Mưa xuân giăng giăng khắp nơi, đọng thành giọt nhỏ li ti, lấp lánh trên từng chồi non, lộc biếc. Đất trời đã ấm áp hơn, tiếp sức cho cây cối đơm bông, trổ nụ, chờ ngày hàm tiếu, mãn khai. Mọi người hối hả trong guồng quay mưu sinh vội vã, thu vén công to việc nhỏ cho gọn gàng, xong xuôi để kịp đón một dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt. Đó là Tết.
Tết Nguyên đán còn gọi là Tết cổ truyền, Tết Ta, Tết âm lịch, luôn thật thiêng liêng trong tâm thức người Việt. Cho dù ở gần hay đi xa đến mấy thì mỗi khi đến tháng cuối năm củ mật, người ta lại cảm thấy bâng khuâng, bồn chồn, nửa mừng, nửa lo đợi tết đến, xuân về để được sum vầy, đoàn tụ với những người thân yêu ruột thịt.
Trải qua mấy năm trời khó khăn, đại dịch toàn cầu Covid-19 hoành hành, gây tác động xấu đến sức khỏe, đời sống, kinh tế của toàn xã hội. Chúng ta đã phải đón “Tết Covid” thật đặc biệt, chưa từng có trong lịch sử, là một cái tết “đóng băng”. Nhẽ ra, Tết là phải được sum vầy, đoàn tụ, giao lưu, chúc tết vui vẻ như xưa nay vẫn thế. Ấy vậy mà đùng một cái, Covid-19 xuất hiện khiến cho mọi thứ bị đảo lộn, trong đó có Tết.
Hầu như “ai ở đâu thì ở nguyên đó”, người tha hương không được về quê; họ hàng, làng xóm không được qua lại nhà nhau thăm hỏi, chúc tết. Nhà nào đón Tết của nhà ấy. Cũng sắm đào, sắm quất, hoa tươi để đón xuân đấy. Cũng cỗ bàn, canh miến, canh măng, bánh chưng, giò, nem, ninh, mọc đấy. Nào có thiếu thức gì dù mua bán tương đối khó khăn vì kinh tế eo hẹp, vận tải hàng hóa bị kiểm dịch khắt khe. Mà sao Tết vẫn có vẻ như chưa thể trọn vẹn, tròn đầy. Ấy là bởi vẫn còn người thân ở phương xa đang phải ăn tết trong nỗi đau đáu nhớ nhà. Chúng ta vừa ăn tết vừa thấp thỏm, căng thẳng phòng chống dịch, đầy ắp âu lo. Nên đành “chúc tết online - mừng tuổi bằng chuyển khoản” chứ không được trực tiếp như những mùa tết trước.
Tết Quý Mão năm nay, thật may mắn là dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Không còn cảnh phong tỏa, giãn cách như trước nữa. Mọi người đã quay trở về nhịp sống "bình thường mới". Những cuộc vui liên hoan, gặp gỡ gia đình, bạn bè được lên kế hoạch. Người xa quê tìm đặt mua vé máy bay, tàu, xe… từ sớm để không bị lỡ chuyến hồi hương sau mấy cái tết lủi thủi nơi đất khách quê người.
Những biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế cũng thay đổi linh hoạt hơn để phù hợp với diễn biến mới. Từ siết chặt 5K nay được nới lỏng xuống 2K; lấy vaccine làm trọng tâm khuyến cáo người dân nên tiêm đủ, tiêm đúng lịch, kết hợp với đeo khẩu trang và khử khuẩn, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Những người mắc mới hoặc tái nhiễm đã bình tĩnh, biết tự chăm sóc tại nhà vì có nhiều kinh nghiệm tự điều trị an toàn...
Nhưng có lẽ vì đã từng phải trải qua những cái "Tết Covid" đầy cam go, khó khăn, mất mát nên dường như tết này, người ta đã biết nâng niu, trân quý cơ hội được sum vầy, đoàn tụ với gia đình, hưởng một cái tết bình an, trọn vẹn hơn dù còn nhiều thiếu thốn. “Đi qua những ngày mưa mới biết yêu hơn những ngày nắng”.
Đi qua những năm tháng cam go vì “chống dịch như chống giặc” để càng thêm trân trọng những ngày được sống bình thường là bình yên; trân trọng, gìn giữ thành quả phòng chống đại dịch mà phải khó khăn lắm đất nước mình mới giành được. Để năm nay, nhà nhà, người người hồ hởi đón những người con xa quê trở về đoàn viên, sum họp, cùng nhau đón Tết Quý Mão đậm đà hương vị tình thân.
Mùa xuân yêu thương đã hồi sinh trên khắp mọi miền của Tổ quốc…