon chứ luộc thì chỉ để cho gà, cho lợn. Ngô thì không ngọt cũng chẳng dẻo, chỉ để già làm thức ăn chăn nuôi hoặc rang ăn vặt cho đỡ buồn.
Đứng ở bờ bên này nhìn sang, sông Hồng vẫn cuộn trào sóng đỏ, những xoáy nước hun hút và cả một lần chết đuối hụt khiến tôi không một lần dám đi đò sang sông. Có những năm nước cạn, người làng không phải đi đò nữa. Cứ dò theo các doi đất bồi là sang được bãi. Tôi vẫn thèm được sang bãi mà kí ức về mùa dâu tháng giêng xanh quá đỗi cứ rập rờn trong tâm tưởng, khiến tôi không muốn giấc mơ của mình bị phá vỡ, đành ngậm ngùi đứng bên bờ kí ức mà thôi.
Bù lại, lúa xuân mùa nào cũng vậy, cứ xanh như thể năm này qua năm khác vẫn chính là những cây lúa ngày nào. Thực ra, hết Tết, lúa chỉ là những cây mạ vừa ấm rễ. Nên cái màu xanh lá mạ (cũng là một màu có lẽ chỉ riêng Việt Nam mới đặt như thế) ấy nó cứ biến đổi từng ngày.
Năm nào rét muộn, ra xuân còn tê tái cóng buốt, có khi màu xanh lá mạ chuyển thành màu vàng úa. Rét quá lúa chết có khi còn phải gieo mạ lại, cấy lại. Không đúng thời vụ nên chắc chắn năm đó thóc kém.
Năm nào xuân ấm, gió đông, mưa bụi thoắt rơi thoắt ngừng chứ không dầm dề nồm ẩm thì màu xanh lá mạ cứ đậm dần, đậm dần rồi chuyển thành xanh già. Ấy là lúc lúa bước vào thì con gái.
Ngày nào cũng vài ba bận tôi chạy từ nhà ra đồng, từ đồng về nhà. Có khi dang hai cánh như chim, có khi chỉ là băng băng đi để cho gió lùa ngược tóc mình, cảm nhận tóc bay theo sóng gợn lăn tăn trên mặt lúa trải khắp cánh đồng. Tôi thuộc cả ruộng lúa nhà mình, nhớ cả cái Mương Mới gần đó rất to cung cấp nước cho khoảng ruộng lớn xung quanh nó.
Lúa vừa lớn lên từ mạ, chưa có cái mùi thơm thơm của đòng, chỉ có mùi tanh tao của bùn, mùi của đất, của nước đổ ấm chân ruộng. Lúc này những con chim cũng chưa có sâu để mà đến đậu bắt ngó nghiêng. Lúc này bà tôi cũng chưa phải làm cỏ hay tát nước nhiều. Có khi chỉ mình tôi giữa bao la cánh đồng lúa ấy. Thế mà tôi cũng chẳng sợ. Bởi có màu xanh kia gợi nên biết bao yên bình…