Tinh hoa Việt

Mùa xuân, theo ông bà đi lễ

ĐĂNG NGỌC 01/03/2024 09:06

Việc lễ đình chùa vào mùa xuân - khởi đầu của một năm, khởi đầu của sự sống, đã là thói quen của người dân Việt Nam. Bao mùa xuân tuổi ấu thơ tôi đã theo chân ông bà, hoặc bố mẹ đi lễ đình, chùa ngay gần nơi mình ở. Và đó cũng chính là nơi dành cho bọn trẻ chúng tôi những lớp học ươm mầm tri thức.

img_8207.jpg
Đi lễ đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Ảnh: Hữu Thái.

Những năm 60 của thế kỷ XX, quê tôi - Xuân Lôi (thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) miền Trung du nghèo khó, trụ sở Ủy ban hành chính xã phải nhờ đình chùa là nơi làm việc, học hành của con trẻ, cũng nhờ đình chùa để thầy giáo làng đứng lớp. Như là một sự ngẫu nhiên, tuổi học trò của tôi cho đến đầu cấp 2 đều gắn với những ngôi đình, ngôi đền cổ kính, thâm nghiêm.

Qua những giờ học khai tâm cho tới đầu cấp 2 thầy cho chúng tôi biết con chữ, biết con số, biết hình học, nhưng chẳng bao giờ được nghe nói về ngôi đình, ngôi đền đã ấp ưu tuổi thơ mình.

Chỉ những lần theo ông bà nội đi lễ đầu xuân mới có dịp hiểu về những chốn linh thiêng ấy. Nội vốn là Thư ký hộ lại thời phong kiến, giỏi Hán - Nôm, biết cả tiếng Pháp, đến lễ nơi đâu là đọc hoành phi, câu đối, là đọc Hán tự khắc trên cây hương đá, như ông vẫn hay đọc những pho sách chữ Nho để ở bàn thờ gia tiên. Ông bảo, người nào chưa hiểu quê hương, bản quán, chưa hiểu tiền nhân thì chưa phải là người trưởng thành. Và mỗi lần theo ông bà đi lễ đình, chùa, đền là “kho báu” về những vị thần, bà chúa được thờ cúng trên quê hương cứ lần lượt được mở ra.

Tôi học từ vỡ lòng đến hết lớp 2 ở đình Nghĩa Lộ, thường gọi đình Giò. Lớp 3 ở đền Tam Thánh, lớp 4 ở đình Lối, lớp 5 ở đình Ngõa. Một hôm đi lễ, tôi mới hỏi, sao quê mình lại nhiều đình thế hả ông? Ông bảo, vì có nhiều người có công với làng, với nước được dân sùng ái thì xây đình thờ cúng, để muôn đời con cháu tưởng nhớ công ơn của các vị ấy.

Đình Giò và đình Ngõa đều là nơi thờ Quý Minh đại vương. Quê mình là một vùng đất cận kề kinh đô Văn Lang thời Hùng Vương, theo các bản thần tích mà ông đọc được, Quý Minh là vị tướng tài có công giúp Hùng Vương thứ 17, thường gọi Hùng Duệ Vương, dẹp giặc Thục nên đã được Vua Hùng thưởng công lớn.

Sau khi vị này qua đời, nhà Vua ra lệnh cho những nơi ngài đóng quân và đi qua đều được lập đền thờ. Quý Minh được coi như vị Thành hoàng làng. Thành hoàng là những người có công với nước như Quý Minh, hoặc người có công đầu gây dựng lên một ngôi làng, một nghề nào đó, gọi là ông Tổ nghề. Cũng giống như thờ cúng tổ tiên, thờ cúng Thành hoàng của người Việt vừa là tín ngưỡng, vừa là đạo lý sống của hậu thế đối với bậc tiền bối có công với làng xóm, đất nước.

Lớp học của các cháu đặt nhờ đình Lối là thờ Bà chúa Lối, vì bà có công giúp Mạc Đăng Dung trị việc nước. Bà xuất thân từ một gia đình nề nếp gia giáo, tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Lãng.

Bà có vẻ đẹp đoan trang, tính tình hiền hậu, thảo hiền đức hạnh, chăm chỉ lễ phép, nên được chọn làm thứ phi của Thái tổ Mạc Đăng Dung và có công lớn trong việc trông nom, cất đặt, thừa hành các công việc nội cung nên được tặng danh hiệu “Thái chiếu viên”. Khi bà mất được nhân dân phụng thờ, vì kỵ húy nên tên “Lãng” đọc chệch thành “Lối”, đình mang tên ấy, rồi làng, chợ cũng mang tên “Lối”.

