Mùa mưa đến sớm đi cùng hoạn nạn

THẾ TUẤN 05/06/2022 07:26

Trong lúc trời nóng nóng đổ lửa xuống nhiều vùng trên Trái đất cho dù mùa hè mới bắt đầu chưa lâu, thì nhiều nơi lại chịu đựng những trận mưa lớn liên miên, gây ra những trận lũ lụt khủng khiếp. Biến đổi khí hậu đã làm gia tăng hiện tượng mưa lũ cực đoan vào mùa mưa. Giới chuyên gia thời tiết cho rằng, nếu như một số quốc gia châu Âu năm ngoái đã gặp phải những trận mưa “nghìn năm có một”, thì năm nay với những dấu hiệu bất thường kể từ cuối tháng 3  tới nay, rất có thể Trái đất cũng phải chịu những trận mưa khủng khiếp, cùng đó là sự tàn phá của lũ lụt.

Từ đêm 27 đến sáng 28/5, lượng mưa đo được tại một số khu vực ở Recife, Brazil đã lên tới mức 70% tổng lượng mưa dự báo trong cả tháng 5 tại khu vực.

Các nhà khoa học cho rằng, tình trạng ấm lên toàn cầu đang làm gia tăng cường độ và tần suất các cơn bão nhiệt đới lớn. So sánh lượng mưa thực tế ghi nhận trong vòng hơn 2 tháng qua với cùng thời điểm các năm trước cho thấy năm nay mưa sẽ nhiều hơn.

Đáng chú ý, hầu hết những trận mưa trút xuống Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal, Pakistan, Bangladesh, Brazil... gần đây đều rất lớn và ập xuống trong khoảng thời gian ngắn. Còn nếu lượng mưa nhỏ hơn thì nó dai dẳng, vắt từ ngày này sang ngày khác, từ đó cũng tạo ra lượng nước lớn đủ để gây lũ lụt. Tính trung bình, hơn 2 tháng qua, lượng mưa tăng trên 10% so với cùng kỳ. Còn nếu tính trong “3 tiếng khốc liệt” khi đỉnh điểm của một trận mưa to, thì con số đó là hơn 30%.

Châu Á với những trận mưa đầu mùa mang theo cảnh báo nguy hiểm

Tại Trung Quốc, ngày 28/5, Bộ Thủy lợi nước này đã phải kích hoạt ứng phó khẩn cấp lũ lụt cấp độ 4 do mưa lớn ở miền Nam nước này. Tân Hoa Xã cho biết, động thái trên diễn ra sau dự báo về những trận mưa như trút nước ở 7 tỉnh miền Nam Trung Quốc.

Cụ thể, từ ngày 28/5 đến ngày 30/5, mưa lớn ở các tỉnh Giang Tây, Chiết Giang, An Huy, Phúc Kiến, Quảng Đông, Hồ Nam và Quý Châu, khiến mực nước sông dâng cao, dẫn tới cảnh báo lũ lụt. Tính đến ngày 28/5, mưa lớn tại miền Nam Trung Quốc đã khiến ít nhất 15 người thiệt mạng. Trong số này, theo Tân Hoa Xã, chính quyền huyện Vũ Bình, tỉnh Phúc Kiến cho biết 8 người thiệt mạng trong 2 vụ sập nhà do lở đất ở địa phương. Cùng đó, tại Vân Nam, 5 người thiệt mạng và 3 người mất tích- theo Đài truyền hình quốc gia CCTV của Trung Quốc. Cũng tại tỉnh này, thời tiết cực đoan đã làm hư hại đường sá, cầu cống và cơ sở hạ tầng viễn thông, điện lực ở huyện Khâu Bắc.

Còn tại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, những trận mưa giữa tháng 5 đã khiến hơn 27.000 người ở 22 quận/huyện bị ảnh hưởng, Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp ở khu vực này cho biết, đồng thời đã tăng cảnh báo ứng phó khẩn cấp với lũ lụt từ cấp 4 lên cấp 3. Trung Quốc có hệ thống ứng phó khẩn cấp nhằm kiểm soát lũ lụt gồm 4 cấp, trong đó cấp độ 1 là nghiêm trọng nhất. Lũ lụt năm nay được cho là “tương đối tồi tệ và khắc nghiệt hơn” so với mức trung bình trong lịch sử. Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị - Nông thôn cùng với Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc cho biết trong một báo cáo rằng các thành phố phải cảnh giác và nhận ra mối nguy hiểm ngày càng tăng do biến đổi khí hậu gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Trong khi đó, mưa lũ nghiêm trọng cũng gây thiệt hại lớn ở Bangladesh và Ấn Độ.

Ngày 22/5, giới chức Bangladesh cho biết, có khoảng 2 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi trận lũ lụt tồi tệ nhất trong gần hai thập kỷ qua ở khu vực Đông Bắc của nước này. Ít nhất 100 ngôi làng ở Zakiganj đã bị ngập trong nước sau khi nước lũ đổ về từ Đông Bắc Ấn làm vỡ một bờ kè lớn trên sông Barak. Nước lũ tràn vào nhiều khu vực của Sylhet, thành phố lớn nhất tại Đông Bắc Bangladesh. Ước tính khoảng 50.000 hộ gia đình phải sống trong cảnh mất điện trong nhiều ngày. Các chuyên gia thời tiết của nước này cho rằng họ đã ghi nhận lượng nước trong khí quyển đã tăng thêm 7%, từ đó gây ra các trận mưa lớn.

Tại Ấn Độ, ít nhất 47 người đã thiệt chỉ trong 1 tuần của tháng 5 vì lũ lụt, lở đất và giông bão. Riêng tại bang Assam, giáp biên giới với Bangladesh, có ít nhất 14 người đã thiệt mạng vì lở đất và lũ lụt.

Giới chức bang Assam cho biết, hơn 850.000 người tại khoảng 3.200 ngôi làng đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Mưa lũ cũng nhấn chìm nhiều vùng đất nông nghiệp và phá hủy hàng nghìn ngôi nhà. Gần 90.000 người đã được đưa đến các nơi trú ẩn khi mực nước các sông dâng cao và những vùng đất rộng lớn ở hầu hết các quận vẫn bị nhấn chìm trong nước lũ.

Một người đàn ông Bangladesh nâng con trai vượt qua vùng lũ. Ảnh: AFP.

Brazil, lượng mưa trong 3 giờ bằng cả tháng

Ở một nơi rất xa cách Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh là Brazil của châu Mỹ, mưa to gió lớn cũng bất ngờ ập tới, tạo ra những trận lũ quét và sạt lở kinh hoàng.

Vào giữa tháng 2 năm nay, giới chức Brazil cho biết ít nhất 94 người đã thiệt mạng trong các trận lũ quét và sạt lở ở thành phố Petropolis. Các nhân viên cứu hộ đã phải chạy đua với thời gian để tìm người sống sót trong bùn đất và những đống đổ nát sau khi cơn bão lớn hôm 15/2 gây mưa to suốt 3 giờ đồng hồ ở thành phố du lịch xinh đẹp này. Nhiều ngôi nhà nằm ở các khu ổ chuột trên sườn đồi bị lũ cuốn trôi. Đại diện chính quyền địa phương cho biết, bằng rất nhiều nỗ lực họ đã cứu sống 21 người bị đất vùi lấp và đã đưa được khoảng 300 người đang ở tạm tại các điểm trú ẩn, hầu hết là trường học chạy thoát trước khi những ngôi nhà sụp đổ. Trong khi đó, những con đường ở Petropolis bị ngập nặng, cuốn trôi nhiều chiếc xe, cây cối và gần như mọi thứ khác trên đường.

