Vùng cao Yên Bái có hai huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải luôn trong danh sách những huyện nghèo nhất nước. Trước kia, khi mùa đông đến, nơi đây cái đói, cái rét thường song hành. Nhưng bây giờ chuyện ấy xa dần. Nhiều người tự hào rằng, mùa nào cũng là mùa ấm no.
Trong cái se lạnh của ngày đầu đông, chị Giàng Thị Pàng (bản Cổ Dề Sang B, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải) cùng gia đình tất tả che chắn chuồng bò đề phòng mưa rét sớm. Năm nay, công việc vất vả hơn, nhưng đó là cái vất vả trong niềm vui. Bởi số lượng bò và gia cầm phải chăm sóc nhiều hơn.
Chị Giàng Thị Pàng vốn là một hộ nghèo ở bản Mông vùng cao này. Nhưng giờ, chị đã là một gia đình có kinh tế khá giả. Tại các huyện vùng cao Yên Bái, nơi đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều nhất là người Mông, cái khó trong giảm nghèo là không ít bà con không “dám” thoát nghèo. Nghịch lý ấy bắt nguồn từ nhận thức, hiểu biết hạn chế, “sợ” đổi mới canh tác, nuôi trồng và tâm lý ngại vay vốn.
Vượt qua được “rào cản” ấy, phải nhờ đến sự vận động, hỗ trợ, hướng dẫn cách làm ăn của cán bộ Mặt trận và các đoàn thể nhân dân. Chị Giàng Thị Pàng đã “dũng cảm” vay 50 triệu đồng từ Ngân hành Chính sách xã hội để đầu tư chăn nuôi trâu bò.
“Mình đã xây dựng chuồng trại, được chính quyền, đoàn thể hướng dẫn kĩ thuật nên đàn trâu bò của mình phát triển. Thỉnh thoảng mình bán trâu bò đi lấy tiền mua sắm vật dụng gia đình. Đời sống đã cải thiện nhiều”, chị Giàng Thị Pàng chia sẻ.
Mù Cang Chải là một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Nhưng những năm gần đây, đây lại là điểm sáng trong xóa đói, giảm nghèo, nhờ kết hợp đồng bộ chính sách hỗ trợ của Trung ương, sự đầu tư của tỉnh và vận động giúp đỡ các hộ nghèo. Nếu như trước đây, vườn rừng chủ yếu là vườn tạp thì nay trên địa bàn ngày càng nhiều cây trồng hàng hóa như: thảo quả, sa nhân, hồng giòn, lê… Đây đều là những cây ôn đới, thích hợp với khí hậu vùng cao. Các gia đình đều mở rộng đàn gia súc, gia cầm…
Ngoài vận động bà con nỗ lực vươn lên, MTTQ các cấp Mù Cang Chải còn trực tiếp tổ chức các mô hình làm ăn, để tránh tái nghèo. Điển hình như MTTQ xã Nậm Có tổ chức lễ ra mắt các mô hình tổ hợp tác về chăn nuôi. Xã Nậm Có hiện có tổ hợp tác chăn nuôi dê với số lượng 110 con, chăn nuôi bò sinh sản với số lượng 25 con và một số tổ hợp tác khác. Tổ hợp tác hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, công khai thảo luận và thống nhất hành động, chia sẻ kinh nghiệm.
Chính quyền và MTTQ sẽ hỗ trợ liên kết để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Những mô hình này giúp các hộ dân yên tâm hơn, vì không đơn độc trên hành trình thoát nghèo. Trong giai đoạn 2016-2020, trung bình, Mù Cang Chải giảm được 8,4% hộ nghèo mỗi năm. Từ đầu năm đến nay, tiếp tục có hơn 550 hộ thoát nghèo.
Cùng với Mù Cang Chải, tại huyện Trạm Tấu, nhiều xã có phong trào thi đua thoát nghèo, tự nguyện viết đơn thoát nghèo. Tổng diện tích toàn huyện Trạm Tấu gần 75.000 ha, nhưng diện tích đất nông nghiệp chiếm chưa đến 10% thì việc trồng cây gì, nuôi con gì để dân thoát nghèo mới khó.
