Ở huyện miền núi Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) mùa nắng thiếu nước sinh hoạt, mùa mưa sạt lở đất đá chia cắt đường đi, gần đây lại thêm dịch Covid-19 bùng phát. Trong điều kiện khó khăn đó, những thầy, cô giáo vẫn bám trụ gieo chữ trên non cao.
Dạy và học ở vùng Covid-19
Nam Trà My có khoảng 15 điểm nguy cơ cao về sạt lở núi, tập trung tại các xã Trà Leng, Trà Vân, Trà Mai, Trà Don... Hiện đang mùa mưa bão, tình trạng sạt lở núi diễn ra phức tạp, trong đó xã Trà Leng bị cô lập. Thế nhưng mới đây thầy trò lại gánh thêm nỗi lo bùng phát dịch Covid-19 trong nhà trường.
Chính vì thế, năm nay thầy trò Trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú huyện Nam Trà My đón Ngày Nhà giáo Việt Nam trong khu cách ly tại trường để phòng, chống dịch Covid-19. Thầy Bùi Ngọc Luận, Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú huyện Nam Trà My cho biết: “Toàn trường có hơn 300 em học sinh, trong đó có hơn 200 em là F0. Trước tình hình số học sinh F0 tăng nhanh, nhà trường đã tạm dừng việc dạy học và phối hợp với các cơ quan chức năng đưa các em học sinh bị mắc Covid-19 đi điều trị. Rất may, đến thời điểm này, số học sinh mắc Covid-19 của trường khỏi bệnh chiếm hơn 93%”.
Còn cô Hạnh Nguyên, giáo viên Trường PTDT nội trú huyện Nam Trà My chia sẻ: “Lần đầu tiên thầy cô và học trò phải dạy và học trong hoàn cảnh đặc biệt nên không chỉ các em mà cả thầy cô cũng bỡ ngỡ, lo lắng. Để các em yên tâm cách ly và tham gia học tập, thầy cô giáo chúng tôi luôn kịp thời động viên, chia sẻ. Không có bố, mẹ bên cạnh, ai cũng xem các em như con của mình. Còn các em thì rất chăm ngoan, hiếu học. Sống trong điều kiện này càng thấy thương học trò mình hơn, càng nỗ lực dạy bảo thương yêu các em”.
Cô Hạnh Nguyên nói thêm, tranh thủ buổi tối, chúng tôi động viên các em và sử dụng điện thoại để các em gọi điện về nói chuyện với bố mẹ và người thân. Chính vì thế các em cũng đỡ nhớ nhà, chăm lo cho việc học. Rất may, khi học trong khu cách ly nhà trường, có sự hỗ trợ của các lực lượng chức năng nên cô trò rất yên tâm. Nhờ thế, thời gian qua, cô trò chúng tôi đã tự tin và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cách ly phòng, chống dịch và dạy và học tốt.
Thầy Luận tâm sự: “Học sinh của trường bị mắc Covid-19 và học sinh F1 nhiều phải cách ly tại trường. Vì vậy, thầy, cô giáo trong trường đã trở thành những người điều dưỡng hoặc tình nguyện viên đi nấu thức ăn, đưa cơm cho các em. Đồng thời, luôn luôn động viên, an ủi trấn an tinh thần các em. Giờ đa số học sinh F0 đã khỏi bệnh, hiện các thầy, cô giáo nhà trường dọn vệ sinh phòng học để chuẩn bị dạy học trở lại vào ngày 21/11. Nỗi lo còn đó nhưng đã có phần yên tâm”.
Hiểu được sự quan tâm, chăm sóc và công ơn dạy dỗ của thầy cô giáo, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, trong trái tim của mỗi em học sinh ở đây đều muốn tri ân và dành những tình cảm yêu quý nhất là những lời chúc tốt đẹp mong thầy, cô giáo khỏe mạnh.
Em Nguyễn Thị Mai Tiêng, học sinh lớp 11/1, Trường PTDT nội trú huyện Nam Trà My cho biết, lúc nghe mình mắc Covid-19 em rất lo sợ, nhưng được thầy, cô giáo động viên, chia sẻ nên em vững tin hơn. “Trong thời gian cách ly em được các thầy, cô lo từng bữa ăn, giấc ngủ, được đưa đi điều trị hết bệnh, trong gian khó, em càng yêu quý thầy cô hơn. Chúng em nguyện càng phải ra sức học tập”, em Tiêng chia sẻ.
Thầy Luận cho biết, đến thời điểm này, số học sinh mắc Covid-19 của trường khỏi bệnh chiếm hơn 93%. Trường lớp dần trở lại hoạt động. Đó thật sự là nỗi mừng lớn không chỉ của riêng nhà trường.
Gian khó vùng cao
Vượt hơn 8 km đường núi, cô giáo Trà Thị Thu, điểm trường Tắk Pỏ, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My trở thành một “shipper” với mì tôm, rau củ quả, khẩu trang, nước sát khuẩn... được cột gọn ghẽ lên chiếc xe máy. Cô Thu quá thân thuộc với ngóc ngách của từng thôn bản vì hàng ngày đã mang các phần thực phẩm đến các khu vực cách ly, các điểm trường trong xã.
“Từ ngày địa phương bùng phát dịch, nhiều nhà hảo tâm, câu lạc bộ ở khắp nơi cùng chung tay giúp đỡ. Nhưng vì dịch bệnh, đường sá gian nan vất vả nên các phần quà không thể trao tận nơi nên nhờ lực lượng địa phương đi phân phát. Đang trong thời gian nghỉ vì dịch nên tôi quyết định tham gia”, cô Thu nói.
Cùng với cô giáo Thu, là hơn 10 thầy cô khác của các điểm trường tại xã Trà Tập, Trà Mai tham gia vào công việc vận chuyển này. Mỗi ngày, thầy cô nhận mì tôm, rau củ quả, trang thiết bị y tế, dùng xe máy chở đến khu cách ly tập trung và các trường học tại xã Trà Mai, Trà Tập. Bên cạnh đó, còn đi bộ đến các bản làng, nơi có các trường hợp F1 trao quà. Khó có thể nói hết nỗi vất vả, vượt qua gian khó của họ.
Ông Hồ Văn Vang, trú tại thôn 3, xã Trà Tập cho biết: “Gia đình mình có người là F1 nên không thể đi lại. Có những ngày 4 người trong nhà chỉ biết ăn mì tôm sống qua ngày. Các cô giáo không ngại khó khăn, vượt quãng đường 8km, mang gạo, cá khô, mì tôm, nước mắm, dầu ăn đến giúp gia đình. Ơn này mình ghi nhớ cả đời”.
Trong khi đó, cô Phạm Thị Bích Trang, giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học Trà Leng, huyện Nam Trà My tâm sự: “Tôi công tác giảng dạy ở ngôi trường này được 8 năm, đa số các em học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số nên cuộc sống rất khó khăn. Sách vở, quần áo của các em còn thiếu. Tuy điều kiện dạy học ở đây rất vất vả, nhưng tôi rất thương yêu học trò và muốn gắn bó lâu dài, đem kiến thức để dạy dỗ các cho các em”.
Nhiều thầy cô còn chia sẻ, họ lo lắng nhất là vào mùa mưa bão, ở đây thường xuyên xảy ra sạt lở đất đá, đường sá bị chia cắt. Nên mỗi lần chạy xe máy về nhà phải mất khoảng 4 tiếng đồng hồ, khó có thể biết được những gì rủi ro đến với họ lúc nào khi hai bên núi nhiều chỗ sạt lở, còn mưa lớn thì liên tục trút xuống.
“Trước hoàn cảnh ấy, ngày 20/11, các thầy cô giáo trong trường chỉ tổ chức một buổi sinh hoạt, trò chuyện với nhau, động viên để nhau tiếp tục công việc dạy học. Càng yêu nghề, chúng tôi càng yêu quý các em nơi Trà Leng này. Mảnh đất đã gánh quá nhiều đau thương do sạt lở núi chôn vùi cả làng, nhiều người mất nhà cửa, của cải, mất người thân”, cô Trang nói.
Còn thầy Bùi Quang Ngọc, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Trà Leng cho biết: “Năm học này, toàn trường có hơn 300 em học sinh, với 16 lớp học, từ lớp 1 đến lớp 5. Đợt mưa lũ vừa qua, đất đá sạt lở làm hư hỏng một phần móng nhà ở tập thể của giáo viên. Nhưng tất cả đã được chính quyền hỗ trợ khắc phục xong. Nhà trường đã tập trung cho công tác vừa lo giảng dạy, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19”.
Không chỉ mưa lũ, sạt lở đất mà dịch Covid-19 vẫn còn đe dọa vùng đất này. Thầy Võ Đăng Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nam Trà My cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện vẫn còn một số em học sinh là F0, F1 đang điều trị, cách ly. Nhưng may mắn hầu hết các em học sinh đã được điều trị khỏi và về địa phương.
Hiện tại một số trường trên địa bàn huyện học sinh đã đi học trở lại và Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo Hiệu trưởng các trường phải thực đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, theo dõi sức khỏe học sinh để kịp thời thông báo về cho ngành chức năng.
Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, nếu không có sự góp sức của những thầy cô giáo trong suốt những ngày vừa qua, thì câu chuyện phòng, chống dịch ở địa phương này còn gặp thêm nhiều khó khăn.
“Thầy cô vừa dạy học vừa lo chống dịch, họ đã tận tâm, tận lực với cả tình thường yêu học trò và trách nhiệm của mình. Họ thật sự là những tấm gương sáng nơi vùng đất Nam Trà My này”, ông Dũng nói.