Tòa thị chính Petropolis đã phải ban bố “tình trạng thảm họa” ở thành phố 300.000 dân, cách thủ đô Rio de Janeiro 68 km về phía bắc. Đồng thời, hội đồng thành phố thông báo để tang 3 ngày cho các nạn nhân.

Petropolis là một địa điểm du lịch nổi tiếng để tránh cái nắng oi bức mùa hè ở Brazil. Thành phố này được biết đến với những con đường rợp bóng cây, những ngôi nhà trang nghiêm, cung điện hoàng gia, ngày nay là bảo tàng, và vẻ đẹp tự nhiên của những ngọn núi xung quanh.

Chưa hết, cuối tháng 5 mới đây, một thành phố khác ở Brazil cũng lại bị mưa lũ tấn công.

Ngày 29/5, CNN dẫn lời Bộ trưởng Bộ Phát triển vùng Brazil Daniel Ferreira cho biết, ngoài số người tử nạn, thêm 56 người hiện vẫn mất tích và ít nhất 25 nạn nhân bị thương ở Pernambuco. Theo lực lượng dân phòng Pernambuco, một số trường hợp thiệt mạng do mưa lớn dẫn đến lở đất ở vùng Recife. Ngày 30/5, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã đến thành phố Recife- tâm điểm trận mưa lũ khủng khiếp này để đánh giá tình hình và trực tiếp chỉ đạo cứu trợ.

“Chính phủ của chúng tôi đã sẵn sàng, ngay từ giây phút đầu tiên, mọi phương tiện, bao gồm cả lực lượng vũ trang, được huy động để trợ giúp những người bị ảnh hưởng”- ông Bolsonaro nói và cho biết, vùng đông bắc Brazil đã phải hứng chịu lượng mưa đặc biệt lớn. Chỉ trong vòng 3 giờ kể từ khi trận mưa trú xuống, một số khu vực đã ghi nhận lượng mưa nhiều hơn tổng lượng mưa dự báo cho cả tháng 5.

Theo nhà khí tượng học Estael Sias, các trận mưa lớn đã và đang sẽ còn tấn công 4 bang đông bắc khác của Brazil, tạo nên hiện tượng thời tiết theo mùa điển hình, được gọi là “các sóng phía đông”. Đây là những khu vực “nhiễu động khí quyển” di chuyển từ lục địa châu Phi đến vùng duyên hải đông bắc Brazil.

Ông Sias còn cho rằng những diễn biến bất lợi của thời tiết gây ra những đợt mưa lớn, lũ lụt trong mùa mưa năm nay là điều có thể nhìn thấy trước, khi mà sự biến đổi khí hậu và La Nina (hiện tượng vùng biển ở khu vực nhiệt đới Thái Bình dương bị lạnh đi một cách bất thường) là thủ phạm gây mưa dữ dội ở Brazil.

“Lũ lụt không biên giới”, truyền thông quốc tế lên tiếng cảnh báo trước những đợt mưa đến sớm tại nhiều nơi trên thế giới. Riêng với khu vực Nam Á, thông thường hàng năm vào thời điểm tháng 7, tháng 8 mới phải vật lộn với lượng mưa và lũ lụt, nhưng năm nay mưa lũ đã đến sớm từ 2 đến 3 tháng. Điều gì đã thay đổi trong những năm qua khiến những cơn mưa đến sớm? Mặc dù mưa gió mùa là một hiện tượng khu vực, chứ không phải với một quốc gia, và nước lũ cũng không giới hạn trong ranh giới quốc gia nào, nhưng Nam Á cũng là nơi có nhiều dòng sông nên rất dễ bị lũ lụt khi lượng nước mưa trút xuống quá lớn. Các con sông của tiểu lục địa hoạt động mạnh nhất trong các đợt gió mùa mùa hè khi mưa trút xuống càng cho thấy mùa mưa năm nay cũng sẽ là một mùa mưa khốc liệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mùa mưa đến sớm đi cùng hoạn nạn