Mùa ốc đồng Mộc Hóa

Đoàn Xá 31/10/2017 09:30

Cùng với nhiều sản vật khác mà mùa nước nổi hào phóng ban tặng cho người dân miền Tây Nam Bộ, những ngày này, hàng trăm nông dân vùng biên giới Mộc Hóa, Kiến Tường (tỉnh Long An) đang hối hả bước vào mùa săn bắt ốc đồng.


Ốc đồng được cho là sinh kế bền vững của nhiều người.

Đi dọc những con đường ở khu vực này, rất dễ bắt gặp những người dân trên những cánh đồng mênh mông nước. Mặc dù không có giá trị cao nhưng với số lượng nhiều lại dễ dàng săn bắt, ốc đồng được cho là sinh kế bền vững của nhiều người, kéo dài suốt mấy tháng theo mùa nước.

Ông Nguyễn Phú Lộc, 61 tuổi, một người dân ở xã Bình Phong Thạnh (huyện Mộc Hóa) đang cùng vợ săn bắt ốc đồng cho biết, ốc di chuyển chậm chạp nhưng sinh sản rất nhanh nên chỉ gần một tháng sau khi nước tràn về, chúng xuất hiện ở khắp mọi nơi. Từ những cánh đồng hoang, những cụm bèo tây, thân cây cổ thụ nổi trong nước hay thậm chí cả bờ ruộng... Bất cứ nơi nào cố định trong nước là ốc bám vào. “Để bắt được chúng cũng không khó khăn gì, chỉ cần chăm chỉ, lặn lội trên đồng tìm kiếm là được. Mỗi ngày trung bình hai vợ chồng tôi bắt được khoảng hai chục ki lô ốc, trừ các chi phí bán vẫn được khoảng ba trăm ngàn đồng. Đó được coi là số tiền khá lớn mà nhiều người ở đây không dễ dàng gì mới có được. Càng đặc biệt hơn nữa khi ốc đồng nhiều, khai thác được suốt mấy tháng mùa nước nổi”- ông Lộc nói.

Do ốc đồng xuất hiện ở khắp mọi nơi theo con nước nổi nên những ngày chợ, các chợ ốc đồng cũng xuất hiện rất nhiều, để thu gom sản phẩm của người dân trước khi mang về thành phố. Từ những chợ truyền thống lâu năm đến những ngã ba đường, quốc lộ, những bến sông, chân cầu... đều trở thành nơi giao dịch, buôn bán với mặt hàng duy nhất là ốc đồng. “Do những người săn bắt ốc thường xuyên di chuyển, có khi từ vùng này qua vùng khác nên các chợ ốc cũng nở rộ. Bất cứ chỗ nào nông dân có ốc, chúng tôi đều thu mua hết. Sau đó, ốc được mang về khu vực ở thị trấn Mộc Hóa (cũ) nằm trên quốc lộ 62 để giao dịch, sau đó đem về thành phố ngay. Bây giờ đang vào mùa rộ ốc nên có ngày, tôi đem về thành phố bỏ cho các chợ, nhà hàng tới sáu trăm ki lô vì ốc đồng ở Mộc Hóa rất nhiều”- chị Tư Hồng, chủ một vựa buôn ốc ở đây cho biết.

Ốc đồng khu vực này có nhiều loại, nhưng có có hai loại chính xuất hiện nhiều trong mùa nước nổi là ốc lát và ốc bươu bên cạnh một số loại khác như ốc gạo, ốc đắng... Nếu như ốc bươu nhiều, to và cân nặng nhưng giá rẻ thì ốc lát hiếm hơn. “Mỗi ký ốc bươu bán ở ngoài thị xã Kiến Tường khoảng từ 10 đến 12 ngàn đồng thì mỗi ký ốc lát mắc gấp đôi, khoảng 20 ngàn đồng. Tuy nhiên, các chủ vựa buôn ốc lựa rất kỹ. Ngoài việc ốc phải đạt chuẩn (to) thì ốc phải mới bắt, thịt đầy mới được chọn lựa. Nếu ốc bắt vài ba ngày mới đem bán thì sẽ không được giá vì chúng khá nhẹ, cho vào nước thường bị nổi lên và loại ra”- một thương lái thu mua ốc khác ở thị trấn Mộc Hóa cho biết thêm.

Trước kia, ốc bươu chỉ được nuôi ở ao hồ nhưng nay chúng đã có nhiều ở các cánh đồng mùa nước về. Nhiều nơi nông dân thường phàn nàn tình trạng ốc bươu phá hoại mùa màng nhưng ở vùng biên giới Đồng Tháp Mười này lại khác. Bình thường, do thổ nhưỡng phèn mặn nên ốc bươu rất khó sinh trưởng. Chỉ đến khi mùa nước tràn về, chúng mới sinh sôi nảy nở. Chừng vài ba tháng, khi mùa nước qua đi, ốc cũng thưa dần cho tới mùa nước sang năm. Có lẽ, cũng như hầu hết các loài thủy sản khác, ốc bươu cũng buộc phải “bắt nhịp” với quy luật của trời đất, của mùa nước nổi riêng biệt, đặc trưng của vùng đất này vậy”.

Có thể nói, không chỉ mang đến sinh kế cho người dân trong vùng, ốc đồng ở Mộc Hóa còn là nguồn hàng được tiêu thụ nhiều ở thành phố, dần dần trở thành một sản phẩm, một thương hiệu độc đáo của địa phương vùng biên giới Tây Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mùa ốc đồng Mộc Hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO