Theo truyền thuyết, múa rối nước đã ra đời từ thời An Dương Vương xây thành Cổ Loa, năm 255 trước Công nguyên. Với tôi, điều nói trên, dù mơ hồ nhưng rất lý thú. Mơ hồ vì nó không nói rõ truyền thuyết đó thế nào, gốc ở đâu và dựa vào đâu nói An Dương Vương xây thành Cổ Loa năm 255 trước Công nguyên?
Còn rất lý thú là bởi trong cuốn sách “Nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng Đông Sơn” xuất bản năm 2017, tôi đã chứng minh An Dương Vương chính là vị vua đã cho đúc và ban phát những chiếc trống đồng Đông Sơn đầu tiên. Vậy phải chăng An Dương Vương cũng là vị vua đã cho diễn những vở múa rối nước đầu tiên?
Lý giải những biểu tượng
Cho đến nay, bằng chứng duy nhất và sớm nhất về múa rối nước Việt xưa là một đoạn văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh dựng năm 1121, thời nhà Lý viết: “…Dập dờn lòng sóng, thả rùa vàng Ngao đội ba ngọn núi…khoe vảy đẹp, chuyển bốn chân, nhe răng trợn mắt phun nước…Đôi cánh cửa động lặng mở, các vị thần tiên hiện ra... Nhuần nhị nét mặt thanh tân…Tay nhỏ mềm múa điệu hồi phong. Nhíu mày biếc ca lời thịnh trị. Chim quý họp bầy, thảy đua dáng lượn bay; hươu lành thành đội, tự sắp hàng vờn nhảy”. Đoạn văn bia cho biết có 4 loại con rối trong rối nước thời Lý, đó là: Rùa Vàng Ngao đội ba ngọn núi; Các vị thần tiên; Chim quý họp bầy; Hươu lành thành đội.
Là người chuyên sâu về các biểu tượng Đông Sơn, đọc xong đoạn văn bia trên, tôi đã thầm reo lên: “Đây rồi!” Đó là vì 4 loại con rối trên là 4 biểu tượng lớn trên trống Ngọc Lũ, chiếc trống đồng Đông Sơn cổ và đẹp nhất đúc vào thời An Dương Vương.
Biểu tượng Rùa Vàng Ngao: Trên trống Ngọc Lũ ta thấy rõ hai dạng nhà Đông Sơn: dạng nhà hình Ông Tổ Rùa có mái sống lồi như mai rùa, hai đầu hồi có hình xoáy ốc và dạng nhà hình Bà Tổ Chim có mái sống võng như lưng chim, hai đầu hồi có hình đầu chim. Ta lại thấy tượng rùa có trên mặt trống Bình Yên, Thanh Hóa, một trống đồng có hoa văn rồng Lý nên chắc chắn đã được đúc vào thời Lý. Tượng rùa trên trống là biểu tượng cho thần mưa tương đương với tượng ếch trên các trống đồng Đông Sơn. Trong truyền thuyết Việt, thần Rùa Vàng còn là một hiện thân của Huyền Thiên Trấn Vũ, vị thần Rùa Đen trấn trị phương Bắc theo quan niệm Đạo giáo. Thời Đinh, vị thần này đã được thờ ở cố đô Hoa Lư. Thời vua Lý Thái Tổ (1010-1028), thần được tiếp tục thờ tại đền Trấn Vũ ở thành Thăng Long.
Tuy nhiên, trong màn múa rối nước thời Lý, con rối rùa vàng đội ba ngọn núi không phải là thần Rùa Vàng thời An Dương Vương, cũng không phải là thần Rùa Đen thời Lý mà là con rùa vàng mang tên Ngao. Một truyền thuyết Trung Quốc kể khi Nữ Oa tái tạo vũ trụ đã chặt 4 chân của một con rùa biển lớn tên Ngao để làm 4 cột chống trời. Một truyền thuyết khác lại kể Ngao chính là con vật nâng đỡ trên lưng ba hòn đảo của 8 vị tiên trên biển Bố Hải. Tuy nhiên, các địa danh có từ Ngao lại chỉ thấy ở vùng ven biển từ Chiết Giang tới Quảng Đông, cho thấy hai truyền thuyết trên có gốc Bách Việt. Chính vì vậy, quan niệm về một con rùa lưng cõng ba ngọn núi có thể cũng đã có vào thời Đông Sơn.
Các vị thần tiên: Có vẻ, các vị thần tiên xinh đẹp múa giỏi hát hay ở đây là các Kinnari của Phật giáo, tức các thiên thần nửa chim-nửa phụ nữ với đầu, thân, tay của phụ nữ và cánh đuôi, chân của thiên nga. Đó là các tiên nữ có tài múa hát, là biểu tượng cho vẻ đẹp cao quý tuyệt vời. Các tiên nữ đó lại có hình hài như nhau để dễ dàng cho việc tạo hình rối.
Chim quý: Chắc chắn chim quý ở đây là chim phượng. Thời Lý, phượng là một biểu tượng cho chim quí chầu vua hiền, cho sự tốt lành và may mắn.
Hươu lành: Hươu lành từng đội ở đây, cũng không còn nghi ngờ gì nữa, có họ hàng với đàn hươu sao trên mặt trống Ngọc Lũ. Trong tâm thức Đông Sơn, hươu là biểu tượng cho mặt trời. Trong tâm thức phương Đông, hươu cũng là một biểu tượng cho sự tốt lành, sự trường thọ gắn với vua sáng tôi hiền.
Như vậy, có thể khẳng định: 4 loại con rối chính trong múa rối nước triều Lý tương ứng với 4 biểu tượng lớn trên trống đồng Ngọc Lũ đúc thời An Dương Vương.
Múa rối gắn với cầu mưa - cầu mùa
Để hiểu biết múa rối nước đã ra đời như thế nào vào thời An Dương Vương, trước hết chúng ta cần hiểu biết về ma thuật mô phỏng. Nó dựa trên niềm tin rằng các hành động giống nhau có thể tạo ra những kết quả giống nhau, vì thế con người có thể có được điều mình mong muốn bằng cách tạo ra cái tương tự hay tương ứng với điều đó. Niềm tin đó lại dựa trên niềm tin rằng vạn vật trong vũ trụ đều có linh hồn, và vũ trụ là một thể thống nhất.
Một số quan niệm của người Việt xưa nay cũng bắt nguồn từ niềm tin tương tự: “mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang” bởi từ “mèo” gần gũi với từ “nghèo”, từ “chó” gần gũi với từ “có”. Ngày nay, các quan niệm trên có thể bị coi là mê tín hay ảo tưởng, nhưng xưa, chúng là những cách thức của con người trong nỗ lực giải thích và cải tạo thế giới. Chính vì thế, nhiều ma thuật mô phỏng đã là gốc của nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc.
Thời An Dương Vương, múa rối nước về bản chất là một chuỗi các ma thuật cầu mưa - cầu mùa, dạng ma thuật quan trọng nhất và đôi khi mang tính sống còn với đất nước. Để cầu mưa, ngoài việc cầu khấn và cúng tế các lễ vật, dựa trên nguyên tắc của ma thuật mô phỏng và tư duy biểu tượng âm-dương, người xưa có nhiều cách. Ví dụ: đàn ông hóa trang giống rùa (hay rắn, ếch, trâu), biểu tượng của ông tổ rồng - thần mưa và nhảy múa theo các động tác của thần cho đến khi mồ hôi nhỏ xuống đất như mưa; mọi người té nước như mưa vào nhau và vào mọi vật ở bốn phương; đua thuyền rồng với thuyền chim với phần thắng luôn được cố ý dành cho thuyền rồng, tức để thần mưa thắng thần nắng; chọi trâu, chọi gà và dùng con trâu, gà thua làm vật tế thần mưa, máu trâu, máu gà tưới xuống đất sẽ gọi mưa đến theo; đánh trống đồng mô phỏng tiếng sấm báo mưa giông... Để cầu mùa, các cô gái hóa trang thành chim và múa mô phỏng các động tác của chim; trai gái giã trống cối hát và giao duyên thể hiện hòa hợp âm-dương...
Dễ thấy, các ma thuật trên chính là gốc của các tục múa rồng, đua thuyền, hát trống quân, múa-hát xoan, chọi gà, chọi trâu trong các hội làng Việt sau này.
Thời An Dương Vương, các ma thuật hay nghi lễ cầu mưa - cầu mùa như vậy được triều đình tiến hành hàng năm. Nhưng khi có nạn hạn hán kéo dài, nguy cơ gây mất mùa, đói kém, loạn lạc buộc nhà vua phải trực tiếp chủ trì các nghi lễ này thì việc dùng các con rối làm các biểu tượng âm-dương thay cho người thực, con vật thực lại tỏ ra thích hợp và được tin là linh ứng hơn.
Hơn nữa, việc điều khiển các con rối đó dưới nước, tức múa rối nước cũng được tin là sẽ làm tăng sức linh nghiệm của các ma thuật bởi nước là nơi ở của thần nước, nơi thực hiện các ma thuật cầu mưa dễ dàng và thuận lợi nhất. Chỉ rối nước mới cho phép thực hiện sống động các ma thuật như rùa phun nước hay đua thuyền chim-thuyền rồng.
Chỉ rối nước mới cho phép mô phỏng nhiều hoạt động sống của con người gắn với nước như: chăn vịt, câu cá, đi cày đi cấy… Khi điều khiển các con rối trong tiếng trống nhạc rộn ràng, họ tạo ra sự thống nhất, hòa hợp giữa hình và bóng, tương ứng với sự thống nhất, hòa hợp giữa âm và dương của cả vũ trụ, dẫn đến mưa thuận-nắng hòa cùng với sự sinh sôi nảy nở của người và vạn vật.
Giờ đây, chúng ta có thể thấy rõ hơn mối liên hệ cội nguồn giữa múa rối nước thời An Dương Vương, không chỉ với múa rối nước thời Lý mà cả múa rối nước các thời sau này. Rõ ràng, các trò rùa phun nước, múa người-chim, múa cò trắng, múa hươu sao thời An Dương Vương là gốc của các tiết mục rùa vàng Ngao phun nước, múa tiên-chim, múa phượng, múa hươu thời Lý. Hai trò đầu lại là gốc của các trò rồng phun mưa, múa “Bát Tiên” sau này. Các trò khác như đua thuyền, chọi trâu, giã gạo chắc cũng có gốc từ các trò tương tự thời An Dương Vương.
Có vẻ, từ đó là tính tâm linh đi cùng với tính giải trí và tính văn hóa đã làm cho múa rối nước có sức sống âm thầm và bền bỉ ở nhiều làng quê Việt suốt từ thời An Dương Vương qua thời Lý cho đến tận ngày nay.