Tuổi thơ tôi năm lớp 4 đã học trong ngôi đình ấy, giờ vẫn bộn bề bao kỷ niệm: Trồng cây, dọn vệ sinh hàng tuần quét lá, đốt tro bón cho ruộng khoai sọ ngay trước lớp học. Còn gì trực quan, sinh động hơn hình ảnh thầy Đức chỉ tay ngay ra ruộng khoai sọ, giảng câu ngạn ngữ nói về những người không biết nghe lời với câu, “nói như nước đổ lá khoai”.

Làm sao có thể quên những lần giúp bà hái lá mít vườn nhà làm thứ lót cho những phẩm oản, cắt nải chuối, hái mấy lá trầu, châm những nén nhang đi lễ đình Giò, đình Lối và nghe ông giảng giải “đình” khác “đền” thế nào. Đền là nơi thờ Phật. Đền Tam Thánh có lớp học của cháu là thờ A di đà và hai Quan Thế âm. Ngài A di đà có lòng từ bi bao la, trí tuệ thông đạt có thể giúp người tìm ra con đường giải thoát khỏi kiếp luân hồi để có cuộc sống an lạc không u sầu, phiền não. Con người nếu muốn có được hạnh phúc, an lạc thì phải nhẫn nại, cố gắng vượt qua những khổ đau, bất hạnh.

Với tôi, và có lẽ của nhiều người đều tin rằng, đi lễ đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Giúp con người nhớ về nguồn cội, hướng thiện và nhằm tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tất cả kiến thức tâm linh ông chỉ bảo đó đã trở thành thứ hành trang vào đời, trở thành chìa khóa, trở thành động lực để tôi tìm hiểu tiếp cho tường tận hơn, sâu sắc bản quán mình mà thêm quý, thêm yêu mảnh đất đã nuôi mình khôn lớn. Và tự hào biết bao, khi biết tên huyện tôi – huyện Lập Thạch ngày nay, theo Hán tự là “đá dựng” lại lấy từ tên làng Đá dựng (trong làng có cột đá dựng tự nhiên), lại là một trong những làng cổ thuộc xã Xuân Lôi của tôi bây giờ.

Cùng với sự chuyển mình của đất nước, bên cạnh việc phát triển kinh tế thì đời sống văn hóa, trong đó có văn hóa tâm linh quê tôi cũng được chú trọng. Hầu hết những ngôi đình - lớp học đã từng ươm mầm tri thức cho lứa chúng tôi đều được phục dựng khá hoành tráng, được xếp hạng đúng với giá trị của nó. Ví như, ngay trước cửa đình làng Giò đã có cột đá khắc dòng chữ: “Thờ Quý Minh đại vương, được Vua Tự Đức thứ ba cấp sắc phong” và “được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp Bằng di tích lịch sử văn hóa”.

Rồi những tấm hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng có cả chữ Hán, chữ Quốc ngữ, rồi bảng mica chữ Quốc ngữ, có nơi còn cả tiếng Anh chữ to, viết về lịch sử của những ngôi đình, ngôi đền để lớp trẻ ngày nay, khách du lịch quốc tế cũng có thể nhận biết một cách dễ dàng, hiểu một cách tường tận về các vị Thành hoàng, hoặc các vị Thánh mà làng tôn thờ.

Với tôi, và có lẽ nhiều người đều tin rằng, đi lễ đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Giúp con người nhớ về nguồn cội, hướng thiện và nhằm tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Thi thoảng về quê gặp dịp lễ hội đầu xuân đứng chiêm bái trước các bệ thờ thâm nghiêm, hương trầm phảng phất, hoa đại trắng ngát hương thì hình ảnh ông nội áo the, khăn xếp, bà nội áo dài thâm nâu lại hiện về.

Ông vẫn như dạy tôi cách châm hương, và đôi bàn tay nhăn nheo của ông nâng tôi lên cho đủ tầm cao của bệ thờ để tự tay mình cắm ba nén nhang thơm lên lạy thánh mớ bái cầu tài, cầu lộc, cầu an khang thịnh vượng như vẫn đâu đây.

Những đốm lửa nhang hồng cùng thắp với ông bà, trước linh vị của những người có công đức trên quê hương, dù trải qua bao mùa xuân vẫn cứ sáng lên trong ký ức của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mùa xuân, theo ông bà đi lễ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO