Trước một mùa tuyển sinh cận kề, việc chọn ngành nghề đào tạo như thế nào để phù hợp với năng lực sở trường của người học, cũng như đảm bảo yêu cầu ra trường có việc làm ngay đang là mối quan tâm của nhiều phụ huynh và thí sinh. Trong danh mục đào tạo do Bộ GDĐT vừa ban hành trước mùa tuyển sinh 2018, có những ngành nghề lần đầu tiên có mã tuyển sinh.
Ảnh minh họa.
Thêm nhiều ngành mới
Theo danh mục giáo dục, đào tạo cấp 4 trình độ ĐH vừa được Bộ GDĐT ban hành, hiện có 366 ngành đào tạo (tăng thêm 105 ngành so với danh mục được ban hành năm 2010).
Bên cạnh những ngành nghề có sự điều chỉnh, nhiều ngành học lần đầu có mã ngành riêng như: Du lịch, an toàn thông tin, tổ chức và quản lý y tế, bảo tồn di sản kiến trúc đô thị…
Danh mục này ban hành kèm theo Thông tư số 24/2017/TT-BGDĐT ngày 10/10/2017 của Bộ trưởng Bộ GDĐT.
Ngay khi có danh mục mới, nhiều trường ĐH đã có dự kiến điều chỉnh hoặc mở mới những ngành học lần đầu được cấp mã riêng.
Cùng với đó, nhiều trường còn phải tiến hành sửa tên hàng loạt ngành đào tạo cũ của trường.
Theo các chuyên gia giáo dục, việc điều chỉnh tên gọi liệu có kéo theo sự thay đổi về chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra với người học hay không là một vấn đề cũng được đặt ra.
Và mối quan tâm muôn thuở của người học trước mỗi mùa tuyển sinh vẫn là việc chọn ngành nghề thế nào để dễ thành công? Chọn theo truyền thống gia đình hay đam mê, xu hướng xã hội? Điều này liên quan tới công tác hướng nghiệp cho học sinh.
Trên thực tế, nhiều mùa tuyền sinh qua, tuy đa phần học sinh vẫn còn chịu nhiều định hướng chọn nghề từ gia đình, nhưng tính độc lập trong việc hướng nghiệp đã thể hiện rõ ràng hơn.
Xu hướng chọn nghề “hot” để ra trường dễ xin việc như ngành Dược, Du lịch, Tài chính…vẫn là trào lưu.
Nhưng theo cảnh báo từ các chuyên gia ngành “hot” có thể hiểu là tên ngành rất hay, tạo ấn tượng tích cực, có sức hút mạnh mẽ; “hot” cũng có thể hiểu là ngành ấy có thể kiếm được nhiều tiền, dễ thành công sau khi ra trường; “hot” còn có thể hiểu là lượng người chọn lựa nhiều, hay là nhu cầu nóng của một lĩnh vực nào đó mà xã hội cần…
Tuy nhiên, khi theo học ngành “hot” các bạn trẻ cũng sẽ phải đối diện với những lo lắng về khả năng thích ứng như tìm chỗ thực tập, thực hành phù hợp.
Hướng nghiệp còn bỏ ngỏ
Theo thông lệ thường niên, bắt đầu từ ngày 1/4 đến 20/4, thí sinh sẽ đăng ký thi THPT quốc gia cùng với đăng ký xét tuyển ĐH.
Mặc dù cơ hội vào các trường ĐH ngàng càng rộng mở hơn, nhưng nhiều thí sinh vẫn lúng túng chưa chọn được môn thi, ngành nghề phù hợp với bản thân và dễ kiếm việc làm…
TS Giáp Văn Dương, người xây dựng trường học trực tuyến GiapSchool cho biết từng có một khảo sát nhỏ trong vòng một năm với học sinh, sinh viên và phụ huynh.
Khoảng 80% học sinh THCS và THPT, 50% SV trả lời học để kiếm tiền hoặc học để sau này có công ăn việc làm.
Chừng 40 - 50% SV và 20 -25% học sinh THPT nói học để có thể tự lo cho cuộc sống của mình, kiếm được công việc phù hợp, sau này đỡ khổ và giúp đỡ gia đình. …
Rõ ràng việc học, thi hiện nay với các bạn trẻ như một quán tính. Hết cấp tiểu học thì lên cấp THCS, THPT, rồi vào ĐH.
Thực tế, trước thời điểm đăng kí dự thi, nhiều em vẫn lúng túng chưa biết lựa chọn trường, lựa chọn nghề.
Năm 2017, thống kê của Bộ LĐTBXH cho thấy cả nước hiện có trên 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Điều này cho thấy một sự lãng phí lớn về tiền bạc và thời gian, nếu mỗi bạn trẻ không lựa chọn đúng con đường của mình.
Ở mùa tuyển sinh năm 2017, ông Bùi Xuân Tiến- trưởng phòng Thông tin thị trường lao động - Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội thuộc Sở LĐTBXH Hà Nội đã tư vấn: xã hội đang đòi hỏi sự năng động nên chọn những ngành nghề năng động để dễ kiếm việc hơn là những nghề đặc thù như luật, giáo viên... khó kiếm việc.
Ví dụ như, các trường có ngành công tác xã hội và dịch vụ xã hội vẫn có cơ hội ra trường kiếm được việc làm cao.
Tại Hà Nội, các doanh nghiệp thương mại dịch vụ có nhu cầu lớn về tuyển lao động đầu năm 2017.
Học sinh cũng có thể chọn ngành kinh tế, thương mại để có thể tự thân lập nghiệp, kinh doanh các ngành nghề đa dạng...
Có một thực tế là bao lâu nay, công tác hướng nghiệp trong nhà trường vẫn bị bỏ ngỏ.
Với học sinh THPT ở những vùng nông thôn, các em chịu thiệt thòi hơn nhiều so với học sinh ở thành phố bởi bị hạn chế trong việc tiếp cận được những chương trình tư vấn hướng nghiệp hiệu quả.
Vào mùa thi, những cuộc tiếp xúc tư vấn vẫn đều đặn diễn ra, nhưng chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị, còn các trường học ở nông thôn gần như thiếu vắng.
Đó là nguyên nhân khiến đa số học sinh, sinh viên không biết mình học để làm gì, học cái gì cho phù hợp với bản thân mình...
Vì thế, câu chuyện “sàng lọc” sinh viên ở nhiều trường ĐH, đơn cử như mới đây trường ĐH Bách Khoa cho hay mỗi năm nhà trường cho thôi học từ 700- 800 sinh viên, bởi các em thiếu định hướng học hành khi bước chân vào môi trường mới, âu cũng là điều dễ hiểu.