Mùa trăng ký ức

THÁI HƯƠNG LIÊN 04/10/2023 17:16

Đã có những buổi tối mùa thu của thời thơ ấu, bọn trẻ con chúng tôi ngóng chờ trăng lên như chờ một người bạn.

Minh họa: Công Quốc Hà.

Đầu tháng, mặt trăng hình lưỡi liềm mảnh dẻ treo trên lưng trời ngay khi vừa chập tối. Mỗi ngày trôi qua, mặt trăng lại trở lên đầy đặn, sáng và mọc muộn hơn một chút. Cuối tháng âm lịch thì trăng bắt đầu lên khi đã quá nửa đêm.

Vào rằm tháng Tám, mặt trăng sẽ to tròn và sáng nhất, lúc ấy chúng tôi cùng nhau mang trống ếch, đèn ông sao ra đi quanh làng và rước cỗ trông trăng. Tôi từng nghĩ ánh trăng đổ xuống là để dát vàng dát bạc lên cảnh vật trần gian. Những mặt ao lóng lánh, những bóng cây huyền ảo và những mặt sân, góc vườn, con đường… đều đẹp lung linh. Trên chiếc sân gạch nhà tôi, qua tán lá, ánh trăng rắc lên những bông hoa tròn biết nhảy múa, sống động như một cuốn phim hoạt hình đang trình chiếu. Chúng tôi vui đùa dưới trăng với những trò chơi bất tận.

Tôi nhớ có lần sắp đến trung thu, tôi ngồi trước bàn học mà tâm trí còn đang tận đẩu tận đâu mỗi khi tiếng trống ếch và tiếng í ới nói cười của lũ bạn cùng xóm bập bềnh ngoài kia. Hôm ấy tôi không xin được đi chơi vì có nhiều bài tập về nhà chưa làm. Tết Trung thu đến khi năm học mới đã sang, chúng tôi không còn được nghỉ dài như dịp hè nữa.

Tôi lấy làm buồn bực lắm, vì sao trung thu không diễn ra vào dịp nghỉ hè cơ chứ. Nếu vào dịp nghỉ hè có phải chúng tôi được vui chơi thoải mái hơn không. Giờ này chắc chắn lũ bạn tôi đã đem đèn ông sao và trống ếch được mua sớm ra rước thử. Tôi biết chúng sẽ rồng rắn đi quanh làng vì tiếng trống ếch nghe lúc gần lúc xa, có lúc mất hút trong gió. Trăng ngoài sân đã sáng như ban ngày rồi mà tôi thì vẫn chưa xong bài tập. Thôi, chắc từ chiều mai, tan học buổi chiều tôi sẽ rủ cái Mỹ đến nhà cùng làm bài tập luôn để đến tối còn được rước đèn đi chơi.

Mùa Trung thu hồi ấy đối với chúng tôi rất dài, nó bắt đầu từ lúc tháng Tám vừa sang. Năm nào được mua ông tiến sĩ, đèn ông sao, trống ếch hay mặt nạ giấy bồi thì cảm giác hạnh phúc vô cùng. Cũng có năm, tôi được bố làm cho chiếc đèn ông sao dán bằng những từ giấy pơ luya mỏng dính, nó rất chắc chắn nhưng không có nhiều màu sặc sỡ như chiếc đèn dán giấy bóng kính mua ngoài chợ. Tôi thường ước sao cho đêm rằm trời đừng mưa và không có mây để trăng sáng rực rỡ vì thiếu trăng coi như đêm trung thu đó mất vui, dù vẫn có đèn có nến. Quan trọng hơn là nếu mưa, chiếc đèn ông sao dính nước rất dễ hỏng và nến sẽ bị tắt.

Chúng tôi cũng chuẩn bị sẵn thùng, chậu nhôm để đề phòng có “gấu ăn mặt trăng” là mang ra gõ vì cho rằng đem thùng chậu ra gõ như thế “con gấu” kia sẽ sợ mà bỏ đi không dám “ăn”mất ông trăng sáng. Kỳ thực “con gấu” ấy chỉ là một đám mây đen xuất hiện trên bầu trời, vô tình bay qua che khuất trăng sáng, nếu chúng tôi không gõ chậu nhôm thì cũng chỉ một lát là đám mây ấy sẽ bay qua và mặt trăng lại hiện ra như cũ. Điều này mãi về sau này tôi mới biết chứ lúc ấy sợ hết hồn, lo gấu ăn mất trăng, chỉ biết gõ thật to mong sớm đuổi “con gấu” kia đi.

Tháng Tám, những quả hồng trứng trong vườn đã ngả sang màu vàng và những cái tai quả đã bắt đầu cong lên, thế nghĩa là quả hồng đã già. Chúng sẽ được trẩy xuống để đem dấm cho kịp chín đỏ vào đêm trung thu. Những quả bưởi to và xanh bóng sẽ được để dành cho việc bày cỗ trung thu, những quả bé còi cọc có thể được ăn trước. Mâm cỗ chỉ có vậy. Một việc không kém phần quan trọng là thu nhặt hạt bưởi bóc sạch, tìm que xâu làm nến và đợi chờ khi nào mình được mua hoặc được làm đèn ông sao thì dùng làm nến đốt.

Mùi hạt bưởi cháy rất thơm, nó có mùi từa tựa như mùi hạt lạc cháy, điều đặc biệt là khi cháy sẽ bắn ra những tia sáng reo tí tách như pháo hoa do trong hạt chứa đầy tinh dầu. Có nến bưởi, có đèn ông sao, có trăng sáng là có Tết Trung thu rồi, chúng tôi cũng không dám đòi hỏi gì nhiều khi những năm tháng ấy mọi thứ còn rất thiếu thốn. Nhưng tôi cứ ao ước được mẹ mua cho một chiếc đèn ông sao dán giấy bóng kính và gắn những chiếc tua rua rực rỡ như của lũ bạn ngoài kia. Nó tuy không đước chắc chắn như chiếc đèn bố tôi làm nhưng bù lại được dán bằng giấy bóng kính đủ màu rất lộng lẫy.

Tháng Tám, tôi hay đứng vịn tay vào song cửa sổ sắt đã hoen gỉ của cửa hàng hợp tác xã để hóng xem bao giờ ngoài đó bày bán bánh nướng bánh dẻo. Lúc nào thấy có tôi sẽ phóng về nhà ngay báo cho bố mẹ biết, nhưng không phải khi nào cũng được mua. Những chiếc bánh dẻo trắng phau, bánh nướng thơm nức màu vàng ươm được gói trong tấm giấy nâu tươm mỡ luôn là niềm ao ước của chúng tôi mỗi dịp trung thu. Cả nhà tôi đông bảy, tám người cũng chỉ dám mua một cặp bánh nên việc chia nhỏ ra và tôi chỉ được một miếng bé tí là chuyện đương nhiên. Chính vì thế nên nó đã ngon lại càng ngon hơn và tôi chưa bao giờ thôi ao ước được một lần ăn bánh trung thu thật thỏa thích.

Cái mùi đặc trưng của cửa hàng hợp tác xã đến giờ vẫn còn đậm đặc trong tôi, đấy là mùi dầu hỏa hôi nồng và mùi song cửa sổ tanh tanh mùi gỉ sắt. Cửa hàng ấy luôn có hai mặt hàng không bao giờ thiếu là dầu hỏa và muối. Dầu hỏa đựng trong chiếc thùng phuy to tướng được bơm ra bằng một cái bơm tay kéo lên kéo xuống.

Còn muối thì đựng trong những chiếc bao cói to đùng đặt trên nền nhà ướt nhoẹt quanh năm suốt tháng. Hai thứ ấy chả có nhà ai không cần nên đi mua là phải mang theo sổ và xếp hàng chờ đợi, mua hết tiêu chuẩn là thôi. Từ dầu đến muối đều phải dùng tiết kiệm chứ không bao giờ được lãng phí. Tôi nghĩ, cái song sắt cửa sổ ấy hoen gỉ nhiều cũng vì hơi muối bốc lên và mồ hôi từ những bàn tay người mua nắm vào khi xếp hàng chờ đợi cũng nên. Bánh trung thu không phải là mặt hàng thiết yếu, chỉ được mua khi dầu và muối đã đầy đủ.

Đến tận bây giờ, cảm giác tiếc nuối vẫn nguyên vẹn trong tôi khi chiếc bánh trung thu ngọt ngào năm ấy thay vì thơm phức mùi lá chanh và béo ngậy vị thịt mỡ thì nó lại phảng phất mùi dầu hỏa. Tôi chẳng rõ nó bị ám mùi trong gian hàng đầy mùi dầu hôi nồng ấy hay do đôi bàn tay tôi vừa lo xách chai dầu trơn tuột vừa chốc chốc lại mở lớp giấy nâu gói bánh ra hít ngửi mùi thơm của chiếc bánh mới ra lò. Cái bánh nướng ấy cắt ra mỗi người một miếng nhỏ như ngón tay nên dù có bị chê tơi tả vì có mùi dầu thì cuối cùng cũng đã được thưởng thức ngon lành. Cả nhà chẳng có ai bị đau bụng vì ăn miếng bánh ấy nhưng tôi vẫn hơi buồn và áy náy vì đôi bàn tay mình dây mùi dầu hỏa. Tất nhiên việc này tôi không giấu kỹ, chỉ một mực bảo do cô bán hàng đang đong dầu lại đưa bánh cho tôi.

Rất nhiều mùa Trung thu nữa đã đi qua nhưng những năm tháng xa xôi ấy vẫn hay trở lại trong tôi. Tôi nhớ những bông hoa nhảy múa trên mặt sân, nhớ mùi nến bưởi thơm loang trong gió bập bùng tiếng trống ếch, nhớ chiếc đèn ông sao đẹp rực rỡ nhưng hay nhõng nhẹo xô lệch khi đang vui rước cỗ. Và thật lạ, tôi nhớ cả cái gian hàng hợp tác xã sực mùi đặc trưng của thời bao cấp và miếng bánh trung thu bé tí, phảng phất trong miệng mùi dầu hỏa. Đêm nay, ngoài ban công, trăng mùa thu cũng đang treo trên trời cao vằng vặc…

Vào rằm tháng Tám, mặt trăng sẽ to tròn và sáng nhất, lúc ấy chúng tôi cùng nhau mang trống ếch, đèn ông sao ra đi quanh làng và rước cỗ trông trăng. Tôi từng nghĩ ánh trăng đổ xuống là để dát vàng dát bạc lên cảnh vật trần gian. Những mặt ao lóng lánh, những bóng cây huyền ảo và những mặt sân, góc vườn, con đường… đều đẹp lung linh. Trên chiếc sân gạch nhà tôi, qua tán lá, ánh trăng rắc lên những bông hoa tròn biết nhảy múa, sống động như một cuốn phim hoạt hình đang trình chiếu. Chúng tôi vui đùa dưới trăng với những trò chơi bất tận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mùa trăng ký ức