Từ việc quen với tập tục săn bắn hái lượm, phá rừng làm rẫy hay sống nhờ sự trợ cấp của Nhà nước, giờ đây bà con người Rục ở xã Thượng Hóa, (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) đã chủ động sản xuất lúa nước với năng suất cao. Những ruộng lúa vàng bên triền núi xanh đã giúp đồng bào ở vùng biên giới đẩy lùi đói nghèo...
Bộ đội Biên phòng Quảng Bình giúp đồng bào thu hoạch lúa.
Những ngày cuối tháng 10/2018, xã Thượng Hóa luôn rộn ràng bước chân, tiếng cười mùa thu hoạch lúa. Đối với đồng bào Rục, vụ mùa năm nay mang nhiều ý nghĩa vì được kết tinh từ chính những giọt mồ hôi, công sức lao động và tình đoàn kết, gắn bó giữa đồng bào với người lính biên phòng ở nơi núi cao thuộc dãy Trường Sơn hùng vĩ.
Thời gian qua Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình đã phát huy vai trò tiên phong của người lính giữa thời bình, chung sức, chung lòng cùng nhân dân trên các địa bàn vùng sâu, vùng biên giới triển khai các mô hình sản xuất giúp dân xóa đói giảm nghèo, đẩy lùi các tập tục lạc hậu trong cách nghĩ cách làm.
Vụ lúa hè thu năm nay, người Rục được mùa với năng suất đạt 4 đến 5 tấn/ha. Sau 8 năm trồng lúa nước, đây được xem là vụ mùa cho năng suất cao nhất. Với đồng bào ở bản Mò O Ồ Ồ, bản Ón thì đây là dấu ấn quan trọng khi họ được hưởng thụ thành quả từ những ruộng lúa nước.
Còn nhớ những năm trước, cuộc sống của đồng bào Rục còn khó khăn lắm. Cuộc sống đều dựa vào rừng, sự trợ cấp của Nhà nước và sự giúp đỡ của Bộ đội biên phòng. Khi đó cây lúa nước còn là một thứ xa lạ. Thấu hiểu và cảm thông với hoàn cảnh và nhận thức của đồng bào Rục, năm 2011, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình mà trực tiếp là cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng đã băng rừng đi tìm nguồn nước, khảo sát địa hình, tìm cách xóa đói cho người Rục. Và dự án trồng cây lúa nước dưới chân núi Rục Làn được đưa ra trồng thử nghiệm.
Thượng tá Trần Đình Tứ, Đồn trưởng Đồn BP Cà Xèng chia sẻ: Những ngày đầu xuống ruộng, việc gì đối với bà con cũng vô cùng lạ lẫm. Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng phải xắn quần, xuống ruộng làm trước cho bà con xem, rồi “cầm tay chỉ việc” để bà con làm quen dần với việc cày, hái… Từ những vụ mùa đã qua, đến nay hầu như bà con đã nắm được phương thức trồng lúa nước, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng chỉ thêm về kĩ thuật. Không những thế, ý thức của bà con cũng đã được nâng lên, không như trước đây, BĐBP phải đi từng nhà để tuyên truyền, vận động bà con ra đồng cùng bộ đội trồng lúa, thì bây giờ bà con đã phát huy tinh thần tự giác rất cao.
Và cho đến hôm nay, gần 10ha đất rừng hoang hóa đã nhường chỗ cho cánh đồng lúa mới vàng bông, vụ mùa đã thực sự bội thu trên bản làng người Rục. Những hạt lúa vàng thu hoạch trên đỉnh núi quanh năm sương gió chính là minh chứng cho sự ấm no của bà con nơi vùng biên. Việc trồng lúa nước đã thực sự trở thành “cần câu” để bà con ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Giờ đây, trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, giữa màu xám của đá vôi và sương giá là sắc xanh của ruộng lúa vàng trĩu hạt. Sắc màu của sức sống mãnh liệt, của tình quân, dân gắn bó keo sơn nơi vùng biên của tổ quốc.