Tùy từng địa bàn mà chính quyền, đoàn thể vận động người dân chuyển đổi cây trồng. Những cây trồng mới như: ngô, sơn tra, khoai sọ, hay các loại cây ăn trái khác thay dần vườn tạp, chú trọng các nông sản thương phẩm.
Trước đây, nếu nói cây khoai sọ thoát nghèo ai cũng băn khoăn. Vì nhà nào chả trồng khoai sọ. Thế mà khi đã hình thành chủ trương lớn, đẩy mạnh sản xuất hàng hoá, thì cây khoai sọ Trạm Tấu không chỉ là cây thoát nghèo, mà còn là cây làm giàu. Xã Bản Mù giờ có 28 ha, xã Xà Hồ có đến 37 ha… Toàn huyện đã có hơn 200 ha khoai sọ.
Anh Giàng A Cho - thôn Khấu Ly, xã Bản Mù chia sẻ: “Năm ngoái gia đình tôi trồng được khoảng 350 m2 khoai sọ thì đã thu được 7 triệu đồng. So với diện tích trồng lúa nương trước đây thì cây khoai sọ tăng gấp 4 lần, vì vậy năm nay gia đình mình đã mạnh dạn trồng 2.500 m2 khoai sọ nương. Dự kiến gia đình có thể thu nhập từ 55 - 60 triệu đồng”.
Bên cạnh đó cây sơn tra tiếp tục là cây chủ lực của Trạm Tấu. Cây sơn tra được trồng xen dưới những tán rừng tự nhiên, rừng phòng hộ giúp người dân vừa có thu nhập từ bảo vệ rừng, vừa có thu nhập từ quả sơn tra. Toàn huyện Trạm Tấu có trên 2.200 ha sơn tra, chủ yếu trồng tại các xã: Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ, Túc Đán, Làng Nhì và Tà Si Láng. Trong số đó, hơn 800 ha cho thu hoạch, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cho đồng bào Mông nơi đây vừa góp phần bảo vệ tài nguyên rừng. Từ đầu năm đến nay, huyện Trạm Tấu có hơn 60 hộ gia đình tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo.
Cùng với đổi mới cách làm ăn, những hộ khó khăn nhất được hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết, sửa chữa, nâng cấp nhà ở. Trong năm nay, chỉ riêng nguồn hỗ trợ từ Bộ Công an, 100 hộ gia đình ở Trạm Tấu đã có nhà mới.
Ngược lên con dốc cao vời vợi, chúng tôi đến bản Tấu Trên (xã Trạm Tấu), Trưởng bản Vàng A Chu phấn khởi khoe năm nay bản Tấu Trên có 3 hộ gia đình người Mông được xây nhà, mỗi căn trị giá 50 triệu đồng. Chị Thào Thị Giàng, sinh năm 1986, trú tại bản Tấu Trên một mình nuôi 2 con nhỏ, cháu thứ hai mới hơn 2 tuổi. Chị chia sẻ:“Vậy là mùa đông năm nay tôi không phải lo giá rét nữa”.
Mù Cang Chải và Trạm Tấu là hai huyện vùng cao khó khăn nhất của Yên Bái. Cứ khi mùa đông sắp kéo đến, trước kia, người ta lại lo một “mùa đói rét”, thì bây giờ, nhiều người đã thoát khỏi nỗi lo ấy. Mù Cang Chải và Trạm Tấu cũng là hai huyện có tốc độ xóa nghèo nhanh nhất những năm gần đây.
“Mùa ấm no” đang đến với mọi nhà. Tính trên toàn địa bàn, thời gian qua, tỉnh Yên Bái huy động nhiều nguồn lực, hỗ trợ kinh phí hoàn thành sửa chữa, xây mới hơn 900 ngôi nhà cho các hộ nghèo, gia đình chính sách còn khó khăn, với tổng kinh phí hơn 110 tỷ đồng. Năm nay, do tình hình khó khăn chung của dịch bệnh Covid-19, để gây Quỹ Vì người nghèo, MTTQ tỉnh Yên Bái đã ra lời kêu gọi toàn dân tích cực tham gia xây dựng quỹ. Đây sẽ là nguồn “vốn” vật chất và tinh thần ý nghĩa, để giúp vùng cao Yên Bái tiếp tục vươn lên.